
Alphabet (công ty mẹ của Google) đã chiếm lĩnh bất hợp pháp hai thị trường trong công nghệ quảng cáo trực tuyến, một thẩm phán Mỹ ra phán quyết hôm thứ Năm, giáng thêm một đòn mạnh vào gã khổng lồ công nghệ và mở đường cho các công tố viên chống độc quyền tại Mỹ yêu cầu chia tách mảng quảng cáo của Google.
Thẩm phán Leonie Brinkema thuộc Tòa án Quận ở Alexandria, Virginia, kết luận rằng Google phải chịu trách nhiệm vì “cố ý giành và duy trì quyền lực độc quyền” trong hai thị trường: hệ thống máy chủ quảng cáo cho nhà xuất bản và sàn giao dịch quảng cáo – những nền tảng kết nối giữa người mua và người bán quảng cáo.
Phán quyết này mở đường cho một phiên tòa tiếp theo để xác định những gì Google phải làm nhằm khôi phục tính cạnh tranh trên các thị trường này, bao gồm khả năng buộc Google bán một số cấu phần trong hoạt động kinh doanh của mình trong một phiên xử chưa được ấn định. Đây là phán quyết thứ hai xác định rằng Google nắm giữ thế độc quyền bất hợp pháp, sau một phán quyết tương tự trong vụ kiện về dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.
Các máy chủ quảng cáo cho nhà xuất bản là nền tảng cho phép các trang web lưu trữ và quản lý quảng cáo kỹ thuật số của họ. Cùng với các sàn giao dịch quảng cáo, công nghệ này giúp các nhà xuất bản tin tức và các nhà cung cấp nội dung trực tuyến kiếm tiền từ quảng cáo. Thẩm phán Brinkema gọi nguồn thu này là “huyết mạch” của internet.
“Bên cạnh việc làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các đối thủ, hành vi loại trừ này còn gây thiệt hại đáng kể cho các khách hàng là nhà xuất bản, cho tiến trình cạnh tranh, và cuối cùng là cho người sử dụng thông tin trên mạng mở,” bà Brinkema viết.
Tuy nhiên, bà cho biết cơ quan thực thi chống độc quyền không chứng minh được cáo buộc khác rằng Google độc quyền trong mạng lưới quảng cáo dành cho nhà quảng cáo.
Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Pamela Bondi gọi phán quyết là “một chiến thắng mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến ngăn chặn Google độc quyền không gian công cộng kỹ thuật số.”
“Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các hành động pháp lý mạnh mẽ nhằm bảo vệ người dân Mỹ trước sự lấn át của các công ty công nghệ đối với quyền tự do ngôn luận và thị trường tự do,” bà nói.
Google dự định kháng cáo phần “bất lợi” trong phán quyết của tòa án liên quan đến vụ kiện độc quyền do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) khởi kiện tập đoàn công nghệ này.
Công ty cho biết vào thứ Sáu rằng thẩm phán đã đưa ra một phán quyết không rõ ràng, do DOJ không chứng minh được rằng các công cụ dành cho nhà quảng cáo của Google hay các thương vụ mua lại DoubleClick và AdMeld là hành vi phản cạnh tranh, nhưng lại cho rằng các công cụ dành cho nhà xuất bản của Google đã vi phạm luật chống độc quyền bằng cách loại trừ đối thủ cạnh tranh.
Bà Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google, cho biết công ty sẽ kháng cáo phán quyết này.
“Chúng tôi đã thắng một nửa vụ kiện và sẽ kháng cáo phần còn lại,” bà nói, đồng thời cho rằng Google không đồng ý với kết luận về các công cụ phục vụ nhà xuất bản. “Các nhà xuất bản có rất nhiều lựa chọn và họ chọn Google vì các công cụ quảng cáo của chúng tôi đơn giản, giá cả hợp lý và hiệu quả.”
Cổ phiếu của Google đã giảm 1,4% sau phán quyết. Trước đó, các chuyên gia nói rằng tác động tài chính từ việc thua kiện có thể không lớn đối với gã khổng lồ công nghệ vốn nổi tiếng với công cụ tìm kiếm của mình.
