
Chủ nghĩa bảo hộ đã gặp phải nhiều chỉ trích trong vài tháng qua, nhưng mức độ nguy hiểm mà nó gây ra vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Phần lớn các cuộc tranh luận xoay quanh các mức thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đều tập trung vào hậu quả ngắn hạn — như sự xáo trộn của thị trường chứng khoán, lạm phát tăng, các biện pháp trả đũa và nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, còn một viễn cảnh tồi tệ hơn nhiều đang lấp ló: nếu chủ nghĩa bảo hộ kéo dài, nó có thể dẫn đến sự biến dạng hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ Mỹ như chúng ta từng biết.
Châu Mỹ Latinh đã từng trải qua sự suy thoái như vậy vào giữa thế kỷ XX. Bị thúc đẩy bởi một logic tương tự như chính quyền Trump hiện nay, các nhà lãnh đạo khi đó đã triển khai các chính sách thuế quan và hạn chế thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tái cân bằng các mối quan hệ thương mại mà họ cho là bất công.
Tuy nhiên, kết quả không phải là sự hồi sinh kinh tế mà là bất ổn tài chính và sự suy thoái dân chủ. Nếu Washington tiếp tục đi theo con đường đó, họ có nguy cơ rơi vào kết cục tương tự.
Cái bẫy công nghiệp
Sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930, nhiều nhà lãnh đạo chuyên chế ở Châu Mỹ Latinh — như Getúlio Vargas ở Brazil, Lázaro Cárdenas ở Mexico, và sau này là Juan Perón ở Argentina — cho rằng chìa khóa để giải quyết các vấn đề của khu vực là công nghiệp hóa. Từ thời thuộc địa, khu vực này chủ yếu sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong khi nhập khẩu hầu hết hàng công nghiệp. Vào những năm 1930, nhiều chính trị gia và trí thức coi đây là một cấu trúc thương mại bất công vì nó giữ cho khu vực này không công nghiệp hóa và do đó kém phát triển.
Các nhà lãnh đạo đã nỗ lực tái cân bằng mối quan hệ thương mại bằng cách áp dụng chính sách bảo hộ mạnh mẽ. Họ tin rằng nếu ngăn hàng nhập khẩu từ các đối tác công nghiệp, sản xuất trong nước sẽ phát triển. Chính phủ áp dụng chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI): tăng thuế quan, dựng rào cản lớn với đầu tư nước ngoài và tăng tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và tiện ích.
Những chính sách này giúp sản xuất công nghiệp tăng trưởng, nhưng đồng thời khiến ngành công nghiệp Châu Mỹ Latinh trở nên kém cạnh tranh và nuôi dưỡng tham nhũng. Đến thập niên 1960, hậu quả trở nên rõ ràng: lạm phát tăng vọt với mức hàng năm cao gấp 3 lần mức bình quân của thế giới, ngân sách chính phủ thâm hụt nghiêm trọng và ngành công nghiệp nội địa không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu — cả về giá lẫn chất lượng.
Nguyên nhân rất rõ: khi nhà nước bảo vệ các doanh nghiệp khỏi cạnh tranh, chẳng hạn thông qua các rào cản thương mại, họ không còn động lực đổi mới, tiết giảm chi phí hay ứng dụng công nghệ tiên tiến. Như nhà khoa học chính trị Gustavo Flores-Macías gần đây đã nhận định, “Chính sách thay thế nhập khẩu (ISI) đã tạo ra sự tự mãn.” Khu vực này đã rơi vào một cái bẫy: sản xuất công nghiệp gia tăng, nhưng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp lại suy giảm, khiến các nền kinh tế địa phương mất đi nguồn thu ngoại tệ.
Ngay cả vào thời kỳ đỉnh cao của chính sách thay thế nhập khẩu, ngành công nghiệp được bảo hộ của khu vực này cũng không thể tồn tại nếu thiếu hàng nhập khẩu. Các nhà máy vẫn cần nhập khẩu máy móc và linh kiện, nhưng các doanh nghiệp không thể huy động đủ vốn để mua vì họ thiếu nguồn thu từ xuất khẩu. Nhà nước buộc phải can thiệp bằng cách gia tăng trợ cấp. Việc chi tiêu công gia tăng này đã đẩy các quốc gia vào khủng hoảng tài chính kéo dài.
Do đó, chủ nghĩa bảo hộ không chỉ dẫn đến lạm phát phi mã trong ngắn hạn vì loại bỏ hàng nhập khẩu giá rẻ, mà còn tạo điều kiện để lạm phát kéo dài: việc bảo vệ các doanh nghiệp nội địa khỏi cạnh tranh đã khuyến khích tình trạng đội giá và làm thâm hụt ngân sách ngày càng tăng – điều mà các chính phủ chỉ có thể duy trì bằng cách in tiền. Tiền lương mất giá nhanh chóng. Mặc dù công nhân có thể tìm được việc làm trong ngành công nghiệp nội địa, họ lại gặp khó khăn trong việc chi trả cho hàng tiêu dùng sản xuất trong nước.
Cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích
Hệ quả chính trị của chính sách thay thế nhập khẩu còn nghiêm trọng hơn. Các chính sách bảo hộ tất yếu đòi hỏi phải có thêm các cơ quan hành chính mới để thực thi, nhằm xác định sản phẩm nào từ quốc gia nào sẽ chịu mức thuế hay giấy phép nhập khẩu ra sao. Nhiều quyết định trong số đó mang tính tùy tiện — hoặc ít nhất là không bị ràng buộc bởi quy tắc hay tiêu chuẩn rõ ràng.
Các chi tiết về giấy phép, mức thuế và loại hàng chịu thuế thường được sắp đặt trong các thỏa thuận ngầm giữa quan chức và các doanh nghiệp tư nhân có lợi ích trong việc bảo hộ được áp dụng như thế nào và khi nào. Các công ty tư nhân tập trung nguồn lực vào việc vận động hành lang chính phủ để được bảo vệ nhiều hơn, chẳng hạn như áp mức thuế cao hơn đối với đối thủ cạnh tranh, hoặc xin giấy phép nhập khẩu đặc biệt nếu họ cần nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất thành phẩm. Đổi lại, họ đưa ra các “lợi ích” như hối lộ, đóng góp cho chiến dịch tranh cử, hoặc ủng hộ chính trị. Tóm lại, chủ nghĩa bảo hộ đã dẫn đến tham nhũng trên quy mô lớn.
Nó cũng cản trở sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các nền kinh tế ở Mỹ Latinh trong thế kỷ XX đã chuyển từ mô hình khai thác tài nguyên của tầng lớp thiểu số sang mô hình thân hữu do nhà nước dẫn dắt, hay còn gọi là “tìm kiếm địa tô” (rent seeking). Mặc dù khu vực tư nhân dưới chính sách ISI vẫn có lãi ở mức nào đó, nhưng phần lớn lợi nhuận phụ thuộc vào các đặc quyền từ nhà nước chứ không phải do cạnh tranh thị trường. Các doanh nghiệp dành nguồn lực không phải cho đổi mới sáng tạo mà để vận động hành lang; cạnh tranh giữa các công ty không diễn ra trên thị trường mà trong các cuộc thương lượng kín sau hậu trường.
Khi các nền kinh tế chính trị ở Mỹ Latinh ngày càng phụ thuộc vào những thỏa thuận ngầm, tránh khỏi tầm mắt của công chúng, các tiến trình dân chủ dần suy yếu, và trong một số trường hợp, toàn bộ hệ thống đã sụp đổ. Lạm phát không ngừng gia tăng dẫn đến bất ổn lao động; còn tình trạng “tìm kiếm địa tô” ngày càng trầm trọng kéo theo những yêu sách leo thang đối với nhà nước để đổi lấy thêm đặc quyền. Hệ thống không còn khả năng đáp ứng. Năm 1973, nhà xã hội học Argentina Guillermo O’Donnell trở nên nổi tiếng khi nhận ra rằng cuộc khủng hoảng do áp lực ngày càng lớn từ cả giới lao động lẫn giới kinh doanh – mà ông gọi là “giai đoạn kiệt sức” của ISI – đang dẫn đến một hệ quả không thể tránh khỏi: quân đội can thiệp để chấm dứt tình trạng hỗn loạn. Trong những năm 1960 và 1970, các cuộc đảo chính quân sự tại Argentina, Brazil, Chile, Peru và Uruguay đã mở đường cho nhiều năm độc tài.
Ngay cả dưới chính quyền quân sự mới, chính sách ISI vẫn tiếp tục ở khắp nơi, ngoại trừ Chile, và các chính phủ tiếp tục tích lũy thêm tình trạng quan liêu, nợ nần và thâm hụt ngân sách. Để mô tả các chính quyền quân sự trong thập niên 1960 và 1970 này, O’Donnell đã đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa độc tài quan liêu.” Ngành công nghiệp nội địa ngày càng kém hiệu quả hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào các đặc ân của nhà nước. Tham nhũng và lạm phát bùng nổ cho đến đầu thập niên 1980. Tình trạng nghèo đói không thuyên giảm. Những doanh nghiệp có quan hệ chính trị vững chắc vẫn thu lợi nhuận, trong khi phần còn lại của xã hội phải gánh chịu hậu quả ăn mòn của lạm phát. Bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Tại các quốc gia mà dân chủ vẫn tồn tại song song với chủ nghĩa bảo hộ – như Venezuela trong những năm 1970 và 1980 – sự bất mãn của công chúng với hệ thống tham nhũng đã dẫn đến sự ủng hộ rộng rãi dành cho các phong trào cấp tiến. Tâm lý đó đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của chính phủ cánh tả dưới thời Hugo Chávez, người nắm quyền tại Venezuela từ năm 1999 đến 2013. Chávez cũng dựa vào chủ nghĩa bảo hộ để tranh thủ sự ủng hộ của giới doanh nghiệp.
