Khi biện minh cho tuyên bố áp thuế mới nhất, Tổng thống Donald Trump than phiền về thâm hụt thương mại không công bằng, nói rằng Mỹ đã bị các quốc gia khác “cướp bóc, tàn phá, hãm hiếp, cướp phá” suốt hàng thập kỷ.
Ông đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã lợi dụng Hoa Kỳ thông qua các hiệp định thương mại không công bằng, chỉ trích mức thuế cao của Canada đối với sữa Mỹ là không thể chấp nhận được, và phê phán Campuchia vì áp thuế quá mức và hưởng lợi từ Mỹ suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều ông thường xuyên bỏ qua trong các lời chỉ trích là khoản thặng dư thương mại mà Mỹ được hưởng từ ngành dịch vụ.
Dịch vụ chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ. Lĩnh vực này bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như giáo dục, y tế, du lịch và khách sạn, dịch vụ tài chính, truyền thông và giải trí, bảo hiểm, bảo trì và sửa chữa, và thu phí sử dụng tài sản trí tuệ, v.v.
Theo các nhà kinh tế học, xuất khẩu dịch vụ đóng góp khoảng 25% nền kinh tế Mỹ.
“Mỹ có lợi thế so sánh mạnh trong một số ngành dịch vụ lớn như giáo dục, y tế, tài chính, luật, kế toán và giải trí. Đó là lý do dẫn đến thặng dư thương mại,” Gary Huffbauer, chuyên gia cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết.
Năm 2023, Mỹ xuất khẩu dịch vụ trị giá 1.020 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước, trong khi nhập khẩu dịch vụ trị giá 748,2 tỷ USD, tăng 5%. Kết quả là thặng dư thương mại dịch vụ đạt 278 tỷ USD – một xu hướng đã kéo dài ít nhất hai thập kỷ.
“Trump có thể không biết về khoản thặng dư thương mại dịch vụ này, nhưng có khả năng là ông nghĩ rằng sẽ được ủng hộ nhiều hơn khi chỉ nói đến thâm hụt hàng hóa sản xuất,” Huffbauer nói thêm, dẫn ví dụ về công nhân ngành ô tô mà Trump mời tham gia sự kiện công bố chính sách thuế hôm thứ Tư như một biểu tượng của sự ủng hộ từ tầng lớp lao động Mỹ.
Rachel Ziemba, nhà kinh tế học và chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cũng đồng tình rằng thật “khó hiểu” khi Trump chưa từng nhắc đến con số này.
“Trong nhiệm kỳ đầu, ông ấy cũng như vậy, xem nhẹ dịch vụ, dù bản thân ông dành cả sự nghiệp trong ngành dịch vụ,” Ziemba nói, ám chỉ đến các lĩnh vực bất động sản, du lịch và giải trí của Trump – tất cả đều thuộc ngành dịch vụ.
Bottom of Form
Top of Form
Theo Ziemba, việc Trump tập trung vào hàng hóa phản ánh thực tế rằng sản xuất có vai trò quan trọng với nền tảng công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, và việc mất đi quá nhiều năng lực sản xuất sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
“Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ông ấy không nhìn vào bức tranh toàn cảnh và cách các chính sách của mình đang đặt ngành dịch vụ vào tình thế rủi ro. Thêm vào đó, việc cắt giảm đầu tư nghiên cứu sẽ làm suy yếu ngành sản xuất tiên tiến. Cả đội ngũ của ông ấy đều đánh giá thấp vai trò của dịch vụ,” Ziemba nói.
Dễ bị trả đũa
Thực tế là phần lớn cử tri của Trump sống ở vùng vành đai sản xuất – nơi công ăn việc làm và cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề do các nhà máy đóng cửa khi sản xuất chuyển ra nước ngoài với chi phí rẻ hơn. Đây cũng là lý do mà Trump đưa ra khi tập trung vào mất cân bằng thương mại.
Việc tập trung vào sản xuất hơn là dịch vụ, theo Huffbauer, cho thấy Trump đang “dựa vào phán đoán của mình về nơi có thể huy động được sự ủng hộ chính trị.”
Việc thiếu hụt năng lực sản xuất trong nước và chuỗi cung ứng cũng bộc lộ rõ trong đại dịch COVID, khi thương mại toàn cầu gần như ngừng trệ và chỉ khôi phục chậm chạp khi biên giới quốc tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi thực tế rằng chính sách thuế cứng rắn mới nhất của Trump sẽ khiến ngành dịch vụ Mỹ dễ bị tổn thương trước biện pháp trả đũa.
Các quốc gia khác có thể từ chối cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp Mỹ, hoặc đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số, theo ông Huffbauer. Họ cũng có thể tạm thời đình chỉ bản quyền, quyền thương hiệu và bằng sáng chế, hoặc cấm thanh toán tiền bản quyền.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã nỗ lực để đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài và bảo vệ tài sản trí tuệ cho các công ty dịch vụ của mình.
“Một số quốc gia từng tìm cách hạn chế sự phổ biến của giải trí Hollywood bằng cách áp hạn ngạch chiếu phim và các biện pháp khác. Trước đây, các biện pháp đó không mấy thành công. Nhưng lần này họ có thể áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn,” Huffbauer nói.
“Các công ty công nghệ và dịch vụ của Mỹ có thể mất thị trường và giá trị cổ phiếu vì cuộc chiến thuế của Trump,” ông nói thêm.
Mặc dù hiện tại có thể chưa có giải pháp thay thế quy mô lớn cho phần mềm Mỹ, nhiều quốc gia đã áp dụng các loại thuế như thuế dịch vụ kỹ thuật số và yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước – dù phần lớn những quy định đó xuất phát từ mối quan tâm về quyền riêng tư hơn là thu thuế.
Một số khu vực trên thế giới đã bắt đầu có xu hướng “ưu tiên hàng nội” – thậm chí tẩy chay hàng Mỹ – và điều đó có thể được hợp thức hóa qua chính sách của chính phủ.
Tuy nhiên, Ziemba cảnh báo rằng nếu bất kỳ quốc gia nào áp dụng thuế đối với các dịch vụ của Mỹ, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị phản tác dụng – khi chi phí tăng đối với người tiêu dùng trong nước và khiến Trump trả đũa mạnh hơn.
Tổng thống Donald Trump áp thuế “có đi có lại” với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ. Ảnh: AFP