Bộ Tư pháp Mỹ đã cho rằng Google nên bị buộc bán ít nhất là hệ thống Google Ad Manager – bao gồm máy chủ quảng cáo và sàn giao dịch quảng cáo.
Trước đây Google từng xem xét bán sàn giao dịch quảng cáo nhằm xoa dịu các cơ quan chống độc quyền châu Âu.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, một đảng viên Dân chủ đến từ bang Minnesota, từng là lãnh đạo tiểu ban chống độc quyền, gọi phán quyết là “một chiến thắng lớn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và người sáng tạo nội dung, mở đường cho nhiều đổi mới và giảm giá trong thị trường kỹ thuật số.”
BƯỚC NGOẶT
Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital, gọi phán quyết là “một bước ngoặt lớn” đối với Google và ngành công nghệ, cho thấy tòa án Mỹ sẵn sàng xem xét các “biện pháp cơ cấu mạnh mẽ” trong các vụ kiện chống độc quyền.
“Điều này có thể làm tăng rủi ro pháp lý đối với các cổ phiếu công nghệ lớn, đặc biệt là những công ty như Amazon và Meta – vốn cũng vận hành các hệ sinh thái tích hợp tương tự,” ông nói.
Meta Platforms hiện đang hầu tòa trong một vụ kiện chống độc quyền riêng do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi kiện, cáo buộc công ty mẹ của Facebook, WhatsApp và Instagram độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực mạng xã hội cá nhân. FTC cũng cáo buộc Amazon.com thống trị trái phép thị trường bán lẻ trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã kiện Apple vì cho rằng hãng này đang độc quyền trong thị trường điện thoại thông minh.
Những vụ kiện này được thực hiện dưới cả hai nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, cho thấy thực thi chống độc quyền đang nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng lâu dài.
Hiện nay, Google đứng trước khả năng phải đối mặt với hai tòa án tại Mỹ ra lệnh buộc công ty bán tài sản hoặc thay đổi mô hình kinh doanh. Một thẩm phán ở Washington sẽ mở phiên tòa vào tuần tới để xem xét yêu cầu của Bộ Tư pháp buộc Google phải bán trình duyệt Chrome và thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt thế độc quyền trong tìm kiếm trực tuyến.
Tại phiên xử kéo dài ba tuần vào năm ngoái về hoạt động quảng cáo của Google, Bộ Tư pháp và liên minh các bang lập luận rằng Google đã sử dụng các chiến thuật cổ điển để xây dựng thế độc quyền. Những chiến thuật này bao gồm thâu tóm đối thủ, buộc khách hàng phải sử dụng sản phẩm của mình và kiểm soát cách giao dịch diễn ra trên thị trường quảng cáo trực tuyến.
Google phản bác rằng vụ kiện chỉ tập trung vào quá khứ, khi công ty vẫn đang nỗ lực giúp các công cụ của mình kết nối với sản phẩm của đối thủ, đồng thời bỏ qua sự cạnh tranh từ những công ty công nghệ khác như Amazon và Comcast trong bối cảnh chi tiêu quảng cáo số chuyển hướng sang ứng dụng và video phát trực tuyến.
Trong phán quyết hôm thứ Năm, thẩm phán Brinkema bác bỏ các cáo buộc liên quan đến hoạt động thâu tóm. Tuy nhiên, bà xác định Google đã hành xử bất hợp pháp khi ràng buộc việc sử dụng sàn giao dịch quảng cáo của mình với việc phải sử dụng máy chủ quảng cáo của công ty, đồng thời đưa ra các chính sách cạnh tranh không lành mạnh “không vì lợi ích tốt nhất của các khách hàng là nhà xuất bản.”
Logo của Google tại “ngôi nhà Google” trong triển lãm CES 2024, một hội chợ thương mại điện tử tiêu dùng thường niên, diễn ra tại Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, năm 2024. Ảnh: Reuters