
Hoa Kỳ nổi tiếng với sự phân cực sâu sắc (deep polarization) giữa hai đảng phái chính trị lớn – đảng Cộng hòa cánh hữu và đảng Dân chủ cánh tả. Giờ đây, một phân tích từ hàng trăm nghìn tài liệu chính sách cho thấy sự khác biệt nổi bật trong cách các nhà hoạch định chính sách ở mỗi đảng sử dụng tài liệu khoa học. Cụ thể, các ủy ban quốc hội do đảng Dân chủ lãnh đạo và các viện nghiên cứu thiên tả có xu hướng trích dẫn các công trình nghiên cứu nhiều hơn so với các đối tác cánh hữu.
Phân tích này cũng chỉ ra rằng các viện nghiên cứu và ủy ban thiên tả thường trích dẫn các công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn hơn, và hai phe chính trị hiếm khi trích dẫn cùng một nghiên cứu – thậm chí là cùng một chủ đề.
“Có những khác biệt rõ rệt về số lượng, nội dung và tính chất của các trích dẫn khoa học từ các nhà hoạch định chính sách mang tính đảng phái,” Alexander Furnas, nhà khoa học chính trị tại Đại học Northwestern ở Evanston, Illinois và là đồng tác giả nghiên cứu được công bố ngày 24-4 trên tạp chí Science, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu chính sách của chính phủ có tên Overton để tổng hợp khoảng 50.000 tài liệu chính sách do các ủy ban quốc hội Hoa Kỳ phát hành trong giai đoạn 1995–2021, cùng khoảng 200.000 báo cáo từ 121 viện nghiên cứu mang tính ý thức hệ ở Mỹ trong cùng thời kỳ. Những tài liệu này bao gồm 424.000 trích dẫn từ các nghiên cứu khoa học.
Phân tích thống kê cho thấy hiện nay các báo cáo quốc hội có xu hướng trích dẫn các bài báo khoa học nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, trong mỗi chu kỳ quốc hội kéo dài hai năm, các tài liệu từ các ủy ban do đảng Dân chủ kiểm soát có xác suất trích dẫn nghiên cứu khoa học cao hơn, và khoảng cách giữa hai đảng ngày càng gia tăng. Nhìn chung, các tài liệu từ các ủy ban do đảng Dân chủ kiểm soát có mức trích dẫn khoa học cao gần gấp 1,8 lần so với các báo cáo từ các ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo.
Sự khác biệt rõ rệt nhất nằm ở các báo cáo từ các viện nghiên cứu mang tính đảng phái – những nơi cung cấp hầu hết “nguồn tài nguyên cho các nhà hoạch định chính sách đảng phái”. Các viện nghiên cứu thiên tả có xu hướng trích dẫn khoa học cao gấp 5 lần so với các viện nghiên cứu thiên hữu.
Và gần như không có sự trùng lặp giữa các nghiên cứu được hai bên trích dẫn: chỉ khoảng 5–6% nghiên cứu được cả hai nhóm viện nghiên cứu trích dẫn. Ngoài ra, các vấn đề mà hai phe tìm hiểu cũng khác nhau rõ rệt: ví dụ, các chủ đề được trích dẫn bởi Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện thay đổi mạnh mẽ tùy thuộc vào đảng nào nắm quyền kiểm soát. Các ủy ban do đảng Dân chủ lãnh đạo có xu hướng trích dẫn nghiên cứu về các vấn đề như phá thai, bạo lực, súng đạn và sức khỏe tâm thần, trong khi các hội đồng do đảng Cộng hòa kiểm soát lại tập trung vào các chủ đề như thuốc giảm đau opioid và chăm sóc y tế.
Phân tích này được công bố trong bối cảnh khoa học – liên quan đến các chủ đề như trí tuệ nhân tạo, vắc xin và biến đổi khí hậu – ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với chính sách chính phủ, trong khi Hoa Kỳ lại ngày càng phân cực hơn, theo nhận định của nhà khoa học chính trị và đồng tác giả Dashun Wang, cũng thuộc Đại học Northwestern.
- J. Fagan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Illinois ở Chicago, nhận định rằng mặc dù các viện nghiên cứu và chính trị gia cánh hữu trích dẫn khoa học ít hơn, điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc họ ít sử dụng bằng chứng hơn trong quá trình ra quyết định – thay vào đó, họ có thể tiếp cận nghiên cứu theo cách khác.
Tuy vậy, Fagan cho rằng sự khác biệt trong việc trích dẫn khoa học này phần nào giải thích cho sự phân cực trong chính sách và niềm tin giữa hai đảng. “Sự khác biệt đó theo nhiều cách chính là điều định hình cuộc tranh luận chính trị tại Hoa Kỳ.”
Cách các nhà lập pháp Mỹ trích dẫn các bài nghiên cứu khoa học khác nhau tùy theo phe phái.
Ảnh: Getty Images