
Các mức thuế bao trùm được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố vào ngày 2-4, cùng với các đợt hoãn thi hành và biện pháp trả đũa sau đó, đã tạo ra một mức độ bất ổn lớn trên toàn cầu. Phần lớn sự chú ý của thế giới hiện nay đang đổ dồn vào những hệ quả ngắn hạn đầy hỗn loạn của các chính sách này: sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán, lo ngại về thị trường trái phiếu Mỹ, nỗi sợ suy thoái kinh tế và những đồn đoán về cách các quốc gia khác sẽ đàm phán hoặc phản ứng.
Tuy nhiên, bất kể điều gì xảy ra trong ngắn hạn, có một điều rõ ràng: các chính sách của Trump phản ánh một sự chuyển đổi của hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu — vốn đã bắt đầu từ trước đó. Dù bằng cách này hay cách khác, một sự thay đổi sâu rộng là điều cần thiết để giải quyết những mất cân đối đã tích tụ trong nền kinh tế toàn cầu suốt nhiều thập kỷ qua. Căng thẳng thương mại hiện tại là kết quả của sự lệch pha giữa nhu cầu của từng nền kinh tế và nhu cầu của hệ thống toàn cầu.
THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU CÓ VẤN ĐỀ
Việc lương tăng nhanh ở nhiều quốc gia thúc đẩy nhu cầu cho các nhà sản xuất ở khắp mọi nơi, nhưng căng thẳng phát sinh khi một số quốc gia khác có thể đạt được tăng trưởng nhanh hơn bằng cách đẩy mạnh khu vực sản xuất với tốc độ cao hơn tốc độ tăng lương. Điều này có thể xảy ra, chẳng hạn, thông qua việc kìm hãm trực tiếp hoặc gián tiếp thu nhập hộ gia đình so với tốc độ tăng năng suất lao động. Kết quả là một hệ thống thương mại toàn cầu phát sinh vấn đề khi các quốc gia cạnh tranh bằng cách giữ mức lương thấp — gây tổn hại chung cho tất cả.
Chế độ thuế quan mà Trump công bố trong tháng này khó có khả năng giải quyết vấn đề đó. Để có hiệu quả, chính sách thương mại của Hoa Kỳ phải hoặc là đảo ngược sự mất cân đối trong tích lũy ở các nước trên thế giới, hoặc là hạn chế vai trò của Washington trong việc duy trì sự mất cân đối đó. Các mức thuế song phương thì không giải quyết được điều nào trong hai mục tiêu này.
Tuy nhiên, vì hệ thống hiện tại buộc phải được thay thế, các nhà hoạch định chính sách nên bắt đầu xây dựng một phương án thay thế hợp lý. Kịch bản tốt nhất là một hiệp định thương mại toàn cầu mới giữa các nền kinh tế cam kết xử lý các mất cân đối kinh tế nội địa của mình, thay vì chuyển chúng ra bên ngoài thông qua thặng dư thương mại. Kết quả sẽ là một liên minh hải quan tương tự như kế hoạch của nhà kinh tế John Maynard Keynes tại hội nghị Bretton Woods năm 1944. Các bên tham gia hiệp định này sẽ phải giữ cân bằng xuất nhập khẩu ở mức tương đối, đồng thời hạn chế thặng dư thương mại từ các quốc gia ngoài khối hiệp định. Một liên minh như vậy có thể mở rộng dần ra toàn thế giới, dẫn đến mức lương toàn cầu cao hơn và tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Kế hoạch của Keynes đã không được thông qua tại Bretton Woods, chủ yếu vì sự phản đối của Hoa Kỳ — lúc đó là nền kinh tế có thặng dư lớn nhất. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có cơ hội để hồi sinh và điều chỉnh lại đề xuất đó.
LƯU Ý ĐẾN KHOẢNG CÁCH
Để hiểu những rối loạn trong hệ thống thương mại toàn cầu, cần xét đến vai trò của lương trong một nền kinh tế riêng lẻ. Lương cao thường tốt cho nền kinh tế vì nó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cao hiệu quả. Điều này tạo ra một chu kỳ tích cực. Nhu cầu gia tăng khiến các doanh nghiệp đầu tư vào các phương pháp sản xuất hiệu quả hơn, qua đó nâng cao năng suất và tiếp tục đẩy lương lên cao hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp riêng lẻ lại có động cơ khác. Họ có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách kìm hãm tiền lương. Vấn đề là, trong khi tiền lương thấp có thể mang lại lợi ích cho một doanh nghiệp, nó lại làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp khác. Trong một nền kinh tế mà đầu tư bị giới hạn bởi nhu cầu thị trường, nếu các doanh nghiệp cùng nhau kìm hãm tiền lương, thì hoặc nợ hộ gia đình và ngân sách phải tăng để bù đắp nhu cầu thiếu hụt, hoặc tổng sản lượng và lợi nhuận sẽ sụt giảm.
