
Bố mẹ bạn “gần gũi” với nhau, và chín tháng sau, bạn chào đời (xin lỗi vì hình ảnh đó). Nhưng bạn có biết rằng nhiệt độ vào thời điểm bố mẹ bạn “gần gũi” (your parents’ hanky-panky) có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của bạn suốt đời không?
Đó là điều mà một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại Đại học Tokyo, Nhật Bản chỉ ra.
Họ đã tính toán mùa mà 642 người trưởng thành Nhật Bản được thụ thai và phát hiện rằng những người được thụ thai vào mùa lạnh có xu hướng có chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) thấp hơn, ít mỡ bụng hơn và trao đổi chất nhanh hơn so với những người được thụ thai vào mùa hè.
Tất cả đều liên quan đến mỡ nâu – một loại mỡ có khả năng đốt năng lượng ngay cả khi chúng ta nghỉ ngơi, giữ ấm cho cơ thể trong mùa lạnh và giúp điều hòa lượng đường trong máu.
“Những người được thụ thai vào mùa lạnh thường có mỡ nâu hoạt động mạnh hơn khi trưởng thành, giúp đốt cháy calo và tạo nhiệt,” tác giả chính Takeshi Yoneshiro, phó giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Tohoku, nói với BBC Science Focus.
Nếu chúng ta có mỡ nâu hoạt động mạnh, cơ thể sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn ngay cả khi đang nghỉ, điều này có thể đồng nghĩa với tốc độ trao đổi chất cao hơn so với người có ít mỡ nâu hoạt động.
Giáo sư Jaswinder Sethi, chuyên gia về miễn dịch và trao đổi chất tại Đại học Southampton (không tham gia vào nghiên cứu), nói với BBC Science Focus: “Chức năng chính của mỡ nâu là tạo nhiệt và giữ ấm cơ thể. Nhưng hoạt động của mỡ nâu cũng góp phần lớn vào việc tiêu hao năng lượng, giúp giảm lượng mỡ cần lưu trữ, từ đó phòng tránh thừa cân, béo phì và các bệnh chuyển hóa.”
Yoneshiro giải thích rằng sự tiếp xúc với môi trường lạnh của cha mẹ có thể gây ra thay đổi ngoại di truyền – tức là những thay đổi trong cách biểu hiện của gen – dẫn đến việc con cái có nhiều mỡ nâu hơn, giúp họ thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh.
“Ngày nay, với hệ thống sưởi và điều hòa, hệ thống trao đổi chất này dường như vẫn hữu ích để điều chỉnh cân bằng năng lượng và phòng ngừa bệnh lý chuyển hóa,” Yoneshiro nói.
Tuy nhiên, Sethi lưu ý: “Cần lưu ý rằng, giống như hầu hết các biến thể di truyền liên quan đến béo phì, những thay đổi này chỉ làm tăng nguy cơ có chuyển hóa khác biệt, chứ không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến bệnh.”
Còn tiến sĩ Adam Collins, phó giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Surrey (cũng không tham gia nghiên cứu), cho rằng vai trò của mỡ nâu trong điều chỉnh trao đổi chất có thể không lớn như vậy.
“Không hẳn những người có nhiều mỡ nâu sẽ có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn,” ông nói.
“Họ có lẽ chỉ đơn giản là chịu lạnh tốt hơn, vì mỡ nâu dùng năng lượng để tạo nhiệt – điều mà ai cũng cho là tuyệt – nhưng mục đích là tạo nhiệt, không phải đốt calo vô ích.”
Nghiên cứu này chỉ mang tính quan sát, không thể khẳng định rằng “yêu vào mùa đông” (winter loving) khiến con cái có tốc độ trao đổi chất nhanh hơn.
Nhưng Yoneshiro cho biết: “Nếu có thể tái tạo tác động này bằng các kích thích khác, chúng ta có thể phát triển các biện pháp can thiệp có mục tiêu để tăng khả năng chuyển hóa cho thế hệ tương lai.”
Cơ thể chúng ta sử dụng mỡ trắng để lưu trữ năng lượng, nhưng mỡ nâu tiêu thụ dưỡng chất để giữ ấm. Ảnh: Getty Images