
|
Khoảng 32% sản lượng bán dẫn toàn cầu có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung đồng liên quan tình trạng thiếu nước do đến biến đổi khí hậu vào năm 2035 – gấp bốn lần so với mức hiện tại, theo báo cáo của công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố hôm thứ Ba dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp.
Chile, nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới, hiện đã phải vật lộn với tình trạng thiếu nước, làm chậm quá trình khai thác đồng. PwC cho biết đến năm 2035, hầu hết trong số 17 quốc gia đang cung cấp đồng cho ngành công nghiệp chip sẽ đối mặt với nguy cơ hạn hán.
Đợt thiếu hụt chip toàn cầu gần đây, do nhu cầu tăng vọt trong đại dịch diễn ra cùng lúc với tình trạng đóng cửa nhà máy, đã làm tê liệt ngành ô tô và ngưng trệ sản xuất ở nhiều lĩnh vực phụ thuộc chip khác.
“Tình trạng đó đã khiến nền kinh tế Mỹ mất đi 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP và Đức mất tới 2,4%,” ông Glenn Burm, trưởng dự án của PwC, cho biết trong báo cáo, trích dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
PwC cho biết các mỏ khai thác đồng tại Trung Quốc, Úc, Peru, Brazil, Mỹ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mexico, Zambia và Mông Cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng, và không có khu vực sản xuất chip lớn nào thoát khỏi rủi ro.
Đồng là vật liệu thiết yếu để tạo nên hàng tỷ mạch dây siêu nhỏ bên trong mỗi vi mạch. Dù các vật liệu thay thế đang được nghiên cứu, hiện tại chưa có vật liệu nào có thể thay thế được đồng về mặt giá cả lẫn hiệu suất.
PwC cảnh báo rằng rủi ro này sẽ chỉ ngày càng tăng nếu ngành vật liệu không đổi mới để thích ứng với biến đổi khí hậu và các quốc gia bị ảnh hưởng không phát triển nguồn nước bền vững.
“Đến năm 2050, khoảng một nửa nguồn cung đồng của mỗi quốc gia sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn – bất kể thế giới cắt giảm lượng khí thải nhanh tới đâu,” báo cáo viết.
Chile và Peru đã có bước đi chủ động để đảm bảo nguồn nước, như nâng cao hiệu quả khai thác và xây dựng các nhà máy khử mặn nước biển. PwC cho rằng đây là mô hình đáng học hỏi, nhưng không khả thi với những quốc gia không có biển hoặc không thể tiếp cận nguồn nước lớn.
PwC ước tính rằng 25% sản lượng đồng của Chile hiện đang có nguy cơ gián đoạn, con số này có thể tăng lên 75% trong vòng một thập kỷ tới và lên tới 90–100% vào năm 2050.
Quang cảnh lò luyện đồng nóng chảy tại nhà máy luyện kim của Anglo American ở Chagres, Chile. Ảnh: Reuters