
Phát hiện khảo cổ ở Caracol cho thấy các mối quan hệ ngoại giao, thương mại và tôn giáo giữa Maya và Teotihuacan bắt đầu sớm hơn nhiều so với nhận định trước đây. Điều này thúc đẩy xem xét lại dòng chảy ảnh hưởng văn hóa giữa các nền văn minh tiền Colombo ở khu vực Nam Mỹ.
Sâu trong những khu rừng rậm rạp của Belize, các nhà khảo cổ học đang khai quật thành phố cổ Caracol của người Maya đã phát hiện một lăng mộ được cho là của một vị vua trị vì cách đây khoảng 1.700 năm. Nếu được xác nhận, đây sẽ là ngôi mộ hoàng gia sớm nhất từng được biết đến tại di tích này, và có thể là nơi yên nghỉ của vị vua sáng lập Caracol – Te K’ab Chaak.
Mặc dù hiện nay chỉ còn là phế tích, Caracol từng có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ, kiểm soát phía nam bán đảo Yucatán trong giai đoạn từ năm 560 đến 680 sau Công nguyên trước khi bị bỏ hoang vào khoảng năm 900.
“Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng,” Francisco Estrada-Belli, nhà khảo cổ học tại Đại học Tulane và là nhà thám hiểm của National Geographic, nhận định dù không tham gia nghiên cứu. “Rất hiếm khi tìm được mộ của một vị vua Maya đã biết danh tính, lại càng hiếm hơn nếu đó là người sáng lập một triều đại.”
Đây là lần đầu tiên trong hơn 40 năm khai quật tại Caracol, một lăng mộ có thể xác định rõ danh tính của vị vua được tìm thấy. Caracol là khu khảo cổ Maya lớn nhất được biết đến ở Belize và cả vùng đất thấp của văn hóa Maya.
Phát hiện này được Đại học Houston công bố vào thứ Năm, do hai vợ chồng nhà khảo cổ học Diane và Arlen Chase thực hiện – những người hiện công tác tại Đại học Houston và đã có gần 40 năm nghiên cứu di tích Caracol.
Arlen Chase cùng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ngôi mộ mới nhất này vào đầu năm nay khi khai quật khu thượng thành đông bắc – một tổ hợp cung điện. Khi mở lại một hố khai quật từ năm 1993, ông tình cờ phát hiện một căn phòng lớn chưa bị xáo trộn, với các bức tường phủ đầy chu sa đỏ (red cinnabar). Theo Arlen Chase, việc phát hiện các ngôi mộ ở Caracol không phải là điều hiếm – họ đã khai quật hơn 850 nơi chôn cất và khoảng 175 lăng mộ tại đây – nhưng ngôi mộ lần này hoàn toàn khác biệt.
“Tất cả mọi chi tiết đều cho thấy đây là một vị vua,” Diane Chase nói. Cảm giác đó khiến bà nổi da gà. “Rõ ràng đây rất có thể là một vị vua – có thể chính là Te K’ab Chaak.”
Stephen Houston, một nhà khảo cổ học từ Đại học Brown không tham gia vào nghiên cứu, cho biết ngôi mộ là một phát hiện hấp dẫn và ông đồng ý rằng đây là mộ của hoàng tộc. Tuy nhiên, ông nói rằng cần thêm bằng chứng để kết luận rằng đây là mộ của Te K’ab Chaak. “Có lẽ, vào một thời điểm nào đó, một văn tự bằng chữ tượng hình sẽ xuất hiện và xác nhận danh tính của người đã khuất,” ông nói.
Te K’ab Chaak, người lên ngôi vào năm 331 sau Công nguyên, được chôn cất tại nền của một điện thờ dành riêng cho hoàng tộc. Lăng mộ chứa nhiều vật cúng phong phú: 11 bình gốm, ống xương chạm khắc, đồ trang sức bằng ngọc jadeite (ngọc phỉ thúy), mặt nạ khảm ngọc jadeite, vỏ sò spondylus từ Thái Bình Dương… Trong số các bình gốm, có một chiếc miêu tả một vị vua cầm giáo và nhận lễ vật từ các vị thần.
