
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên Mặt Trăng, đang đào lớp đất đá (regolith) ở đó thì đột nhiên trượt ngã, bổ nhào vào cây cuốc dựng kế bên. Dù lực hấp dẫn trên Mặt Trăng yếu hơn, tai nạn vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Một cơn đau nhói ở bên hông phải khiến bạn gọi người đồng đội gần đó đến trợ giúp. Liệu đó chỉ là vết bầm hay là dấu hiệu của chấn thương nghiêm trọng hơn?
Để biết chắc chắn, bạn cần được kiểm tra và điều trị bởi sĩ quan y tế của sứ mệnh không gian này, người đang túc trực tại khu sinh hoạt trên Mặt Trăng. Người này có thể cần tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật không gian tại trung tâm điều khiển sứ mệnh trên Trái Đất. Để đảm bảo chăm sóc tốt nhất, sĩ quan y tế trong cùng sứ mệnh cần có ngay hồ sơ y tế đầy đủ của bạn, cùng với bộ công cụ chẩn đoán và thiết bị theo dõi sinh lý để đánh giá tình hình và đưa ra hướng điều trị.
Liệu chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho mức độ chăm sóc y tế này trên bề mặt Mặt Trăng hay tại trạm Gateway trong tương lai chưa? Câu trả lời là chưa. Hiện nay, các tình huống y tế ở quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO), như trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), vẫn phụ thuộc vào hướng dẫn “tức thời” từ các chuyên gia y tế trên Trái Đất. Nếu chúng ta muốn tận dụng môi trường Mặt Trăng để chuẩn bị cho các sứ mệnh dài ngày nằm bên ngoài vùng lân cận Trái Đất, chúng ta phải học cách tự chủ và độc lập với Trái Đất. Điều này đòi hỏi phải tư duy lại cách cung cấp dịch vụ y tế ở bất kỳ đâu.
Phát triển các công cụ y tế và phương pháp chăm sóc sức khỏe trong tương lai là một trong những ưu tiên tại Viện Nghiên cứu Chuyển giao Sức khỏe Không gian (TRISH), với sự hỗ trợ từ NASA. Chúng tôi cần chuẩn bị cho các tình huống chấn thương và sự cố y tế trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa.
Sứ mệnh Artemis 2 của NASA sẽ thực hiện chuyến bay vòng quanh Mặt Trăng và đặt nền móng cho Artemis 3 – đưa phi hành gia đổ bộ bề mặt Mặt Trăng. Các thành viên phi hành đoàn sẽ làm việc trong nhiều môi trường khác nhau: tàu vũ trụ đưa họ vào quỹ đạo, trạm Gateway bay quanh Mặt Trăng, khu sinh hoạt Mặt Trăng và các xe thám hiểm.
Rất có thể, theo kế hoạch của NASA hỗ trợ các công ty tư nhân phát triển những nền tảng này, mỗi thiết bị và môi trường sẽ do một đơn vị khác nhau sở hữu và vận hành. Trong trường hợp khẩn cấp y tế xảy ra, hệ thống chăm sóc cần phải tích hợp tất cả các phương tiện, thiết bị này, bảo đảm rằng dù phi hành gia đang ở đâu, họ vẫn nhận được sự chăm sóc y tế liền mạch.