Hiện tượng này, đôi khi được gọi là “Nghịch lý Chi phí” của Michal Kalecki (người đầu tiên đưa ra khái niệm này), không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà còn cho các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu kìm hãm tăng trưởng tiền lương có thể giúp một nước trở nên cạnh tranh hơn trong sản xuất toàn cầu, nước đó có thể tăng trưởng nhanh hơn nhờ tăng xuất khẩu. Nhưng nếu tất cả các quốc gia đều làm vậy, tổng cầu toàn cầu sẽ suy giảm, và tất cả đều chịu thiệt.
Trong một thế giới toàn cầu hóa cao, nơi một số quốc gia giỏi hơn trong việc kềm chế chi phí lao động, điều đó dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu hàng hóa. Vì các doanh nghiệp không cần sản xuất ở nơi họ bán hàng, chi phí lao động địa phương trở thành yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp chuyển sản xuất đến nơi có chi phí lao động thấp hơn so với năng suất lao động sẽ có lợi thế về giá thành, làm sản phẩm của họ hấp dẫn hơn toàn cầu.
Ở mỗi quốc gia, việc kìm hãm tiền lương gây áp lực giảm tiêu dùng nội địa, đồng thời trợ giá cho sản xuất trong nước. Điều này tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa sản xuất và tiêu dùng. Nếu khoảng cách đó không được giải quyết trong nội bộ nền kinh tế (chẳng hạn bằng cách tăng đầu tư trong nước — điều có thể khiến khoảng cách càng lớn hơn), thì nó sẽ bị đảo ngược — hoặc bằng cách tăng lương, hoặc giảm sản xuất.
Tuy nhiên, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, có một lựa chọn khác: chuyển qua thặng dư thương mại. Điều này cho phép quốc gia đó “xuất khẩu” phần chi phí từ sự mất cân đối giữa tiêu dùng và sản xuất sang các đối tác thương mại. Đó là lý do mà vào năm 1937, nhà kinh tế Joan Robinson đã gọi thặng dư thương mại bắt nguồn từ cầu nội địa bị kìm nén là hậu quả của chính sách “làm nghèo hàng xóm” (beggar-thy-neighbor).
Đây cũng là lý do mà Keynes phản đối hệ thống thương mại toàn cầu cho phép một số quốc gia duy trì thặng dư lớn và kéo dài, khi tham dự hội nghị Bretton Woods năm 1944. Ông cho rằng một hệ thống duy trì các thặng dư đó sẽ khuyến khích các nước mở rộng sản xuất bằng cách trợ giá và làm suy giảm nhu cầu nội địa. Kết quả, như Keynes giải thích, sẽ là áp lực giảm cầu toàn cầu khi các nước thi nhau duy trì lợi thế bằng cách kìm hãm tăng trưởng tiền lương. Những quốc gia làm việc này thành công nhất sẽ trở thành “người chiến thắng” trong thương mại toàn cầu. Tỷ lệ sản xuất toàn cầu của họ sẽ tăng, trong khi phần của các đối tác bị thu hẹp.
Thay vào đó, Keynes kêu gọi các quốc gia “học cách tự tạo việc làm thông qua chính sách kinh tế nội địa.” Trong một thế giới như vậy, ông lập luận, sẽ không có “lực lượng kinh tế đáng kể nào khiến lợi ích của một quốc gia đi ngược lại lợi ích của các quốc gia láng giềng.”
Vào thời điểm Keynes và Robinson viết các luận điểm của mình, chi phí của các chính sách “làm nghèo hàng xóm” chủ yếu thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp cao — khi xuất khẩu tăng không tương xứng với nhập khẩu đã làm các nhà sản xuất ở nước thâm hụt thương mại điêu đứng và phải sa thải công nhân. Nhưng sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào đầu những năm 1970, các chính phủ — trong đó có Mỹ — đã học cách giảm nhẹ hệ quả của thất nghiệp bằng cách giảm lãi suất để thúc đẩy vay tiêu dùng, hoặc bằng cách chi tiêu ngân sách không giới hạn. Hoa Kỳ từ đó đã che giấu hệ quả về giảm việc làm xuất phát từ việc liên tục thâm hụt thương mại — nhưng cái giá phải trả là nợ hộ gia đình và nợ công tăng vọt.
