
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai đã áp mức thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, bên cạnh các mức thuế mới đối với 12 quốc gia khác, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8.
Những người quan sát cho rằng đây cũng chỉ là một động thái mới của Trump trong quá trình đàm phán về thuế quan, một bước đi trrong vô số bước đi của chính quyền Trump chứ không hẳn là quyết định cuối cùng vế thuế quan. Dù sao, thị trường đã phản ứng tiêu cực trước động thái này.
Trump đã đăng tải các bức thư trên Truth Social, gửi tới lãnh đạo các quốc gia liên quan, thông báo về quyết định này. Trong thư, ông cảnh báo các nước không được đáp trả bằng cách tăng thuế nhập khẩu, nếu không chính quyền Trump sẽ nâng thuế thêm nữa.
“Nếu vì bất kỳ lý do nào các vị quyết định tăng thuế, thì bất kỳ mức tăng nào các vị chọn cũng sẽ được cộng thêm vào mức 25% mà chúng tôi đã áp dụng,” Trump viết trong thư gửi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung.
Những bức thư này không phải là lời cuối cùng của Trump về vấn đề thuế quan, mà chỉ là một phần tiếp theo trong cuộc đối đầu kinh tế toàn cầu mà ông đặt mình vào trung tâm. Các động thái của Trump làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể, thậm chí có thể kéo theo suy thoái ở Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, Trump tự tin rằng thuế quan là cần thiết để khôi phục sản xuất trong nước và tài trợ cho các khoản cắt giảm thuế mà ông vừa ký thành luật vào thứ Sáu tuần trước.
Ông kết hợp sự cứng rắn với thái độ sẵn sàng đàm phán, cho thấy diễn biến và sự bất ổn vẫn còn tiếp diễn — và với Trump, ít điều nào là cuối cùng.
“Mọi chuyện đã xong,” Trump nói với các phóng viên hôm thứ Hai. “Tôi đã nói chúng ta sẽ đạt được vài thỏa thuận, nhưng nhìn chung chúng ta sẽ gửi thư.”
Danh sách các quốc gia và mức thuế mới của Trump:
- Nhật và Hàn Quốc: 25%
- Myanmar và Lào: 40%
- Campuchia và Thái Lan: 36%
- Serbia và Bangladesh: 35%
- Indonesia: 32%
- Nam Phi và Bosnia & Herzegovina: 30%
- Kazakhstan, Malaysia và Tunisia: 25%
Trong các bức thư, Trump đặt từ “chỉ” (only) trước mức thuế được nêu, như một cách ngụ ý rằng ông đang nhẹ tay. Tuy nhiên, nội dung thư hầu hết đều theo một mẫu chuẩn, đến mức trong thư gửi Tổng thống nữ của Bosnia & Herzegovina là bà Željka Cvijanović, Trump ban đầu lại gọi nhầm là “Ông Tổng thống” (Mr. President). Sau đó, ông đã đăng một bản sửa đổi.
Trump cũng tuyên bố trên mạng xã hội rằng các quốc gia ủng hộ chính sách của BRICS — gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất — sẽ bị áp thêm mức thuế 10%.
Đàm phán thương mại vẫn chưa đạt kết quả
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng bằng việc tự đặt mức thuế, Trump đang tạo ra “các kế hoạch thương mại được thiết kế riêng cho từng quốc gia”, và đó là điều chính quyền này sẽ tiếp tục tập trung thực hiện.
Theo một mô hình quen thuộc, Trump dự định tiếp tục chia sẻ công khai các bức thư gửi lãnh đạo các nước qua mạng xã hội trước, rồi mới gửi chính thức, khác hoàn toàn với phong cách ngoại giao kín đáo của các đời tổng thống tiền nhiệm khi đàm phán thương mại.
Các bức thư không phải là kết quả đàm phán, mà là quyết định đơn phương của Trump về mức thuế, cho thấy các cuộc đối thoại kín với các phái đoàn nước ngoài không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Châu Á và cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nhận định rằng việc tăng thuế với Nhật Bản và Hàn Quốc là điều “đáng tiếc”.
