
Tại một quầy hàng ở Berlin do tổ chức từ thiện Topio điều hành, các tình nguyện viên đang bận rộn giúp những người muốn “giải phóng” điện thoại của mình khỏi ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Kể từ khi Donald Trump nhậm chức, số người xếp hàng chờ dịch vụ này ngày càng tăng.
Dữ liệu từ công ty tình báo thị trường kỹ thuật số Similarweb cho thấy, trong những tháng gần đây, sự quan tâm đến các dịch vụ số có trụ sở tại châu Âu đã gia tăng. Ngày càng nhiều người tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ email, nhắn tin và thậm chí cả công cụ tìm kiếm bên ngoài nước Mỹ.
Những tháng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump đã làm lung lay niềm tin của một số người châu Âu vào đồng minh lâu năm của họ, sau khi ông phát tín hiệu rằng Mỹ sẽ rút khỏi vai trò đảm bảo an ninh cho châu Âu và sau đó khơi mào một cuộc chiến thương mại.
“Vấn đề nằm ở sự tập trung quyền lực vào các tập đoàn Mỹ,” người sáng lập Topio, ông Michael Wirths, nói khi đồng nghiệp của ông cài đặt cho khách hàng một phiên bản hệ điều hành Android không liên kết với hệ sinh thái Google.
Wirths cho biết kiểu người tìm đến quầy hàng đã thay đổi: “Trước đây là những người hiểu biết sâu về quyền riêng tư dữ liệu. Giờ là những người quan tâm đến chính trị và cảm thấy bị tổn thương.”
Tỷ phú Elon Musk – giám đốc Tesla và cũng là chủ sở hữu mạng xã hội X – từng là cố vấn hàng đầu của Trump trước khi hai người xảy ra mâu thuẫn, trong khi các lãnh đạo của Amazon, Meta và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều xuất hiện nổi bật trong lễ nhậm chức của Trump hồi tháng Một.
Chỉ vài ngày trước khi Trump nhậm chức, tổng thống mãn nhiệm Joe Biden đã cảnh báo về một “tổ hợp công nghiệp công nghệ” mang tính tài phiệt đang đe dọa nền dân chủ.
Công cụ tìm kiếm Ecosia đặt trụ sở tại Berlin cho biết họ đang hưởng lợi từ mong muốn tránh xa các đối thủ Mỹ như Bing của Microsoft hoặc Google – công cụ tìm kiếm thống trị thị trường toàn cầu và cũng là nhà cung cấp email lớn nhất thế giới.
“Càng tệ đối với thế giới, thì lại càng tốt cho chúng tôi,” nhà sáng lập Christian Kroll của Ecosia nói. Ecosia cam kết dành lợi nhuận để tài trợ cho các dự án môi trường.
Dữ liệu của Similarweb cho thấy số lượt tìm kiếm Ecosia từ Liên minh châu Âu đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Ecosia hiện mới nắm giữ 1% thị phần công cụ tìm kiếm tại Đức.
Tuy nhiên, với 122 triệu lượt truy cập từ 27 nước EU vào tháng 2, Ecosia vẫn còn rất nhỏ so với 10,3 tỷ lượt truy cập vào Google. Công ty mẹ Alphabet đã thu về khoảng 100 tỷ USD doanh thu từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong năm 2024 – gần một phần ba trong tổng doanh thu toàn cầu 350 tỷ USD.
Ecosia – một tổ chức phi lợi nhuận – đạt doanh thu 3,2 triệu euro (3,65 triệu USD) trong tháng 4, trong đó 770.000 euro được dùng để trồng 1,1 triệu cây xanh.
Reuters không xác định được liệu các công ty công nghệ Mỹ có thực sự mất thị phần tại châu Âu vào tay các đối thủ địa phương hay không.
Chủ quyền số
Việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế đang song hành với cuộc tranh luận ở châu Âu về “chủ quyền số” – khái niệm cho rằng sự phụ thuộc vào các công ty từ một nước Mỹ ngày càng mang xu hướng biệt lập là mối đe dọa đối với kinh tế và an ninh của châu Âu.
“Những người bình thường – những người trước đây chẳng bao giờ đặt nặng vấn đề sử dụng dịch vụ của Mỹ – giờ đang nói: ‘Khoan đã nào!’,” chuyên gia quản lý Internet người Anh Maria Farrell nói. “Cả thợ làm tóc của tôi cũng hỏi tôi nên chuyển sang dùng dịch vụ gì.”
Theo dữ liệu từ Similarweb, số người dùng ProtonMail – một dịch vụ email có trụ sở tại Thụy Sĩ – ở châu Âu đã tăng 11,7% tính đến tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng sử dụng Gmail của Alphabet – vốn chiếm khoảng 70% thị phần email toàn cầu – đã giảm 1,9%.
ProtonMail, cung cấp cả dịch vụ miễn phí lẫn trả phí, cho biết họ ghi nhận sự gia tăng người dùng từ châu Âu kể từ khi ông Trump tái đắc cử, dù từ chối tiết lộ con số cụ thể.
