
Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một khung kinh tế mới cho thời đại AI, để đảm bảo không chỉ các công ty công nghệ hưởng lợi mà còn cả người lao động – những người hiện có ít cơ hội hơn và đang chịu nhiều áp lực hơn để làm việc hiệu quả hơn.
Nỗi lo bị máy tính “cướp việc” đã tồn tại gần như từ khi máy tính ra đời, nhưng trong năm qua, những lo ngại ấy ngày càng trở nên thực tế hơn bao giờ hết khi trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu thay đổi cách con người làm việc.
CEO của Anthropic, ông Dario Amodei, đã khuếch đại nỗi lo đó vào tháng 5 khi cảnh báo rằng AI có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp – đặc biệt là trong các công việc văn phòng – lên tới 20% trong vòng 1 đến 5 năm tới. Một số công ty hiện đã bắt đầu sử dụng AI để thay thế một phần công việc từng do con người đảm nhiệm; Meta, Microsoft và Salesforce ngày càng dùng AI để lập trình và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Các CEO từ Amazon đến JPMorgan đều cảnh báo rằng lực lượng lao động của họ sẽ giảm do AI.
Tuy nhiên, một số dự đoán như vậy cần được xem xét kỹ lưỡng. Việc tuyên bố “AI quá giỏi, sẽ thay thế con người” không chỉ là thông điệp tiếp thị hấp dẫn để bán công nghệ, mà còn có thể là cái cớ thuận tiện cho các lãnh đạo đang muốn cắt giảm nhân sự.
Vậy AI có thực sự là mối đe dọa cho người lao động không? Câu trả lời không đơn giản là trắng hay đen. CNN đã phỏng vấn hơn nửa tá chuyên gia trong ngành công nghệ trong tháng qua và nhận thấy ý kiến còn khá chia rẽ về mức độ và tốc độ mà AI có thể thay đổi thị trường lao động.
Ví dụ, CEO Jensen Huang của Nvidia nói với CNN rằng AI chỉ khiến con người mất việc “nếu thế giới cạn kiệt ý tưởng.” Còn CEO Demis Hassabis của Google DeepMind cho biết mối lo về “ngày tận thế việc làm” do AI gây ra chỉ nằm trong danh sách quan tâm nhỏ của ông.
Tuy vậy, ngay chính các công ty công nghệ cũng đã cắt giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn vị trí trong năm nay khi đưa AI vào thay thế một phần công việc phát triển phần mềm và các nhiệm vụ khác.
Tuy không thống nhất về tác động cụ thể, nhưng có sự đồng thuận rộng rãi rằng bản chất công việc đang thay đổi — từ cách thức thực hiện đến những nhiệm vụ con người sẽ đảm nhận — và quá trình này có thể diễn ra nhanh hơn mọi cuộc cách mạng công nghệ trước đây.
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào tháng 2, hơn một nửa người Mỹ lo ngại AI sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nơi làm việc, và một phần ba tin rằng AI sẽ khiến họ có ít cơ hội việc làm hơn theo thời gian. Tuy nhiên, các sự cố AI gây tranh cãi xuất hiện thường xuyên trên mặt báo – từ chatbot Grok của Elon Musk bị cáo buộc phát tán tư tưởng bài Do Thái do lỗi cập nhật, cho đến danh sách tác phẩm để đọc mùa hè do AI tạo ra chứa những đầu sách hư cấu – đã khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng máy móc sẽ sớm thay thế hàng loạt lao động.
“Tôi nghĩ sẽ có sự thay thế nhất định. Nhưng cũng sẽ xuất hiện những loại hình công việc mới,” ông Gaurab Bansal, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn khởi nghiệp phi lợi nhuận Responsible Innovation Labs cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến một sự tái cấu trúc phức tạp, chứ không phải đơn giản là xóa bỏ việc làm.”
Và đây mới chỉ là bước khởi đầu.
“Tôi cho rằng chúng ta sắp bước vào một giai đoạn bất ổn kéo dài khoảng một thập kỷ, có thể lâu hơn,” ông Bansal nhận định.
