
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch áp thuế chống bán phá giá lên tới 3.521% đối với các tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Động thái này được đưa ra sau một cuộc điều tra bắt đầu cách đây một năm, khi một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ bảo vệ hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Các mức thuế dự kiến là động thái phản ứng trước việc Trung Quốc bị cáo buộc đã trợ cấp và bán phá giá sản phẩm rẻ không công bằng vào thị trường Mỹ.
Một cơ quan chính phủ Mỹ khác, Ủy ban Thương mại Quốc tế, dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế mới vào tháng Sáu tới.
Các loại thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá — như cách gọi của những mức thuế này — sẽ khác nhau tùy theo từng công ty và quốc gia sản xuất sản phẩm.
Một số nhà xuất khẩu thiết bị năng lượng mặt trời tại Campuchia sẽ đối mặt với mức thuế cao nhất là 3.521%, do bị cho là không hợp tác với cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ.
Trong khi đó, các sản phẩm do công ty Trung Quốc Jinko Solar sản xuất tại Malaysia chỉ chịu mức thuế thấp, chỉ hơn 41%. Một công ty khác có trụ sở tại Trung Quốc, Trina Solar, sẽ phải chịu mức thuế 375% đối với các sản phẩm sản xuất tại Thái Lan.
Cả hai công ty này hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của BBC News.
Trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á nhằm tránh các mức thuế mà Mỹ áp đặt từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Kết quả điều tra của Bộ Thương mại Mỹ đã được Liên minh Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Mỹ — một nhóm các nhà sản xuất từng kêu gọi mở cuộc điều tra — hoan nghênh.
“Đây là một chiến thắng quyết định cho ngành sản xuất Mỹ và xác nhận điều chúng tôi từ lâu đã biết: rằng các công ty năng lượng mặt trời có trụ sở tại Trung Quốc đang gian lận,” Tim Brightbill, cố vấn chính của Liên minh, phát biểu.
Theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, trong năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu gần 12 tỷ USD thiết bị năng lượng mặt trời từ bốn quốc gia này. Khoảng 84% tấm pin và mô-đun năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ trong quý IV năm 2023 đến từ bốn quốc gia Đông Nam Á này.
Trong khi các mức thuế dự kiến có thể hỗ trợ các nhà sản xuất pin mặt trời Mỹ, chúng cũng có thể khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu thêm chi phí do sự sụt giảm nguồn cung sản phẩm giá rẻ.
LƯU Ý VỀ MỨC THUẾ
Các mức thuế này – chống trợ cấp và chống phá giá – là những biện pháp phòng vệ thương mại và không liên quan gì đến thuế đối ứng mà chính quyền Trump công bố vào ngày 2-4 và sau đó tạm hoãn ba tháng. Tuy nhiên, các mức thuế mới này sẽ được áp dụng bổ sung lên trên những khoản thuế đã được ban hành trước đó.
Thuế chống trợ cấp được áp dụng hồi tố đối với các tấm pin và mô-đun năng lượng mặt trời nhập khẩu từ bốn nước kể từ ngày 4 tháng 10 năm 2024. Đối với một số nhà cung cấp khác ở Việt Nam và Thái Lan, thuế này được áp dụng từ ngày 6 tháng 7 năm 2024.
Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với thiết bị nhập khẩu từ bốn nước kể từ ngày 4 tháng 12 năm 2024; nhưng đối với một số nhà cung cấp khác ở Việt Nam và Thái Lan, thuế này được áp dụng từ ngày 5 tháng 9 năm 2024.
Đáng lưu ý, thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá sẽ được áp dụng bên cạnh thuế năng lượng mặt trời theo Mục 201 hiện ở mức 14%, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 6 tháng 2 năm 2026, và các mức thuế đại trà 10%, bên cạnh mức thuế đối ứng dự kiến sẽ tăng lên 46% đối với Việt Nam, 24% đối với Malaysia, 36% đối với Thái Lan và 49% đối với Campuchia vào ngày 9-7-2025.
Các nhà nhập khẩu trước đó đã nộp tiền ký quỹ cho các khoản thuế này từ mùa thu năm ngoái. Những điều chỉnh vào thứ Hai đối với các mức thuế sơ bộ đã được thiết lập vào mùa thu năm ngoái sẽ được áp dụng kể từ ngày các mức thuế cuối cùng được công bố trên Công báo Liên bang.
Mức thuế chống trợ cấp và chống phá giá không áp dụng đồng nhất với mọi công ty xuất khẩu sản phẩm qua Mỹ. Một số nhà cung cấp đã được ấn định các mức thuế riêng biệt.
Dự kiến mức thuế được đề xuất cao nhất đối với Campuchia có thể lên tới 3.521%, Việt Nam chịu thuế 245%. Cá biệt, có bốn công ty Việt Nam chịu tổng thuế lên đến 813,92% (gồm 542,64% thuế chống trợ cấp và 271,28% thuế bán phá giá).
Phản hồi đề nghị bình luận về động thái áp thuế của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 24-4 khẳng định Việt Nam “sẵn sàng trao đổi với các cơ quan của Mỹ để cùng giải quyết vướng mắc, bảo đảm xem xét các thông tin liên quan một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các thông lệ quốc tế, qua đó tạo thuận lợi và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương”.
CÁC MỨC THUẾ ĐƯỢC CÔNG BỐ
|
Số lượng nhập khẩu hàng năm từ bốn quốc gia trong năm 2023, năm gần nhất có số liệu đầy đủ, được thể hiện trong bảng sau:
Nguồn: https://www.projectfinance.law |
MỨC THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CUỐI CÙNG VỚI VIỆT NAM
|
MỨC THUẾ CHỐNG TRỢ CẤP CUỐI CÙNG VIỆT NAM
(Nguồn: US International Trade Administration)
|
Trina Solar, một nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời có trụ sở tại Trung Quốc, hoạt động trên toàn khu vực Đông Nam Á (Anh GETTY)