Nhật Bản hôm thứ Hai thông báo quyết định bơm thêm hơn 5 tỷ USD vào Rapidus, công ty liên doanh sản xuất chất bán dẫn đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip thế hệ mới trong nước từ năm 2027.
Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết họ sẽ cung cấp 802,5 tỷ yen (5,4 tỷ USD) cho Rapidus, công ty liên doanh có sự tham gia của Sony, Toyota, IBM và các đối tác khác.
Với khoản đầu tư mới này, tổng số tiền hỗ trợ từ chính phủ dành cho Rapidus – công ty dự kiến bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại nhà máy ở Hokkaido vào tháng 4 – sẽ đạt 1,7 nghìn tỷ yen, theo bộ này.
Nhu cầu toàn cầu đối với các loại chip tiên tiến, tiết kiệm năng lượng dự kiến sẽ bùng nổ khi công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Đảm bảo nguồn cung chip ổn định đã trở thành một vấn đề kinh doanh và an ninh quốc gia đối với Nhật Bản, quốc gia từng thống trị ngành công nghiệp phần cứng vào những năm 1980.
Rapidus đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip logic sử dụng công nghệ hai nanomet, cột mốc tiếp theo trong ngành bán dẫn với số lượng bóng bán dẫn siêu nhỏ ngày càng gia tăng.
Nhật Bản từng nắm giữ một nửa thị phần toàn cầu về vi mạch từ những năm 1980 đến đầu thập niên 90, với các tập đoàn như NEC và Toshiba dẫn đầu. Tuy nhiên, hiện tại, thị phần của nước này chỉ còn khoảng 10%, dù vẫn giữ vị thế quan trọng trong lĩnh vực thiết bị và vật liệu sản xuất chip.
Chủ tịch Rapidus, ông Tetsuro Higashi, nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái rằng dự án này là “cơ hội cuối cùng” để đưa ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản trở lại bản đồ thế giới.
“Nhật Bản đã tụt hậu hơn một thập kỷ so với các nước khác. Chỉ riêng việc bắt kịp cũng đã đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ,” ông nói.
Chất bán dẫn, vốn cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại di động đến ô tô, đã trở thành tâm điểm cạnh tranh thương mại trong những năm gần đây.
Trong khi đó, tập đoàn chip khổng lồ Đài Loan TSMC đang chịu áp lực phải đa dạng hóa sản xuất khi khách hàng và chính phủ lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tấn công hòn đảo này.
Năm ngoái, TSMC đã khánh thành nhà máy trị giá 8,6 tỷ USD ở miền nam Nhật Bản và đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở thứ hai trị giá 20 tỷ USD để sản xuất các loại chip tiên tiến hơn.
Nhà máy của Rapidus. Ảnh: AFP