“Kể từ sau cuộc bầu cử, gia đình tôi đã thực sự bắt đầu ‘thoát ly’ khỏi công nghệ Mỹ,” kỹ sư phần mềm người Anh Ken Tindell cho biết, viện dẫn yếu kém trong bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Mỹ là một nguyên nhân.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã gây sốc cho các lãnh đạo châu Âu hồi tháng 2 khi ông cáo buộc họ – tại một hội nghị vốn nổi tiếng vì thúc đẩy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương – là đang kiểm duyệt tự do ngôn luận và không kiểm soát được vấn đề nhập cư.
Tháng 5, Ngoại trưởng Marco Rubio đe dọa cấm cấp thị thực đối với những người “kiểm duyệt” phát ngôn của người Mỹ, bao gồm cả trên mạng xã hội, và gợi ý chính sách này có thể nhắm vào cả quan chức nước ngoài đang giám sát các công ty công nghệ Mỹ.
Các công ty mạng xã hội Mỹ như Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram – cho rằng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU là hình thức kiểm duyệt nền tảng của họ.
Các quan chức EU thì khẳng định đạo luật này sẽ giúp môi trường mạng an toàn hơn bằng cách buộc các tập đoàn công nghệ xử lý nội dung bất hợp pháp, bao gồm ngôn từ thù hận và tài liệu lạm dụng trẻ em.
Greg Nojeim, giám đốc Dự án An ninh và Giám sát tại Trung tâm Dân chủ & Công nghệ, nói rằng những lo ngại của người châu Âu về việc chính phủ Mỹ truy cập dữ liệu – dù là lưu trữ trên thiết bị hay trên nền tảng điện toán đám mây – là hoàn toàn có cơ sở.
Ông cho biết, không chỉ luật Mỹ cho phép chính phủ kiểm tra thiết bị của bất kỳ ai nhập cảnh, mà họ còn có quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu mà người châu Âu lưu trữ hoặc truyền qua các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Chính phủ mới của Đức cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, với cam kết trong thỏa thuận chính phủ liên minh là tăng cường sử dụng định dạng dữ liệu mã nguồn mở và hạ tầng đám mây đặt tại địa phương.
Các chính quyền vùng còn đi xa hơn – tại bang Schleswig-Holstein do phe bảo thủ điều hành, giáp biên giới Đan Mạch, tất cả hệ thống CNTT trong chính quyền phải sử dụng phần mềm mã nguồn mở.
Berlin cũng đã tài trợ cho Ukraine sử dụng mạng internet vệ tinh do công ty Eutelsat của Pháp vận hành thay vì Starlink của Elon Musk.
Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại gắn liền với công nghệ, “việc hoàn toàn thoát ly khỏi công nghệ Mỹ một cách triệt để, theo tôi, có thể là điều không khả thi,” theo ông Bill Budington từ tổ chức phi lợi nhuận vì quyền kỹ thuật số Electronic Frontier Foundation (Mỹ).
Mọi thứ – từ mạng phân phối nội dung (CDN) hỗ trợ nhiều website, cho đến cách dữ liệu internet được định tuyến – phần lớn đều phụ thuộc vào công ty và hạ tầng Mỹ, ông Budington lưu ý.
Cả Ecosia lẫn Qwant – công cụ tìm kiếm có trụ sở tại Pháp – đều phần nào dựa vào kết quả tìm kiếm từ Google và Bing của Microsoft. Trong khi đó, Ecosia vận hành trên nền tảng điện toán đám mây, phần lớn cũng do các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cung cấp – chính là những công ty mà Ecosia hứa hẹn sẽ giúp người dùng “thoát khỏi”.
Mastodon – mạng xã hội phi tập trung do lập trình viên người Đức Eugen Rochko phát triển – từng ghi nhận làn sóng người dùng mới cách đây hai năm khi Elon Musk mua lại Twitter (sau đổi tên thành X). Tuy nhiên, nền tảng này vẫn chỉ là một dịch vụ ngách.
Signal – ứng dụng nhắn tin do một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ điều hành – cũng ghi nhận lượng cài đặt tăng mạnh từ châu Âu. Theo dữ liệu của Similarweb, lượng người dùng Signal ở châu Âu trong tháng 3 tăng 7% so với tháng trước, trong khi WhatsApp của Meta giữ nguyên.
Meta từ chối bình luận, còn Signal không phản hồi yêu cầu qua email của Reuters.
Tuy nhiên, nhà hoạt động vì quyền kỹ thuật số Robin Berjon nói với Reuters rằng kiểu tổ chức tự phát như thế này khó có thể tự mình tạo ra thay đổi lớn đối với sự thống trị của Thung lũng Silicon tại châu Âu.
“Thị trường đã bị thao túng quá nhiều,” ông nói. “Cần có sự điều chỉnh bằng luật pháp nữa.”
Một nhãn dán với thông điệp “Đừng nuôi độc tài” được chụp tại gian hàng của tổ chức Topio trong khu chợ, nơi hỗ trợ chuyển đổi sang các hệ điều hành thay thế, độc lập với các tập đoàn công nghệ lớn như Google hoặc Apple, tại Berlin, Đức. Ảnh: Reuters