
Hơn 150 hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã ký một tuyên bố lên án sự “can thiệp chưa từng có và mang tính chính trị” của chính quyền Trump đối với giáo dục đại học — dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các tổ chức giáo dục Mỹ đang hình thành một mặt trận thống nhất để phản kháng cuộc tấn công mạnh mẽ của chính phủ vào quyền tự chủ của họ.
Tuyên bố này được công bố vào sáng thứ Ba bởi Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump đang gia tăng chiến dịch nhắm vào giáo dục đại học, chỉ vài giờ sau khi Đại học Harvard trở thành trường đầu tiên kiện chính phủ vì đe dọa cắt nguồn tài trợ. Harvard là một trong số nhiều cơ sở giáo dục gần đây bị cắt giảm nghiêm trọng ngân sách với yêu cầu phải từ bỏ quyền tự chủ về tổ chức.
Những người ký tên gồm các lãnh đạo của các trường đại học công lập lớn, các trường nghệ thuật tự do nhỏ và hiệu trưởng các trường đại học danh giá (Ivy League) gồm Harvard, Princeton và Brown.
Trong tuyên bố, các hiệu trưởng cùng nhiều lãnh đạo các hiệp hội học thuật khẳng định họ “cất lên cùng một tiếng nói” và kêu gọi “đối thoại mang tính xây dựng” với chính quyền.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những cải cách hợp lý và không phản đối sự giám sát hợp pháp từ chính phủ,” họ viết. “Tuy nhiên, chúng tôi phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ vào đời sống học tập, sinh hoạt và công tác tại các trường của chúng tôi.”
Vụ kiện của Harvard được đệ trình sau khi chính quyền thông báo sẽ đóng băng 2,3 tỷ USD tiền tài trợ liên bang, và Tổng thống Donald Trump đe dọa tước bỏ quy chế miễn thuế của trường, cáo buộc Harvard không bảo vệ sinh viên Do Thái trước các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Cùng với tuyên bố tập thể, vụ kiện đánh dấu phản ứng mạnh mẽ ngày càng tăng từ các trường đại học sau giai đoạn ban đầu phản ứng có phần dè dặt.
Dù một số lãnh đạo trường đại học gần đây đã chỉ trích chính quyền và tuyên bố sẽ không tuân theo các yêu cầu, đây là lần đầu tiên các hiệu trưởng cùng lên tiếng tập thể về vấn đề này. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp của hơn 100 lãnh đạo trường đại học do Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng và Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ tổ chức tuần trước, nhằm “cùng nhau lên tiếng trong thời khắc quan trọng này,” theo bà Lynn Pasquerella, Chủ tịch Hiệp hội.
Bà Pasquerella cho biết có một sự “đồng thuận rộng rãi” giữa các cơ sở giáo dục về sự cần thiết phải có lập trường chung.
“Đã có nhiều bài viết phân tích chiến lược ‘ngập lụt thông tin’ mà chính quyền đang sử dụng để tấn công giáo dục đại học — một chiến lược nhằm khiến các lãnh đạo trường không thể phản hồi trước hàng loạt chỉ thị, sắc lệnh hành pháp và thông báo chính sách liên tục được ban hành,” bà giải thích lý do vì sao phản ứng tập thể đến lúc này mới xuất hiện. “Các lãnh đạo trường đã phải đối mặt với quá nhiều vấn đề trong vài tháng qua, và tôi nghĩ đó là một phần nguyên nhân. Ngoài ra, họ cũng bị ràng buộc bởi các hội đồng quản trị, các nhóm lợi ích khác nhau — vốn đôi khi có yêu cầu trái ngược nhau.”
Chính quyền Trump đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhắm vào các trường đại học — một số nhân danh việc chống chủ nghĩa bài Do Thái, số khác công khai nhằm triệt tiêu các sáng kiến đa dạng và hòa nhập. Hàng tỷ USD tiền tài trợ liên bang đang bị đe dọa cắt nếu các trường không đáp ứng các yêu cầu cực đoan, chẳng hạn như: tước quyền tự chủ của các khoa học thuật, “kiểm tra quan điểm” của sinh viên và giảng viên, và hợp tác với cơ quan liên bang để truy bắt và trục xuất sinh viên quốc tế. Bên cạnh Harvard, nhiều trường khác như Cornell, Northwestern, Brown, Columbia, Princeton và Đại học Pennsylvania cũng đã bị đe dọa hoặc bị cắt hàng triệu USD.
Trường Columbia đã phần nào chấp nhận các điều kiện của chính quyền để được phục hồi tài trợ, bao gồm đặt một khoa học thuật dưới sự giám sát từ bên ngoài.
Những biện pháp nhắm vào các trường này không chỉ làm gián đoạn hoạt động nghiên cứu học thuật mà còn phá hoại các mối quan hệ lâu dài giữa chính phủ liên bang và các trường đại học, đồng thời góp phần tạo ra bầu không khí đàn áp, theo nhận định của các bên ký tên.
“Các trường đại học và cao đẳng của chúng tôi cùng chia sẻ cam kết trở thành trung tâm của tự do học thuật, nơi giảng viên, sinh viên và nhân viên có thể tự do trao đổi ý tưởng, quan điểm trong mọi lĩnh vực mà không lo bị trả đũa, kiểm duyệt hay trục xuất,” tuyên bố viết.
Tuần trước, Đại học Harvard đã đưa ra phản ứng cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với các yêu cầu từ chính quyền, khi hiệu trưởng Alan Garber tuyên bố trường sẽ không “từ bỏ quyền tự chủ hay các quyền hiến định của mình” — đẩy mối căng thẳng với Nhà Trắng lên cao trào.
Dù vụ kiện của Harvard là vụ đầu tiên do một trường đại học đệ trình, nhiều hiệp hội giáo dục và tổ chức đại diện giảng viên cũng đã khởi kiện về các khoản cắt giảm.
Giảng viên tại một số trường đại học cũng đang liên kết để bảo vệ lẫn nhau, với nhiều thành viên của Big Ten Academic Alliance — liên minh các trường đại học công lập lớn nhất nước Mỹ — đã ký một nghị quyết thành lập một “hiệp ước phòng vệ lẫn nhau”.
Tại cuộc họp thứ hai của Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ vào thứ Hai, khoảng 120 lãnh đạo đại học đã bàn về các bước đi tiếp theo, bao gồm nỗ lực vận động cộng đồng rộng lớn hơn và giới doanh nghiệp để bảo vệ tự do học thuật.
Tuyên bố chung, bà Pasquerella cho biết, chỉ là bước khởi đầu, nhằm “gửi tín hiệu đến công chúng và khẳng định với chính bản thân chúng ta về mối đe dọa nếu sự xâm phạm liên tục vào giới học thuật tiếp diễn.”
Giảng viên và sinh viên Đại học Northwestern biểu tình phản đối chính quyền Trump tấn công giáo dục đại học tại Evanston, Illinois hôm thứ Năm. Ảnh: Getty Images