Một bình khác thể hiện hình ảnh Ek Chuah, vị thần thương nhân của người Maya, đang được dâng lễ vật. Bốn bình gốm khác có hình tù binh bị trói (một mô-típ cũng xuất hiện trong hai ngôi mộ khác), trong khi hai bình có nắp mô phỏng đầu của con gấu mèo mũi dài, loài vật được gọi là tz’uutz’ trong tiếng Maya và sau này xuất hiện trong tên của các vị vua tiếp theo tại Caracol.
Nghiên cứu dài hạn và bối cảnh chôn cất
Đợt khai quật mới nhất do Arlen F. Chase và Diane Z. Chase dẫn đầu được thực hiện cùng Viện Khảo cổ Belize và nhận hỗ trợ từ Quỹ Alphawood, Đại học Houston, Quỹ Geraldine và Emory Ford, cùng Quỹ Gia đình KHR.
Theo hai nhà khảo cổ, Te K’ab Chaak khi mất đã cao tuổi, cao khoảng 1m67, và không còn chiếc răng nào được bảo tồn.
Khai quật tại Thềm Đông Bắc của Caracol cho thấy đây là ngôi mộ sớm nhất trong ba ngôi mộ lớn, tất cả đều có niên đại khoảng năm 350 sau Công nguyên. Giai đoạn này trùng với thời điểm người Maya tiếp xúc ban đầu với thành phố Teotihuacan – trung tâm đô thị lớn ở Mexico, cách khoảng 1.200 km. Đến năm 300, Teotihuacan đã trở thành một trung tâm đô thị khổng lồ với mạng lưới thương mại trải rộng khắp Trung Mỹ.
“Một câu hỏi khiến các nhà khảo cổ học Maya đau đầu từ những năm 1960 là liệu trật tự chính trị mới có được du nhập vào vùng Maya bởi người Mexico từ Teotihuacan hay không,” Diane Z. Chase – nhà khảo cổ học và Phó Chủ tịch Học thuật tại Đại học Houston – cho biết.
“Các di tích bằng đá chạm khắc, niên đại chữ tượng hình, biểu tượng và dữ liệu khảo cổ của người Maya đều gợi ý rằng đã có các mối liên kết rộng khắp Mesoamerica sau một sự kiện vào năm 378 được gọi là ‘entrada’. Vào năm 378 sau Công nguyên, những người từ Teotihuacan đã thực hiện một cuộc đảo chính hoặc tấn công quân sự vào thành phố Maya có tên Tikal, được gọi là “entrada” (cuộc tiến vào). Một số nhà khảo cổ cho rằng chính từ thời điểm này, ảnh hưởng của Teotihuacan mới bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Maya.
Tuy nhiên, liệu sự kiện này là do người Teotihuacan trực tiếp đến vùng đất Maya, hay người Maya tự sử dụng biểu tượng của Miền Trung Mexico, thì vẫn còn là một điều gây tranh cãi. Dữ liệu khảo cổ từ Caracol cho thấy mọi chuyện phức tạp hơn nhiều.”
Một bằng chứng quan trọng là cuộc hỏa táng được phát hiện vào năm 2010 tại trung tâm của quảng trường ở Thềm Đông Bắc Caracol. Kết quả định tuổi bằng carbon phóng xạ cho thấy cuộc hỏa táng này diễn ra không lâu sau khi Te K’ab Chaak qua đời, vào khoảng năm 350.
Hỏa táng là hình thức chôn cất phổ biến trong giới tinh hoa của Teotihuacan, trong khi người Maya thì thường chôn cất người chết. Do đó, các nhà nghiên cứu lập luận rằng việc có một mộ hỏa táng tại Caracol cho thấy người dân nơi đây đã phần nào chịu ảnh hưởng từ Teotihuacan từ nhiều thập kỷ trước cuộc “entrada”. Họ cũng tìm thấy những lưỡi dao obsidian màu xanh tại địa điểm hỏa táng — loại đá được cho là có nguồn gốc từ phía bắc Teotihuacan.
Bối cảnh của hỏa táng bao gồm hài cốt của ba người, cùng các hiện vật đến từ miền trung Mexico: hai con dao lớn, sáu đầu giáo atlatl, và 15 lưỡi dao obsidian màu xanh lá cây hoàn hảo có nguồn gốc từ Pachuca, phía bắc Teotihuacan. Một số bình gốm cũng có vẻ có xuất xứ từ miền trung Mexico. Đáng chú ý là một đầu giáo chạm khắc được dùng với atlatl – vũ khí đặc trưng của các chiến binh Teotihuacan nhưng hiếm thấy trong ngữ cảnh Maya.