XUẤT KHẨU ĐỂ NHẬP KHẨU
Nếu muốn toàn cầu hóa phát triển bền vững, thế giới phải quay trở lại mô hình toàn cầu hóa trong đó các quốc gia xuất khẩu để nhập khẩu, và trong đó những mất cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và đầu tư phải được giải quyết trong nội bộ mỗi quốc gia – thay vì đẩy gánh nặng đó sang đối tác thương mại.
Mối liên hệ giữa mất cân đối nội tại của một quốc gia với những mất cân đối của các đối tác thương mại của quốc gia đó có những hệ quả mà đôi khi các nhà kinh tế không hiểu đầy đủ. Trong mọi nền kinh tế, các mất cân đối kinh tế bên trong và bên ngoài phải tương thích với nhau, cũng như mất cân đối bên ngoài của mỗi quốc gia phải tương thích với phần còn lại của thế giới. Điều này có nghĩa là các quốc gia có khả năng kiểm soát mất cân đối nội tại của mình sẽ phần nào chi phối mất cân đối nội tại của các đối tác thương mại. Đó là lý do vì sao trong bất kỳ hệ thống toàn cầu hóa nào, như nhà kinh tế Dani Rodrik đã chỉ ra, các quốc gia buộc phải lựa chọn hoặc hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn, hoặc kiểm soát nền kinh tế trong nước nhiều hơn.
Theo công thức của Rodrik, có ít nhất hai cách rất khác nhau để hiểu về toàn cầu hóa. Trong mô hình mà hầu hết các nhà phân tích giả định là đang diễn ra, các nền kinh tế lớn đều chọn từ bỏ mức độ kiểm soát trong nước tương đối giống nhau để đổi lấy hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn. Trong trường hợp này, thương mại toàn cầu nhìn chung sẽ cân bằng vì các lực lượng thị trường (market forces) sẽ đảo ngược những chính sách của chính phủ gây ra mất cân đối nội tại. Ví dụ, nếu một quốc gia có thặng dư thương mại lớn và kéo dài, đồng tiền của nước đó sẽ tăng giá hoặc tiền lương sẽ tăng, khiến hàng hóa trở nên đắt hơn. Điều đó sẽ khiến thặng dư thương mại thu hẹp lại khi mức sống của các hộ gia đình trong nước được cải thiện.
Tuy nhiên, trong một mô hình toàn cầu hóa khác – mô hình phản ánh thế giới thực tế tốt hơn – một số nền kinh tế lớn từ bỏ quyền kiểm soát đối với kinh tế trong nước để hội nhập toàn cầu nhiều hơn, trong khi những nền kinh tế khác vẫn giữ quyền kiểm soát đó, chẳng hạn như kiểm soát tốc độ tăng trưởng tiền lương, kiểm soát giá cả và phân bổ tín dụng trong nước, hoặc áp đặt các hạn chế đối với thương mại và tài khoản vốn. Ở mức độ mà các quốc gia giữ quyền kiểm soát can thiệp nhằm ngăn mất cân đối trong nước tự điều chỉnh, họ thực chất đang áp đặt mất cân đối nội tại của mình lên các quốc gia ít kiểm soát hơn đối với tài khoản thương mại và tài khoản vốn. Ví dụ, nếu họ chọn các chính sách công nghiệp nhằm mở rộng lĩnh vực sản xuất, thì họ cũng đang ngầm áp đặt chính sách công nghiệp lên đối tác thương mại – theo cách làm cho lĩnh vực sản xuất của các đối tác đó co lại tương đối.
Đây chính là kiểu toàn cầu hóa mà Keynes và Robinson từng phản đối. Đó là kiểu toàn cầu hóa cho phép các chính phủ theo đuổi những chiến lược kiểu Kalecki – có tác dụng mở rộng với nền kinh tế trong nước nhưng lại làm co hẹp nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Nếu muốn toàn cầu hóa phát triển bền vững, thế giới phải quay trở lại mô hình toàn cầu hóa trong đó các quốc gia xuất khẩu để nhập khẩu, và trong đó những mất cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và đầu tư phải được giải quyết trong nội bộ mỗi quốc gia – thay vì đẩy gánh nặng đó sang đối tác thương mại. Nói cách khác, thế giới cần một chế độ thương mại toàn cầu mới, trong đó các quốc gia đồng ý kiềm chế mất cân đối trong nước và điều chỉnh cầu nội địa phù hợp với cung nội địa. Chỉ khi đó, các quốc gia mới không còn phải gánh chịu mất cân đối nội tại của nhau.
Cách tốt nhất để đạt được kiểu toàn cầu hóa như vậy là thành lập một liên minh hải quan mới, theo mô hình mà Keynes từng đề xuất tại hội nghị Bretton Woods. Các quốc gia tham gia sẽ cam kết giữ cho thương mại giữa họ cân bằng một cách tương đối, và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với thành viên không thực hiện đúng cam kết. Đồng thời, họ cũng sẽ dựng hàng rào thương mại đối với những nước không tham gia để tự bảo vệ trước các mất cân đối từ bên ngoài liên minh.
Việc cân bằng thương mại không cần xảy ra song phương giữa từng quốc gia, mà là tổng thể giữa tất cả các đối tác thương mại. Các quốc gia thành viên sẽ phải cam kết quản lý nền kinh tế theo cách không đẩy gánh nặng từ chính sách nội tại của mình sang các nước khác. Trong hệ thống đó, mỗi quốc gia vẫn có thể lựa chọn con đường phát triển phù hợp với mình, nhưng không được gây tổn hại cho các đối tác thương mại. Các nền kinh tế nhỏ và kém phát triển hơn có thể được miễn trừ một số quy tắc nhất định.
Nhiều quốc gia – đặc biệt là các nước có cấu trúc nền kinh tế dựa vào cầu nội địa thấp và thặng dư thương mại thường trực – có thể ban đầu sẽ từ chối tham gia liên minh như vậy. Tuy nhiên, những người sáng lập có thể bắt đầu bằng cách tập hợp một nhóm nhỏ các quốc gia đang chiếm phần lớn thâm hụt thương mại toàn cầu – chẳng hạn như Canada, Ấn Độ, Mexico, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ – để khởi xướng. Những quốc gia này có đầy đủ động cơ để tham gia, và một khi họ tham gia, phần còn lại của thế giới cũng sẽ phải tham gia theo. Bởi vì nếu các quốc gia bị thâm hụt từ chối tiếp tục chịu thâm hụt thường trực, thì các quốc gia có thặng dư cũng không thể tiếp tục duy trì thặng dư mãi mãi. Họ sẽ buộc phải tăng tiêu dùng trong nước hoặc tăng đầu tư nội địa – cả hai đều sẽ có lợi cho tổng cầu toàn cầu – hoặc không còn cách nào khác ngoài việc giảm sản xuất dư thừa.
Nếu thế giới lập ra được một liên minh hải quan như vậy, thương mại quốc tế “sẽ không còn là” – như Keynes đã viết – “một giải pháp tuyệt vọng nhằm duy trì việc làm trong nước bằng cách thúc ép bán hàng ra nước ngoài và hạn chế mua vào.” Khi đó, mục tiêu tối đa hóa xuất khẩu của các quốc gia không còn là nhằm xuất khẩu chi phí của việc trợ cấp sản xuất trong nước nữa, mà là nhằm tối đa hóa nhập khẩu và nâng cao phúc lợi hộ gia đình.
Nếu việc thành lập một liên minh hải quan như vậy là không khả thi, thì kịch bản dễ xảy ra nhất là trò chơi “làm nghèo hàng xóm” (beggar-thy-neighbor) như Robinson từng cảnh báo – nơi các quốc gia cố gắng “đẩy phần gánh nặng lớn hơn sang người khác,” như bà đã viết. “Ngay khi một nước thành công trong việc cải thiện cán cân thương mại bằng cách làm tổn hại các nước khác, các nước khác sẽ trả đũa, và tổng thể thương mại quốc tế sẽ sụt giảm liên tục.”
Đó chính là tình trạng mà thế giới đang dần rơi vào. Đó là nguyên nhân đã dẫn đến các mức thuế quan của ông Trump, cũng như làn sóng khiếu nại thương mại gia tăng từ khắp nơi trên thế giới. Chừng nào các nhà hoạch định chính sách chưa thay đổi các động cơ trong hệ thống kinh tế, thì căng thẳng thương mại quốc tế sẽ không thể dịu đi.
Hàng hóa tại cảng container ở Khu cảng Baltimore, bang Maryland. Ảnh: AP