Phi hành gia cũng phải đối mặt với các rủi ro sức khỏe từ việc tiếp xúc lâu dài với điều kiện không gian, như bức xạ từ sự kiện hạt năng lượng mặt trời. Trong trường hợp khẩn cấp y tế tại Mặt Trăng hoặc gần đó, việc quay về Trái Đất không phải là một lựa chọn nhanh chóng hoặc an toàn, đặc biệt nếu tình trạng bệnh nhân không ổn định. Đó là lý do vì sao các phi hành đoàn phải được trang bị khả năng điều trị tại chỗ và theo dõi sức khỏe liên tục cho tất cả mọi người. Chúng ta phải theo dõi sát các thay đổi sinh lý và nâng cao khả năng dự đoán, phát hiện vấn đề y tế trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
HERMES – người bảo hộ cho các lữ khách không gian
Năm 2024, chúng tôi đã kêu gọi đề xuất nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết này. Tầm nhìn của chúng tôi là phát triển một chương trình mang tên HERMES (lấy cảm hứng từ thần Hermes – người bảo trợ cho lữ khách và là sứ giả của các vị thần), nhằm xây dựng một kiến trúc y tế có khả năng theo dõi sức khỏe phi hành gia liên tục, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh tật hoặc thay đổi sinh lý và hướng dẫn can thiệp y tế hiệu quả nhất. Hiện tại, HERMES đã được minh chứng về khả năng hoạt động, nhưng cần được thử nghiệm trong các điều kiện bay vào không gian và môi trường tương tự như trạm nghiên cứu Nam Cực.
Việc khám phá không gian sâu sẽ đòi hỏi phải truy cập dữ liệu y tế trong chuyến bay và hồ sơ y tế của phi hành gia theo thời gian thực. Trong khi thông tin này hiện chỉ nằm tại trung tâm điều khiển ở Trái Đất, các sứ mệnh tương lai sẽ cần khả năng hỗ trợ tại chỗ ngay trong tàu vũ trụ để ra quyết định kịp thời. Hệ thống này phải có khả năng tương thích với nhiều công cụ theo dõi sức khỏe khác nhau và linh hoạt áp dụng trên các loại phương tiện không gian khác nhau mà rất có thể được phát triển bởi các công ty đối thủ của nhau.
Hơn nữa, dữ liệu sức khỏe phi hành đoàn không chỉ dừng lại ở mức cơ bản, mà cần được cập nhật liên tục trong suốt hành trình. Với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo, hệ thống y tế này không chỉ cung cấp hướng dẫn điều trị theo thời gian thực mà còn chủ động cảnh báo sớm dấu hiệu bệnh hoặc suy giảm hiệu suất làm việc, từ đó tăng cơ hội thành công cho nhiệm vụ.
Bên cạnh việc bảo vệ phi hành gia, quân nhân và người lao động, việc đầu tư vào năng lực y tế và hiệu suất từ các công ty xây dựng môi trường sống trong vũ trụ và phương tiện không gian cũng là cách bảo vệ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp vũ trụ. Nếu thiếu những kiến trúc y tế phù hợp, một sự cố nghiêm trọng về y tế có thể làm lung lay niềm tin công chúng và khiến việc phóng phi hành đoàn trở nên quá rủi ro.
Kết quả tốt trong điều trị phụ thuộc vào hàng loạt quyết định quan trọng được đưa ra đúng lúc. Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của một hệ thống chăm sóc sức khỏe “tức thời” thông minh trong các nhiệm vụ như Artemis, hãy quay lại kịch bản bạn bị ngã trên Mặt Trăng – và cách một nền tảng chăm sóc y tế toàn diện như HERMES có thể xử lý tình huống.
Sau cú ngã, bạn không thể tiếp tục công việc khảo sát địa chất và lên kế hoạch quay về khu sinh hoạt. Người đồng đội hỗ trợ bạn lên xe thám hiểm có áp suất không khí. Cũng giống như bắt đầu một buổi khám bệnh trên Trái Đất, việc đầu tiên là nhập chỉ số sinh tồn của bạn vào nền tảng HERMES. Bạn tháo bộ đồ không gian và đeo cảm biến theo dõi nhịp tim, ECG cùng các chỉ số sinh lý khác. Khi xe rung lắc trên bề mặt Mặt Trăng, cơn đau quặn bụng theo từng đợt bắt đầu xuất hiện. Việc ghi lại các thay đổi này là cực kỳ quan trọng cho quá trình chẩn đoán, vì thế dữ liệu cần phải liên tục và đầy đủ.