“Cả hai đều là những đối tác thân cận trong các vấn đề an ninh kinh tế và có nhiều đóng góp quan trọng cho Hoa Kỳ trong các lĩnh vực then chốt như đóng tàu, chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và hợp tác năng lượng,” Cutler nói.
Đây không phải lần đầu Trump đối đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc về thương mại — và việc áp thuế lần này cho thấy các thỏa thuận mà ông đạt được trong nhiệm kỳ đầu không mang lại kết quả như mong đợi.
Năm 2018, chính quyền Trump từng ca ngợi thỏa thuận thương mại sửa đổi với Hàn Quốc là một chiến thắng lớn. Năm 2019, ông ký một thỏa thuận giới hạn với Nhật Bản về nông sản và thương mại kỹ thuật số mà ông gọi là “chiến thắng lớn cho nông dân Mỹ”.
Vẫn chưa rõ lợi ích chiến lược mà Trump đạt được trong đối đầu với Trung Quốc khi lại gây sức ép lên hai đối tác then chốt tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia có thể hỗ trợ Mỹ trong việc đối trọng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
“Các mức thuế này có thể được điều chỉnh, tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa chúng ta,” Trump viết trong cả hai bức thư.
Vì các mức thuế mới sẽ có hiệu lực trong khoảng ba tuần nữa, Trump đang tạo ra một giai đoạn đàm phán căng thẳng với các đối tác thương mại để đạt được các khuôn khổ mới.
Văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố rằng mức thuế mà Trump công bố đã phản ánh sai lệch về quan hệ thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Nam Phi sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm hướng đến mối quan hệ thương mại cân bằng và cùng có lợi.
Thuế quan cao hơn gây lo ngại cho thị trường
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Hai sau khi Tổng thống Donald Trump công bố một loạt mức thuế mới đối với các quốc gia.
Chỉ số Dow Jones giảm 422 điểm (0,94%), S&P 500 giảm 0,79% và Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 0,92%. Đây là ngày giao dịch tệ nhất trong khoảng ba tuần qua của ba chỉ số chính. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên thứ Ba gần như đi ngang.
Cổ phiếu bắt đầu giảm mạnh vào giữa ngày khi Trump công bố mức thuế 25% với Nhật Bản và Hàn Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/8. Đến chiều, thị trường tiếp tục lao dốc khi Trump công bố thêm các mức thuế từ 25% đến 40% đối với các nước bao gồm Myanmar, Malaysia, Kazakhstan, Lào và Nam Phi.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các hãng xe lớn Nhật Bản như Toyota, Nissan và Honda lần lượt giảm 4%, 7,16% và 3,86%. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc như LG Display và SK Telecom giảm 8,3% và 7,76%.
Ban đầu Trump đã gây xáo trộn thị trường tài chính khi công bố thuế suất lên hàng chục quốc gia vào đầu tháng 4, gồm 24% đối với Nhật Bản và 25% đối với Hàn Quốc. Để trấn an thị trường, ông đã đưa ra giai đoạn đàm phán 90 ngày, trong đó phần lớn các nước chỉ bị đánh thuế cơ bản 10%. Cho đến nay, các mức thuế trong thư ông gửi phần lớn phù hợp với mức công bố ngày 2 tháng 4 hoặc chỉ chênh lệch nhẹ.
Giai đoạn đàm phán 90 ngày về mặt kỹ thuật sẽ kết thúc vào thứ Tư, mặc dù nhiều quan chức chính quyền cho biết khoảng thời gian ba tuần trước khi có hiệu lực giống như một hiệp phụ để tiếp tục đàm phán, có thể dẫn đến điều chỉnh các mức thuế. Trump đã ký sắc lệnh hành pháp vào thứ Hai để hoãn việc tăng thuế chính thức đến ngày 1 tháng 8.
Các hiệp định thương mại được Quốc hội phê chuẩn thường mất nhiều năm đàm phán thay vì chỉ vài tuần hoặc vài tháng, do tính phức tạp.
Josh Lipsky, Chủ tịch Kinh tế quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng việc hoãn ba tuần không đủ để có các cuộc đàm phán thực chất.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,79% và ghi nhận ngày tệ nhất trong khoảng ba tuần qua. Ảnh: Bloomberg