Thực hành nghi lễ và bản sắc đa văn hóa
Nghi lễ hỏa táng cùng vị trí thực hiện ngay trung tâm một quảng trường dân cư là không điển hình trong văn hóa Maya, nhưng lại phổ biến với người Teotihuacan. Dựa trên các bình gốm khác, người quá cố trong hỏa táng nhiều khả năng là một thành viên hoàng tộc Caracol đã tiếp thu các nghi lễ của người Teotihuacan – có thể từng là sứ giả Maya ở Teotihuacan rồi trở về quê hương.
Một ngôi mộ thứ ba – là mộ của một phụ nữ, cũng được tìm thấy ở phía bắc của nhóm kiến trúc dân cư vào năm 2009. Mộ này được phủ hematite và chứa bốn bình gốm, một chuỗi hạt làm từ vỏ sò spondylus, mảnh gương và hai vỏ sò spondylus – cũng có niên đại tương tự.
Cả ba ngôi mộ tại Thềm Đông Bắc Caracol đều có niên đại vào khoảng năm 350 – ít nhất một thế hệ trước khi có bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của Teotihuacan trong vùng Maya. Chúng chứng minh rằng các vua Maya đầu tiên đã có liên kết chặt chẽ trong toàn vùng Mesoamerica từ sớm, trước khi sự kiện “entrada” được ghi lại trên các đài tưởng niệm của người Maya.
Trao đổi nghi lễ và ngoại giao
“Cả khu vực miền trung Mexico và Maya đều biết đến thực hành nghi lễ của nhau, như phản ánh qua lễ hỏa táng tại Caracol,” Arlen F. Chase – Giáo sư và Trưởng ngành Nghiên cứu Văn hóa So sánh tại Đại học Houston – cho biết.
“Các mối liên hệ giữa hai khu vực rõ ràng được thực hiện ở cấp độ cao nhất của xã hội, cho thấy các vua sáng lập ở nhiều thành phố Maya – như Te K’ab Chaak ở Caracol – đã tham gia vào các mối quan hệ ngoại giao chính thức với Teotihuacan.” Vương triều hoàng gia do Te K’ab Chaak sáng lập đã tiếp tục tồn tại ở Caracol suốt hơn 460 năm.
Các phát hiện của hai nhà khảo cổ cũng chỉ ra rằng người cổ đại ở Tân Thế giới là những người du hành. Ngày nay, hành trình bằng ô tô giữa Teotihuacan và Caracol mất hơn 23 giờ. Nếu đi bộ một chiều, thời gian ước tính là khoảng 153 ngày.
“Khám phá này cũng giúp soi rọi những mối quan hệ mà người Teotihuacan và Maya từng có vào đầu thế kỷ thứ 4, dường như xoay quanh thương mại, hành hương đến Teotihuacan và ngoại giao,” David Carballo, một nhà khảo cổ học từ Đại học Boston không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục phân tích nội dung của lăng mộ, bao gồm khôi phục mặt nạ ngọc jadeite, cùng các phân tích DNA cổ đại và đồng vị bền của bộ xương. Vợ chồng Chase sẽ công bố kết quả mùa khai quật Caracol năm 2025 tại một hội nghị về tương tác Maya – Teotihuacan do Nhóm Nghiên cứu Maya tổ chức tại Viện Santa Fe (New Mexico) vào tháng 8 năm 2025.
Caana, có nghĩa là “cung điện trên trời” trong tiếng Maya, là quần thể kiến trúc trung tâm tại Caracol, Belize, được phát lộ bởi Diane và Arlen Chase trong thập niên 1980. Ảnh: Đại học Houston
Nhà khảo cổ và Phó Hiệu trưởng Đại học Houston – Diane Chase – trong lăng mộ của vị vua đầu tiên tại Caracol. Ảnh: Dự án Khảo cổ Caracol/Đại học Houston.
Bốn hạt ngọc phỉ thúy chạm hình khỉ nhện. Ảnh: University of Houston
Bát gốm Maya với vành đáy mở rộng và đầu gấu mèo pisote. Ảnh: University of Houston