Cuối cùng, dưới chế độ bảo hộ, điều gì đó phải sụp đổ. Khi Hoa Kỳ tăng lãi suất vào cuối những năm 1970, hệ thống công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu của Mỹ Latinh đã sụp đổ. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc các chính phủ không thể tiếp tục trả nợ, và các ngân hàng tư nhân cũng không thể thay thế bộ máy nhà nước để trợ cấp cho nền kinh tế ở mức độ như trước. Tín dụng sụt giảm nghiêm trọng. Một cuộc suy thoái bắt đầu. Các ngân hàng tư nhân sụp đổ hoặc đối mặt với khủng hoảng lớn như các đợt rút tiền hàng loạt. Chính phủ không thể vay tiền trong hay ngoài nước để cứu các ngân hàng hoặc đáp ứng nghĩa vụ nợ, chứ chưa nói đến việc chi tiêu để vượt qua suy thoái. Kết quả là cuộc khủng hoảng nợ năm 1982, kéo dài suốt một thập kỷ đối với Mỹ Latinh và, trong một số trường hợp, kéo dài đến hai thập kỷ.
Bảo vệ người trong cuộc
Chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp như những người ủng hộ nó thường rao giảng. Nó dẫn đến công nghiệp hóa ở Mỹ Latinh chỉ vì khu vực này hầu như chưa có nền công nghiệp trước đó. Hệ quả rõ ràng hơn của nó là sự tàn phá các cơ chế thị trường, với sự trỗi dậy của những doanh nghiệp không phải cạnh tranh; các méo mó vĩ mô dưới dạng lạm phát và nợ nần; và sự củng cố quyền lực của một nhà nước tùy tiện kéo dài.
Tại Hoa Kỳ hiện nay, sự suy giảm ngành sản xuất không phải do mất cân bằng thương mại, mà chủ yếu bắt nguồn từ các xu hướng dài hạn như việc sản xuất theo chuỗi cung ứng. Ngành sản xuất hiện đại ngày nay chủ yếu là lắp ráp các sản phẩm từ nhiều bộ phận trung gian khác nhau. Nhiều linh kiện này có thể được mua với giá cạnh tranh từ các nhà cung cấp nhỏ nằm trong các trung tâm sản xuất trên khắp thế giới. Những trung tâm quốc tế này không tồn tại trước thập niên 1990, khi hầu hết hoạt động sản xuất còn tập trung vào một vài quốc gia.
Ngoài ra, sự phi công nghiệp hóa ở Mỹ còn do những thay đổi về công nghệ sản xuất, hạn chế về giáo dục, và cấu trúc thuế khiến các bang không thể tạo ra nguồn thu để tái đào tạo người lao động. Không vấn đề nào trong số này có thể được giải quyết bằng chủ nghĩa bảo hộ.
Thay vào đó, chủ nghĩa bảo hộ làm biến dạng chủ nghĩa tư bản và làm suy yếu nền dân chủ. Nó khiến người tiêu dùng tức giận vì lạm phát và thiếu sự lựa chọn. Nó khiến các công ty tư nhân kém cạnh tranh hơn và tham nhũng hơn. Việc vận động nhà nước để được ưu đãi thương mại trở thành trò chơi chủ đạo. Điều này đã bắt đầu xảy ra ở Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump, khi các công ty nộp hơn 100.000 đơn xin miễn trừ thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu. Giờ đây khi thuế quan tiếp tục tăng, những đơn xin miễn trừ này chắc chắn sẽ còn gia tăng, trao cho chính quyền Trump nhiệm kỳ hai thêm nhiều cơ hội để thương lượng các thỏa thuận đặc biệt với các công ty tư nhân.
Tóm lại, chủ nghĩa bảo hộ trao cho nhà nước quá nhiều quyền can thiệp tùy tiện vào thị trường, từ đó tạo ra thêm nhiều nền tảng cho việc trao đổi các đặc quyền chính trị. Đây không phải là con đường dẫn đến tái sinh doanh nghiệp, mà là con đường đi đến sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản và quản trị minh bạch.
Tại một khu ổ chuột ở vùng ngoại ô San Miguel de Tucumán, Argentina, tháng 1 năm 1999. Ảnh: Reuters