“Một hệ thống biết suy nghĩ và lý luận”
Tại Thung lũng Silicon, các cuộc thảo luận về việc AI sẽ định hình lại thị trường lao động đã diễn ra suốt nhiều năm — cùng với những đề xuất giảm thiểu tác động, chẳng hạn như thu nhập cơ bản phổ quát, điều mà CEO OpenAI Sam Altman từng ủng hộ.
Tuy nhiên, cuộc thảo luận này mới thực sự bùng nổ trong vài tháng gần đây khi các “ông lớn” công nghệ tung ra những công cụ AI kiểu mới, gọi là AI tác nhân (agentic AI).
Khác với chatbot truyền thống chỉ phản hồi từng câu hỏi đơn lẻ, các hệ thống agentic AI có thể xử lý những tác vụ phức tạp, nhiều bước mà không cần chỉ dẫn liên tục từ người dùng. Ví dụ như: lập trình một trang web theo ý tưởng người dùng hoặc tìm tài liệu và biên soạn thành bài thuyết trình.
Tuần trước, OpenAI đã ra mắt chế độ tác nhân mới cho ChatGPT, có thể thực hiện nhiệm vụ thay cho người dùng, còn Anthropic vào tháng 5 đã công bố một mô hình AI có thể tự làm việc gần như cả ngày mà không cần can thiệp từ con người.
“Giờ đây, bạn chỉ cần đưa cho hệ thống một mục tiêu, nó sẽ tự động phân tích và chia nhỏ thành các bước cần thiết để hoàn thành,” ông Swami Sivasubramanian, Phó Chủ tịch mảng AI tác nhân tại Amazon Web Services, chia sẻ với CNN. “Bạn bất ngờ có trong tay một hệ thống có khả năng tư duy và lý luận, có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau — điều này mở ra rất nhiều khả năng trong môi trường làm việc.”
Ví dụ, năm ngoái Amazon đã sử dụng một tác nhân AI để nâng cấp 30.000 ứng dụng phần mềm trong nội bộ. Dự án này ước tính sẽ cần đến 4.500 lập trình viên làm việc trong một năm, nhưng AI đã hoàn thành trong chưa đầy sáu tháng, giúp Amazon tiết kiệm khoảng 250 triệu USD chi phí đầu tư, theo ông Sivasubramanian.
CEO của Microsoft là Satya Nadella cũng cho biết AI đang tạo ra 20–30% mã nguồn của công ty, trong khi CEO Meta Mark Zuckerberg dự báo 50% mã nguồn sẽ do AI viết vào năm tới. CEO Salesforce Marc Benioff nói với Bloomberg rằng công ty ông hiện đang dùng AI để xử lý khoảng 30% đến 50% khối lượng công việc.
Khác với các cuộc chuyển đổi công nghệ trước đây – như tự động hóa trong nhà máy công nghiệp – trí tuệ nhân tạo (AI) lại dễ dàng được ứng dụng để cải thiện hoặc thay thế các nhiệm vụ của con người.
“Nhân công AI chỉ là phần mềm, nên bạn không cần phải mua máy móc đắt tiền,” Steven Adler, cựu nghiên cứu viên của OpenAI, cho biết. “Các nhân công AI cũng có thể được nâng cấp dễ dàng khi có phiên bản mạnh hơn. Đặc biệt với các công ty đã quen dùng phần mềm từ đám mây… việc triển khai một ‘đồng nghiệp ảo’ giờ đây ít trở ngại hơn bao giờ hết.”
Một số công việc bị thay thế, một số công việc được hỗ trợ
Trong khi một số lĩnh vực như lập trình và phân tích dữ liệu được xem là dễ bị thay thế hơn cả, nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn các vai trò sẽ thay đổi chứ không biến mất hoàn toàn. Họ cho rằng phần lớn nhân viên sẽ dùng AI để tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, từ đó có thêm thời gian cho các công việc sáng tạo hoặc liên quan đến con người.
Ví dụ, một bác sĩ có thể dùng trợ lý AI ghi chú và điền vào hồ sơ bệnh án trong suốt buổi khám, giúp bác sĩ có thêm thời gian để trò chuyện trực tiếp với bệnh nhân.
“Phần lớn các tác vụ trong hầu hết công việc không thể tự động hóa,” Yann LeCun, Giám đốc khoa học AI của Meta, viết trên LinkedIn tháng trước.
