
Một báo cáo mới đã giới thiệu 20 startup mã ng
uồn mở đang nổi bật nhất trên thế giới, trong đó hơn một nửa có liên quan chặt chẽ đến AI.
Báo cáo này là sản phẩm của công ty đầu tư mạo hiểm châu Âu Runa Capital, đơn vị đã vận hành Chỉ số Startup Mã nguồn mở Runa (ROSS) từ năm 2020. Chỉ số này được cập nhật hàng quý, theo dõi các dự án tăng trưởng nhanh nhất dựa trên số lượng “sao” trên GitHub – một chỉ số tương tự như “thích” trên mạng xã hội. Bắt đầu từ năm 2023, Runa bắt đầu phát hành báo cáo thường niên, làm nổi bật các startup mã nguồn mở thương mại phổ biến nhất trong năm.
Báo cáo năm ngoái cho thấy AI và hạ tầng dữ liệu đang thúc đẩy nhu cầu đối với các công cụ mã nguồn mở, với LangChain đứng đầu bảng ROSS nhờ vào khung mã nguồn mở phục vụ xây dựng ứng dụng tập trung vào LLM. Năm nay cũng không khác, khi AI chiếm vị trí trung tâm tại 11 trong số 20 công ty hàng đầu.
Cần lưu ý rằng Chỉ số ROSS được tuyển chọn kỹ lưỡng và không bao gồm bất kỳ dự án mã nguồn mở cũ nào. Các dự án đủ điều kiện phải gắn liền với một công ty thương mại (tức là dự án do nhà cung cấp dẫn dắt), nghĩa là không bao gồm các dự án phụ. Ngoài ra, các công ty này phải thành lập dưới 10 năm, huy động chưa đến 100 triệu USD và hoàn toàn độc lập – không phải công ty con hay đã niêm yết công khai.
Ngắm sao trên GitHub
Đứng đầu bảng xếp hạng ROSS 2024 là Ollama, một startup từ vườn ươm Y Combinator, đã phát triển công cụ mã nguồn mở để chạy các mô hình LLM như Llama của Meta và DeepSeek trên máy tính cá nhân. Số sao của Ollama trên GitHub đã tăng thêm khoảng 76.000 trong năm 2024, tăng 261% lên hơn 105.000 (tính đến nay đã vượt hơn 135.000 sao trong vài tháng qua).
Tiếp theo là Zed Industries, công ty thiết lập trình soạn thảo mã đa nền tảng hỗ trợ hợp tác giữa con người và AI với hiệu suất cao. Dự án Zed đã tồn tại một thời gian, nhưng chỉ chính thức chuyển sang mã nguồn mở vào tháng 1-2024 và sau đó thu hút hơn 52.000 sao trên GitHub trong suốt năm.
Đứng thứ ba là LangGenius, công ty đứng sau nền tảng phát triển ứng dụng LLM mã nguồn mở có tên Dify. Dự án này đã thu về hơn 43.000 sao mới trên GitHub trong năm ngoái, tăng 326% từ khoảng 13.000 lên gần 57.000 – con số này hiện đã vượt hơn 84.000 sao.
Tiếp theo là ComfyUI, một phần mềm mã nguồn mở dựa vào các điểm nút (node-based) để tạo hình ảnh, video và âm thanh bằng các mô hình AI tạo sinh. Số sao trên GitHub của dự án này đã tăng 195% lên 61.900 sao vào năm ngoái.
Khép lại top 5 là All Hands, công ty đứng sau nền tảng mã nguồn mở OpenHands chuyên xây dựng các agent cho lập trình phần mềm. OpenHands đã thu hút 39.600 sao kể từ khi ra mắt vào tháng 3-2024 đến cuối năm và hiện đã bổ sung thêm 12.000 sao.
