
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng nhất từ trước đến nay về những rủi ro do stablecoin gây ra, đồng thời kêu gọi các quốc gia nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình mã hóa đồng tiền của mình.
BIS, thường được gọi là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương”, đã nêu lên một loạt lo ngại, bao gồm khả năng stablecoin làm suy yếu chủ quyền tiền tệ, thiếu minh bạch và nguy cơ dòng vốn tháo chạy (capital flight) khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Cảnh báo này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật thiết lập khung pháp lý cho các stablecoin neo theo đồng USD – một động thái, nếu được Hạ viện thông qua, được dự đoán sẽ càng làm gia tăng sự phổ biến của loại tiền kỹ thuật số này.
Stablecoin là một dạng tiền điện tử được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường là neo theo tỷ lệ 1:1 với USD và được bảo chứng bằng tài sản thực như trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc vàng.
Các stablecoin neo theo đồng USD hiện chiếm tới 99% thị trường stablecoin, với tổng giá trị lưu hành ước tính vượt 260 tỷ USD.
“Stablecoin không đáp ứng được tiêu chí của một loại tiền tệ lành mạnh, và nếu không được quản lý, chúng có thể đe dọa sự ổn định tài chính và chủ quyền tiền tệ,” BIS nhận định trong một chương được công bố sớm của báo cáo thường niên, dự kiến phát hành chính thức vào Chủ nhật tới.
Ông Hyun Song Shin, cố vấn kinh tế của BIS, giải thích rằng stablecoin thiếu đi chức năng thanh toán và quyết toán do ngân hàng trung ương cung cấp khi sử dụng tiền pháp định.
Ông so sánh stablecoin với các loại tiền giấy tư nhân từng lưu hành trong thời kỳ “ngân hàng tự do” (Free Banking era) của Mỹ vào thế kỷ 19 – khi mà các loại tiền này có thể được giao dịch theo các tỷ giá khác nhau tùy theo đơn vị phát hành, làm xói mòn nguyên tắc “không có gì nghi ngờ” vốn gắn liền với tiền do ngân hàng trung ương phát hành.
Shin cảnh báo thêm về nguy cơ xảy ra “bán tháo” các tài sản bảo chứng cho stablecoin nếu chúng sụp đổ – giống như vụ sụp đổ của TerraUSD (UST) và đồng tiền điện tử LUNA vào năm 2022.
Một mối lo khác là ai thực sự kiểm soát stablecoin. Hiện nay, đồng Tether chiếm hơn một nửa thị phần stablecoin toàn cầu, nhưng công ty này đã rút khỏi Liên minh châu Âu sau khi khối này ban hành quy định yêu cầu các nhà vận hành stablecoin phải có giấy phép hoạt động.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương – đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối toàn cầu – đang tìm cách đa dạng hóa khỏi đồng USD, chuyển hướng sang vàng, đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
“Câu hỏi then chốt luôn là minh bạch: một số stablecoin rất khác biệt về mặt này,” bà Andrea Maechler, Phó tổng giám đốc BIS, cho biết. “Người ta luôn nghi ngờ về chất lượng tài sản bảo chứng. Tiền có thực sự ở đó không? Nó đang ở đâu?”
Hành động quyết liệt
BIS muốn các ngân hàng trung ương đi theo hướng mã hóa hệ thống thanh toán thông qua một “sổ cái hợp nhất” (unified ledger) tích hợp dự trữ của ngân hàng trung ương, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và trái phiếu chính phủ.
Điều này sẽ đảm bảo rằng tiền của ngân hàng trung ương vẫn là phương tiện thanh toán chủ yếu toàn cầu, đồng thời các loại tiền tệ và trái phiếu từ khắp nơi trên thế giới có thể được tích hợp vào cùng một nền tảng “có thể lập trình”.
Mục tiêu của mô hình mã hóa này là xây dựng một hệ thống kỹ thuật số cho ngân hàng trung ương, có thể xử lý thanh toán và giao dịch chứng khoán gần như tức thời, với chi phí thấp hơn nhờ cắt giảm các quy trình kiểm tra tốn thời gian, đồng thời mở ra các chức năng mới.
Mô hình này cũng có thể giúp hệ thống minh bạch hơn, bền vững hơn và có khả năng tương tác cao hơn – đồng thời giúp bảo vệ hệ thống khỏi những yếu tố khó lường từ tiền mã hóa.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết – chẳng hạn như ai sẽ đặt ra các quy tắc vận hành nền tảng, và các quốc gia riêng lẻ sẽ muốn duy trì quyền kiểm soát lớn đối với đồng tiền của họ cũng như cách thức sử dụng.
“Để khai thác toàn bộ tiềm năng của hệ thống này, cần phải có hành động táo bạo,” ông Agustín Carstens, Tổng giám đốc BIS sắp mãn nhiệm, tuyên bố.
Trụ sở Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tại Basel, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters