
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2026 với những khoản cắt giảm chưa từng có đối với các cơ quan khoa học, điều mà theo các chuyên gia chính sách có thể giáng một đòn tàn khốc vào nền khoa học Mỹ.
Tài liệu ngân sách do Nhà Trắng công bố hôm thứ Sáu, dành cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 tới, không đi sâu vào chi tiết, nhưng đề xuất các khoản cắt giảm đặc biệt lớn cho ngân sách khoa học liên bang.
Theo tài liệu này, toàn bộ chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng sẽ bị cắt giảm 23%, trong khi Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) sẽ bị cắt 56% ngân sách, và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) bị cắt khoảng 40%. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) — vốn vừa thông báo kế hoạch giải thể bộ phận nghiên cứu chủ lực — sẽ bị cắt 55% ngân sách, trong nỗ lực loại bỏ những chương trình về khí hậu mà chính quyền gọi là “cực đoan”..
Cuối tháng này, chính quyền Trump dự kiến sẽ công bố bản ngân sách chi tiết hơn so với bản ngân sách sơ bộ (skinny budget) vừa công bố. Các chuyên gia chính sách khoa học cho rằng Trump có thể vẫn tìm cách cắt giảm ngân sách cho năm tài khóa 2025.
Cho dù cuối cùng Quốc hội Mỹ chứ không phải tổng thống mới là bên quyết định ngân sách liên bang được chi tiêu như thế nào, nhưng đề xuất của Trump là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán ngân sách tại Quốc hội — và đang có dấu hiệu cho thấy nhiều nghị sĩ sẽ ủng hộ đề xuất của ông Trump. Cả ông Trump lẫn đa số thành viên Quốc hội hiện đều thuộc Đảng Cộng hòa.
Trong một tuyên bố, nghị sĩ Tom Cole (Cộng hòa, bang Oklahoma), Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện, cho biết ngân sách này “đặt nền móng cho việc khôi phục một chính quyền phục vụ nhân dân — chứ không phục vụ chính nó.”
Các chuyên gia chính sách khoa học cảnh báo rằng ngân sách này có thể tàn phá thế hệ nhà khoa học tiếp theo. “Thông điệp gửi đến các nhà khoa học trẻ là: đất nước này không phải nơi dành cho bạn,” ông Michael Lubell, nhà vật lý kiêm chuyên gia chính sách tại Đại học Thành phố New York, nói. “Nếu tôi đang bắt đầu sự nghiệp, tôi sẽ rời đi ngay lập tức (in a heartbeat).”
Nếu Quốc hội thông qua ngân sách này, “hậu quả đối với tương lai của quốc gia chúng ta sẽ là thảm họa,” ông Sudip Parikh, Giám đốc điều hành Hiệp hội Phát triển Khoa học Mỹ (AAAS) tại Washington DC, phát biểu trong một tuyên bố. AAAS là tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho giới khoa học.
Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi nào trước các câu hỏi từ tạp chí Nature về đề xuất ngân sách hoặc những lo ngại từ giới khoa học.
Sau đây là tóm tắt mức đề xuất cắt giảm ngân sách đối với một số cơ quan khoa học trọng yếu của Hoa Kỳ.
- Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF): Theo đề xuất, ngân sách năm 2026 của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) — một trong những tổ chức tài trợ nghiên cứu cơ bản hàng đầu thế giới — sẽ giảm khoảng 5 tỷ USD, tức khoảng một nửa so với ngân sách năm 2024. Việc cắt giảm tập trung vào khoa học khí hậu, năng lượng sạch, và các ngành khoa học xã hội. Các báo cáo cho biết một nửa nhân sự của NSF có thể bị sa thải.
- Viện Y tế Quốc gia (NIH): Chính quyền đề xuất cắt giảm ngân sách của Viện Y tế Quốc gia (NIH) từ khoảng 48 tỷ USD vào năm 2025 xuống còn khoảng 27 tỷ USD vào năm 2026 — tức giảm khoảng 40%. Nếu được thông qua, đây sẽ là đợt cắt giảm mạnh nhất từng có đối với NIH — cơ quan tài trợ nghiên cứu y sinh lớn nhất thế giới. Viện chuyên về sức khỏe các nhóm thiểu số và nghiên cứu quốc tế sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Những cắt giảm này sẽ “hoàn toàn tàn phá nền nghiên cứu y sinh” và nền kinh tế Mỹ vốn phụ thuộc vào lĩnh vực này, theo nhận định của Carole LaBonne, nhà sinh học tế bào gốc tại Đại học Northwestern (Evanston, Illinois). “Tầm nhìn thật ngắn hạn một cách khó tin.”
- Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC): Chính quyền muốn cắt giảm ngân sách 9,6 tỷ USD của CDC xuống một phần ba và loại bỏ các chương trình như chương trình ngăn ngừa bệnh mãn tính. Điều này trái ngược với cam kết của Robert F. Kennedy Jr — người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), cơ quan giám sát CDC — rằng sẽ hỗ trợ các hoạt động như vậy.
- NASA: Ngân sách của NASA sẽ giảm 24,3% so với năm 2025, còn 18,8 tỷ USD vào năm 2026 — mức cắt giảm lớn nhất trong một năm từng được đề xuất. Bộ phận khoa học của NASA — bao gồm nghiên cứu vật lý thiên văn, hành tinh và khoa học Trái đất — sẽ bị cắt gần một nửa. Trong số các dự án bị nhắm tới để hủy bỏ có các vệ tinh theo dõi khí hậu và kế hoạch đưa các mẫu đá từ sao Hỏa về Trái đất bằng tàu vũ trụ robot. Chương trình bay vào không gian có người lái cũng sẽ thay đổi lớn: ngân sách đề xuất cắt tài trợ cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, đề xuất loại bỏ tên lửa hạng nặng Space Launch System của chính phủ sau hai chuyến bay nữa, trong đó có một chuyến dự kiến đưa phi hành gia lên Mặt trăng năm 2026.
- Bộ Năng lượng (DoE): Đề xuất ngân sách cho Bộ Năng lượng năm 2026 thấp hơn gần 5 tỷ USD so với năm 2025. Chính quyền cũng sẽ cắt 15 tỷ USD từ Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm năm 2021. Văn phòng Khoa học của DoE cũng sẽ bị cắt giảm 1,1 tỷ USD (tương đương 13%), chủ yếu nhắm vào nghiên cứu khí hậu và năng lượng sạch. Tuy nhiên, ngân sách vẫn giữ lại hỗ trợ cho các nghiên cứu về điện toán hiệu năng cao, trí tuệ nhân tạo và nhiệt hạch.
- Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA): Ngân sách của EPA sẽ bị cắt gần 55%, còn 4,2 tỷ USD. Phần lớn các khoản cắt tập trung vào các chương trình tài trợ giúp các bang chi trả cho hạ tầng nước và dịch vụ liên quan. Cũng trong ngày thứ Sáu, giám đốc EPA Lee Zeldin thông báo ông sẽ giải thể Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển (ORD) và chuyển các nhà khoa học của cơ quan này sang các văn phòng khác. Một nhà khoa học ORD (ẩn danh vì không được phép phát biểu) cho biết: Việc giải thể ORD là động thái mới nhất nhằm làm suy yếu khoa học tại cơ quan này. “Công việc của ORD là theo luật định và được các bang yêu cầu,” người này nói.
- Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS): Cơ quan này giám sát nghiên cứu về các mối nguy thiên nhiên và địa chất tại Mỹ — sẽ bị cắt 564 triệu USD cho các khảo sát, điều tra và chương trình nghiên cứu so với năm ngoái. Các dự án tập trung vào biến đổi khí hậu và tài trợ cho các trường đại học sẽ bị chấm dứt, thay vào đó là tập trung vào nghiên cứu năng lượng và khoáng sản. Ngân sách năm 2024 của cơ quan này là 1,46 tỷ USD.
- Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA): NOAA sẽ bị cắt ít nhất 25% ngân sách, còn 1,5 tỷ USD trong năm 2026. Mức cắt thực tế có thể lớn hơn vì Nhà Trắng không công bố toàn bộ ngân sách của cơ quan này. Theo tài liệu ngân sách, chính phủ sẽ chấm dứt “một loạt các chương trình nghiên cứu, dữ liệu và tài trợ chuyên sâu về khí hậu”, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Vấn đề hiện nay là liệu Quốc hội có chấp thuận hay không. “Tôi không thể tưởng tượng Quốc hội sẽ phê duyệt mức và phạm vi cắt giảm như trong bản ngân sách sơ lược được công bố hôm nay,” Jennifer Zeitzer, người đứng đầu văn phòng công chúng của Liên đoàn Các Hội Sinh học Thực nghiệm Hoa Kỳ tại Rockville, Maryland, cho biết.
Người biểu tình phản đối việc cắt giảm ngân sách Viện Y tế Quốc gia (NIH)