Dù báo cáo ROSS năm ngoái cho thấy sự bùng nổ của AI và các mô hình LLM, nhưng nó cũng chỉ ra rằng công cụ cho lập trình viên vẫn là lĩnh vực nóng trong thế giới mã nguồn mở, với các dự án như Zed và UV của Astral (hạng 9) đều nằm trong top 10. Ngoài ra, sự góp mặt của công cụ chỉnh sửa PDF Stirling PDF (hạng 7), phần mềm quản lý tài chính Maybe Finance (hạng 8), và phần mềm điều khiển từ xa để bàn RustDesk (hạng 17) cho thấy nhu cầu cao đối với các công cụ tự lưu trữ và chú trọng đến quyền riêng tư.
Fuel (hạng 12), startup tập trung vào blockchain Ethereum, cũng cho thấy lĩnh vực crypto/web3 vẫn đang phát triển mạnh.
Phần lớn phần mềm mã nguồn mở từ trước đến nay đều mang tính phân tán, khi các lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới có thể tham gia. Điều này cũng thường đúng với các dự án do doanh nghiệp dẫn dắt; tuy nhiên, các công ty thương mại thường có “trung tâm lực hút” – ít nhất là nơi công ty được đăng ký kinh doanh.
Chỉ số ROSS cho năm ngoái cho thấy San Francisco là nơi đặt trụ sở của 6 trong số 20 startup ROSS hàng đầu, Canada có 3, còn lại là các công ty đến từ châu Âu (Anh, Thụy Sĩ, Hungary và Cộng hòa Séc), Singapore và Trung Quốc.
Phương pháp luận
Cũng có những cách khác để theo dõi các dự án mã nguồn mở “hot”. Two Sigma Ventures vận hành Chỉ số Mã nguồn mở, tương tự ROSS nhưng hiển thị top 100 dự án mà không tập trung riêng vào các startup thương mại (và cung cấp nhiều cách lọc dữ liệu khác nhau).
GitHub cũng có danh sách các dự án đang được ưa chuộng nhất, tuy nhiên không tập trung vào doanh nghiệp thương mại.
Cũng nên xét đến phương pháp luận đằng sau ROSS. Số “sao” trên GitHub có thể là một chỉ số chưa hoàn hảo, vì nó chỉ cho thấy ai đó đã “thích” dự án, chứ không hẳn đang sử dụng hay theo dõi nó. Các dự án cũ thường có xu hướng tích lũy nhiều “sao” hơn, vì vậy Runa tập trung vào tốc độ tăng trưởng tương đối của các kho mã nguồn (repository) trong 90 ngày cho các báo cáo quý và số lượng sao tuyệt đối tăng thêm trong năm cho báo cáo thường niên.
Điều này cũng có nghĩa là báo cáo thường niên có thể khác biệt đáng kể so với các báo cáo quý, do số sao tuyệt đối không phải lúc nào cũng song hành với tốc độ tăng trưởng tương đối.
Ngoài ra, cũng có tranh luận về định nghĩa “mã nguồn mở.” Trong khi nhiều dự án trong danh sách được phát hành theo giấy phép mã nguồn mở phổ biến như copyleft hay permissive, ROSS không yêu cầu nghiêm ngặt về điều này. Runa cho biết họ tuân theo “nhận thức thương mại” về mã nguồn mở thay vì định nghĩa chính thức. Do đó, một công ty phát hành phần mềm theo giấy phép Server Side Public License (SSPL) chẳng hạn, vẫn được tính là mã nguồn mở dù Sáng kiến Mã nguồn Mở (OSI) chưa công nhận SSPL là “mã nguồn mở.”
Tuy nhiên, chỉ số ROSS vẫn là chỉ dấu hữu ích không chỉ cho xu hướng công nghệ mã nguồn mở nào đang thịnh hành, mà còn cho thấy các công ty đang cố gắng xây dựng doanh nghiệp dựa trên những dự án đó.
Bảng xếp hạng các công ty hot nhất về mã nguồn mở năm 2024, nêu lần lượt các cột dọc gồm tên công ty, quốc gia đặt trụ sở (origin), kho mã nguồn (repository) năm thành lập, nguồn vốn, số sao GitHub (đơn vị ngàn), và mức tăng trưởng số sao (đơn vị ngàn) tuyệt đối.
ROSS Index: Top 20Image Credits:ROSS Index: Runa Capital