
Các nhà khoa học đã phát hiện một sự sụt giảm rõ rệt trong việc sử dụng ngôn ngữ dựa trên bằng chứng trong các bài phát biểu chính trị ở Mỹ kể từ thập niên 1970, và điều này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến người dân trong nước.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour, là kết quả của việc phân tích hơn 8 triệu bài phát biểu được thực hiện tại Quốc hội Mỹ trong vòng 140 năm qua.
“Chúng tôi muốn biết tại sao một số chính trị gia dù nói dối rất nhiều nhưng lại thường được xem là trung thực,” tiến sĩ Segun Aroyehun, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Konstanz, Đức, và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với BBC Science Focus. “Thường là vì họ nói về những điều họ tin tưởng, và họ tỏ ra chân thành theo cách đó.”
Nghiên cứu trước đó của Aroyehun và các đồng nghiệp – dựa trên các bài đăng mạng xã hội của các thành viên Quốc hội Mỹ – cho thấy có một sự thay đổi trong những năm gần đây: từ việc sử dụng ngôn ngữ dựa trên bằng chứng sang ngôn ngữ dựa vào niềm tin hoặc trực giác.
“Có sự phân biệt rõ ràng giữa khái niệm sự thật dựa trên bằng chứng và sự thật dựa trên trực giác, trong đó cảm xúc đóng vai trò then chốt,” Aroyehun cho biết.
Để hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu muốn nhìn về quá khứ để xác định liệu sự chuyển đổi này có phải là hiện tượng gần đây hay không, và nếu không thì sự thay đổi này đã tác động thế nào đến ngôn ngữ chính trị.
Sử dụng mô hình máy học, nhóm đã sàng lọc gần một thế kỷ rưỡi các bài phát biểu tại Quốc hội, xây dựng hệ thống chấm điểm dựa trên các từ khóa phản ánh ngôn ngữ dựa trên bằng chứng hoặc dựa trên trực giác.
Các từ khóa dựa trên bằng chứng bao gồm: “phân tích” (analyse), “dữ liệu” (data), “phát hiện” (findings), hay “điều tra” (investigation). Trong khi đó, ngôn ngữ dựa trên trực giác bao gồm các cụm như “quan điểm” (point of view), “lẽ thường” (common sense), “đoán” (guess) và “tin rằng” (believe).
Mỗi bài phát biểu sau đó được chấm điểm dựa trên tỷ lệ giữa ngôn ngữ dựa trên bằng chứng và dựa trên trực giác.
Những gì họ phát hiện thật đáng kinh ngạc. Dù không ổn định trong 140 năm qua, tỷ lệ giữa hai loại ngôn ngữ này nhìn chung tương đối cân bằng trong phần lớn thời gian. Thậm chí, ngôn ngữ dựa trên bằng chứng còn có xu hướng gia tăng trong những năm 1940, 50 và 60.
Thế rồi mọi thứ thay đổi: từ thập niên 70 đến nay, ngôn ngữ dựa trên trực giác bắt đầu chiếm ưu thế.
Aroyehun cho biết xu hướng này xuất hiện ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, “ngoại trừ thời gian gần đây, khi chúng tôi nhận thấy một chút gia tăng ngôn ngữ dựa trên bằng chứng từ phía đảng Dân chủ.”
Ông nhấn mạnh rằng tỷ lệ này không phản ánh việc những gì được nói ra là đúng hay sai – mà chỉ nói lên cách sự thật hoặc sai lầm được thể hiện.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự chuyển đổi này đã có tác động. Nhóm nghiên cứu so sánh sự thay đổi này với mức độ phân cực trong Quốc hội và bất bình đẳng thu nhập – cả hai đều gia tăng song song với sự lên ngôi của ngôn ngữ dựa trên trực giác.
Trong khi đó, hiệu quả làm việc của Quốc hội – được đo bằng số lượng và chất lượng các đạo luật được thông qua – lại giảm trong cùng kỳ.
“Thông điệp tổng thể ở đây là: ngôn từ hung biện có vai trò quan trọng,” Aroyehun nói. “Và cách mà ngôn từ thể hiện sự thật trong ngôn ngữ của Quốc hội Mỹ có ảnh hưởng đến các chỉ số phúc lợi chính trị và xã hội.”
Nhóm hiện đang lên kế hoạch áp dụng phương pháp tương tự cho các bài phát biểu ở Đức và Ý để xem liệu xu hướng này có xuất hiện trong các nền dân chủ khác hay không.
Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cho thấy sự thay đổi trong các bài phát biểu chính trị suốt 140 năm qua. Ảnh: Getty