
Trục trặc của một công cụ định vị bằng laser đã khiến tàu đổ bộ Mặt trăng của ispace – một công ty không gian Nhật Bản – gặp tai nạn hồi đầu tháng này, dẫn đến vụ rơi xuống bề mặt Mặt trăng.
Các quan chức của công ty ispace đã thông báo tin tức này từ Tokyo vào hôm thứ Ba. Đây là vụ hạ cánh thất bại thứ hai của ispace trong vòng hai năm.
Lần này, tàu đổ bộ có tên Resilience của công ty nhắm đến vùng cực Bắc của Mặt trăng, khu vực Mare Frigoris hay còn gọi là “Biển Lạnh”. Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter của NASA đã truyền về hình ảnh khu vực tai nạn hồi tuần trước, cho thấy Resilience và chiếc robot mini đi cùng đã bị vỡ vụn.
Các quan chức của công ty cho biết nguyên nhân vụ tai nạn là do công cụ đo khoảng cách bằng laser của tàu đổ bộ hoạt động chậm, không kịp đo chính xác khoảng cách đến bề mặt Mặt trăng. Khi mất liên lạc, Resilience đang rơi với vận tốc 42 mét/giây, và đâm xuống Mặt trăng chỉ sau đó 5 giây, theo lời các quan chức.
Lần đổ bộ thất bại đầu tiên của ispace vào năm 2023 cũng do phần mềm điều khiển gặp lỗi, xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình hạ cánh – tương tự như sự cố mới đây.
Trong số bảy nỗ lực đổ bộ Mặt trăng gần đây của các công ty tư nhân, chỉ có Firefly Aerospace là hoàn toàn thành công với cú hạ cánh của tàu Blue Ghost hồi tháng 3. Blue Ghost đã được phóng cùng chuyến với Resilience vào tháng 1, trên một tên lửa của SpaceX từ Florida.
Ngoài công ty Firefly có trụ sở tại bang Texas (Mỹ), chỉ có năm quốc gia từng thực hiện thành công việc hạ cánh lên Mặt trăng là: Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong số này, chỉ Hoa Kỳ đã đưa phi hành gia đặt chân lên Mặt trăng, trong chương trình Apollo của NASA cách đây hơn nửa thế kỷ.
Dù phải đón nhận hai thất bại liên tiếp, ispace cho biết họ sẽ tiếp tục với nỗ lực hạ cánh lần thứ ba vào năm 2027 với sự hợp tác của NASA, và đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ thứ tư. Các bài kiểm tra và cải tiến bổ sung có thể khiến chi phí phát triển tăng thêm 1,5 tỷ yên (hơn 10 triệu USD), theo lời công ty.
Takeshi Hakamada, CEO kiêm nhà sáng lập ispace, nhấn mạnh rằng công ty ông “không chùn bước trước thất bại” và đang nỗ lực giành lại niềm tin từ khách hàng. Các chuyên gia bên ngoài sẽ tham gia vào quá trình điều tra sự cố, và ispace sẽ tăng cường hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
“Chúng tôi đang tiến những bước vững chắc tiếp theo cho các sứ mệnh trong tương lai,” ông phát biểu.
Hình ảnh cho thấy một mũi tên chỉ vào vị trí va chạm của tàu đổ bộ Mặt trăng Resilience của ispace, được chụp bởi Tàu quỹ đạo do thám Mặt trăng (Lunar Reconnaissance Orbiter) vào ngày 11 tháng 6. Ảnh: NASA