Về đến khu sinh hoạt, sau khi qua buồng khí, bạn được kiểm tra. Sĩ quan y tế phát hiện một vết xước nhẹ do bạn ngã vào cuốc và chụp ảnh lại. Họ ghi chú và hỏi bạn mô tả cơn đau, đồng thời nhận thấy nhịp tim tăng cao – thông tin này được lưu trữ tại chỗ và đồng thời gửi về Trái Đất để tham khảo. Cũng giống như các bác sĩ trên Trái Đất, việc ghi chép theo thời gian thực giúp tăng độ chính xác, ra quyết định nhanh hơn, hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp và đảm bảo các bên có thông tin đồng nhất. Trong môi trường xa xôi như Mặt Trăng, ghi chép tức thời còn quan trọng hơn, vì việc chăm sóc có thể theo ca và đội ngũ ở Trái Đất cần dữ liệu cập nhật để hỗ trợ.
Xem lại dữ liệu, sĩ quan y tế phát hiện bạn từng có sỏi thận không gây tắc nghẽn. Với cơn đau hiện tại, họ không thể xem nhẹ chi tiết này.
Với thiết bị siêu âm cầm tay và được hướng dẫn qua video và hình ảnh tích hợp (mà HERMES sẽ cung cấp), sĩ quan y tế xác nhận cùng trung tâm điều khiển rằng có viên sỏi thận gây tắc một phần ở vị trí nối bể thận – niệu quản. Bạn được kê đơn thuốc giảm đau và tiếp tục theo dõi. Khi có thể, bạn được chuyển đến trạm Gateway để thực hiện thủ thuật dùng sóng siêu âm có hướng dẫn hình ảnh và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ từ HERMES để phá sỏi. Hình ảnh siêu âm sau điều trị được gửi về Trái Đất khi đường truyền cho phép. Sau ba ngày theo dõi, bạn được cho phép tiếp tục nhiệm vụ.
Sau khi trở về Trái Đất, chăm sóc hậu sứ mệnh được tiếp tục với dữ liệu lưu trữ xuyên suốt. Bác sĩ tại Trái Đất có thể truy cập hồ sơ y tế từ thời gian bạn ở không gian. Mức độ chăm sóc kỹ lưỡng và phối hợp này là điều HERMES hướng đến – bảo đảm sức khỏe phi hành gia cả trong và sau sứ mệnh.
Sỏi thận gây tắc nghẽn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhờ có HERMES tại khu vực gần Mặt Trăng, bạn đã tránh được việc phải sơ tán sớm và kết thúc sứ mệnh trước hạn – điều cực kỳ tốn kém.
Khám sức khỏe thời đại không gian đang đến gần
Không gian là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất con người có thể sống. Tuy nhiên, các giải pháp y tế thiết kế cho việc khám phá không gian cũng có thể áp dụng vào chăm sóc sức khỏe tại Trái Đất. Những đổi mới này phù hợp với các môi trường rủi ro cao khác như thám hiểm vùng cực, lặn biển sâu hay các nhiệm vụ quân sự nơi hẻo lánh – nơi khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế.
Thêm vào đó, khả năng đồng bộ hóa và giám sát này có thể giúp phát hiện sớm bệnh tật và cải thiện ứng phó trong nhiều lĩnh vực – từ các đội ứng cứu thảm họa đến chăm sóc sức khỏe hằng ngày.
Những bài học và công nghệ từ các sứ mệnh như Artemis không chỉ thúc đẩy khám phá ngoài Trái Đất mà còn mở đường cho một kỷ nguyên y tế mới trên hành tinh của chúng ta. Với việc tích hợp giám sát dữ liệu theo thời gian thực, can thiệp bằng AI và truyền thông liền mạch xuyên khoảng cách xa, HERMES đang đặt nền móng cho hệ thống y tế hiệu quả, linh hoạt và dễ tiếp cận hơn trong mọi môi trường rủi ro – từ các cuộc thám hiểm xa xôi đến chăm sóc sức khỏe hằng ngày.
Hình minh họa cơ sở có người ở trên Mặt Trăng. Ảnh: ESA