
Chênh lệch giàu nghèo đã bắt đầu hình thành từ thời tiền sử cách đây hơn 10.000 năm, và dần gia tăng sau sự xuất hiện của nền nông nghiệp, do sự tăng dân số và phức tạp hóa xã hội.
Theo một nghiên cứu mới do nhà khảo cổ Tim Kohler thuộc Đại học Bang Washington dẫn đầu, bất bình đẳng về của cải đã ảnh hưởng đến xã hội loài người từ hơn 10 thiên niên kỷ trước, tức từ rất lâu trước khi các đế chế cổ đại hình thành hay chữ viết ra đời (invention of writing).
Nghiên cứu này được công bố trong số chuyên đề của Proceedings of the National Academy of Sciences, do Kohler và nhà khảo cổ Amy Bogaard của Đại học Oxford đồng biên tập, đã thách thức quan điểm lâu nay rằng sự bất bình đẳng của cải chỉ xuất hiện cùng với sự trỗi dậy của các nền văn minh lớn như Ai Cập hay Lưỡng Hà.
Bằng cách phân tích dữ liệu từ hơn 47.000 công trình cư trú tại 1.100 địa điểm khảo cổ trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu dùng diện tích nhà ở làm thước đo của cải. Kết quả cho thấy bất bình đẳng bắt đầu gia tăng khoảng 1.500 năm sau khi nông nghiệp ra đời, chủ yếu do dân số tăng, cạnh tranh đất đai và sự hình thành các cộng đồng phân theo giai tầng (hierarchical communities) ngày càng rõ rệt.
“Rất nhiều người hình dung xã hội sơ khai là bình đẳng (egalitarian), nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bất bình đẳng đã bén rễ từ rất sớm,” Kohler nói. “Sự chuyển biến này không xảy ra đột ngột mà dần dần theo đà mở rộng xã hội, tăng trưởng dân số và nguồn lực trở nên khan hiếm hơn.”
Nông nghiệp, đổi mới và phân tầng xã hội
Nghiên cứu nhấn mạnh nhiều yếu tố chính góp phần tạo nên bất bình đẳng. Khi các cộng đồng nông nghiệp phát triển, đất đai trở thành tài nguyên hữu hạn, dẫn đến cạnh tranh và buộc con người phải phát minh ra các công nghệ như canh tác bậc thang và tưới tiêu (terracing and irrigation) để tăng năng suất. Dần dần, các khu định cư lớn xuất hiện và trở thành trung tâm kinh tế, chính trị — nơi của cải bắt đầu tập trung vào tay một số ít hộ gia đình.
Một phát hiện quan trọng là bất bình đẳng đã xuất hiện trước cả khi có chữ viết (wealth inequality predates written records), với bằng chứng cho thấy sự chênh lệch tồn tại ngay cả trong những cộng đồng nông nghiệp sơ khai nhất. Khi áp dụng hệ số Gini — thước đo tiêu chuẩn cho sự bất bình đẳng — vào kích thước nhà cổ, nhóm nghiên cứu phát hiện các làng nông nghiệp ban đầu khá bình đẳng, nhưng khi các khu dân cư ngày càng lớn và phức tạp hơn, sự chênh lệch kinh tế cũng ngày càng rõ rệt.
Nghiên cứu cũng phản bác quan điểm rằng các xã hội tiền công nghiệp chỉ sống ở mức cầm chừng. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu phát hiện của cải tích lũy dần và công nghệ phát triển không ngừng qua nhiều thiên niên kỷ.
Công nghệ và tác động không đồng đều
Các nhà nghiên cứu nhận thấy các xã hội nông nghiệp sơ khai thường tiến hành xây bậc thang, thoát nước đầm lầy hoặc tạo hệ thống tưới tiêu để tăng sản lượng. Dù các công nghệ này giúp nâng cao năng suất, chúng cũng tăng khoảng cách giữa người nắm tài nguyên và người không có.
Điều thú vị là nghiên cứu cho thấy một số đổi mới như luyện sắt có thể giúp giảm bất bình đẳng bằng cách tăng khả năng tiếp cận công cụ và tài nguyên cho tầng lớp thấp hơn. Phát hiện này thách thức giả định rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích cho tầng lớp tinh hoa.
Kohler cũng lưu ý rằng các yếu tố như hệ thống chính quyền lớn hoặc mạng lưới xã hội hợp tác có thể đóng vai trò giảm nhẹ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng theo thời gian.
“Đây không chỉ là vấn đề hiện đại,” Kohler nói. “Hiểu được nguồn gốc của bất bình đẳng giúp chúng ta nhận ra rằng đây là một thách thức lâu dài mà xã hội loài người đã phải đối mặt suốt hàng ngàn năm. Quá khứ có thể dạy chúng ta rất nhiều về cách ứng xử với vấn đề này ngày nay.”
Nghiên cứu là kết quả hợp tác giữa 27 nhà khoa học từ nhiều viện nghiên cứu trên thế giới, được điều phối bởi Coalition for Archaeological Synthesis — một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổng hợp dữ liệu khảo cổ để phục vụ khoa học và xã hội. Bằng cách tập trung vào giai đoạn trước khi có văn tự, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống quan trọng trong hiểu biết về quá trình tiến hóa xã hội — từ các nhóm săn bắt hái lượm (hunter-gatherer groups) bình đẳng đến các cộng đồng phân tầng phức tạp.
“Những mô hình này đã được khắc sâu trong lịch sử của chúng ta,” Kohler chia sẻ. “Nhưng bằng cách nghiên cứu chúng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn hệ quả của chúng trong tương lai. Nếu ta hiểu được bất bình đẳng đã hình thành và phát triển thế nào, có lẽ ta sẽ tìm ra cách giảm thiểu tác động của nó ngày nay.”
Ảnh minh họa. Một nghiên cứu toàn cầu mới tiết lộ rằng bất bình đẳng của cải đã bắt đầu từ hơn 10.000 năm trước và gia tăng dần theo sự phát triển của nông nghiệp, tăng trưởng dân số và sự hình thành các khu định cư có cấu trúc phân giai tầng xã hội.