Nói cách khác, AI “tốt nhưng chưa hoàn hảo” cho một số loại nhiệm vụ mà con người đang làm, nhưng chưa thể thay thế phần lớn lực lượng lao động, theo Yacine Jernite – trưởng nhóm học máy và xã hội tại công ty mã nguồn mở Hugging Face.
Các công ty và chính phủ đang đầu tư vào đào tạo nhân lực cho kỷ nguyên AI, bao gồm cả một học viện đào tạo giáo viên về AI tại thành phố New York – sáng kiến hợp tác giữa các ông lớn công nghệ và công đoàn giáo viên. Tháng trước, Nhà Trắng cũng khởi động một cam kết dành cho các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI cho thanh niên Mỹ, với 68 công ty đã ký tên.
Dennis Woodside, Giám đốc điều hành công ty phần mềm dịch vụ khách hàng Freshworks, cho biết công ty ông đang chuyển các nhân viên từng chỉ phản hồi thụ động các yêu cầu hỗ trợ – việc mà AI có thể làm – sang vai trò làm việc chủ động hơn với khách hàng.
Một số người trong ngành tin rằng AI sẽ làm một số nghề biến mất, nhưng đồng thời tạo ra những nhóm công việc mới mà hiện tại ta chưa thể hình dung.
“Chúng ta đã thấy điều đó trong thời kỳ Internet, khi hàng nghìn tỷ USD giá trị kinh tế được tạo ra mỗi năm, và nhiều công ty lớn, có giá trị cao và thành công nhất hiện nay cũng được khai sinh trong thời điểm ấy,” Dan Priest – Giám đốc AI tại PwC – nhận định. “Xét tổng thể, AI sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng việc làm, chỉ là các công việc sẽ khác đi.”
Tuy nhiên, Jernite cho rằng một số lãnh đạo doanh nghiệp có thể cảm thấy áp lực phải thay đổi chỉ vì họ nghe nói AI có thể thay thế con người.
“Và mọi người cứ thế làm theo, họ sa thải nhân viên, dù điều đó chẳng liên quan gì đến việc công nghệ có thể làm được gì hay không – mà chỉ là do cách nó được nhìn nhận,” Jernite nói. “Rồi họ lại tuyển dụng lại chính những người đó sau khi nhận ra rằng: đây không phải là cách tận dụng một công nghệ tuyệt vời theo cách có trách nhiệm và bền vững.”
Quá trình chuyển đổi này có thể sẽ không dễ chịu. Adler, cựu nghiên cứu viên tại OpenAI, dự đoán nhiều lao động trí óc sẽ thấy mức lương giảm khi AI hỗ trợ công việc của họ.
“AI sẽ giúp một người làm việc hiệu quả hơn, và khiến nhiều người có thể làm được cùng một công việc hơn,” Adler giải thích. “Tác động tổng thể là nguồn cung lao động tăng lên, từ đó kéo lương xuống – trừ khi có sự bùng nổ về nhu cầu lao động.”
Cuối cùng, Bansal cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một khung kinh tế mới cho thời đại AI, để đảm bảo không chỉ các công ty công nghệ hưởng lợi mà còn cả người lao động – những người hiện có ít cơ hội hơn và đang chịu nhiều áp lực hơn để làm việc hiệu quả hơn. Và lý tưởng nhất, họ phải hành động nhanh hơn nhiều so với các lần công nghệ bùng nổ trước đây.
“Chúng ta cần một khế ước xã hội mới cho thời đại này,” ông nói. “Thỏa thuận giữa người lao động và nền kinh tế hiện nay được sinh ra từ một kỷ nguyên công nghệ rất khác.”
OpenAI CEO Sam Altman phát biểu tại Snowflake Summit 2025 ở San Francisco. OpenAI là một trong những công ty đang đầu tư mạnh vào đào tạo kỹ năng sử dụng AI cho người lao động. Ảnh: Getty Images
Hơn một nửa người Mỹ lo ngại tác động của AI lên việc làm, nhưng các chuyên gia công nghệ cho rằng AI sẽ làm thay đổi công việc nhiều hơn là thay thế hoàn toàn. Ảnh: CNN