Tổng thống cho rằng thuế quan là “thứ vĩ đại nhất từng được phát minh” – nhưng cuộc chiến thương mại của ông dường như dựa trên sự tuỳ tiện và cảm tính
Tôi đã viết về ngành sản xuất tại Mỹ từ những năm 1980, và thật đau lòng khi phải đưa tin về hàng chục nhà máy đóng cửa cùng những thiệt hại mà chúng gây ra cho người lao động và các cộng đồng địa phương. Khi đất nước cố gắng tìm cách làm chậm lại làn sóng đóng cửa này, tôi cũng đã viết về việc Washington sử dụng các biện pháp thương mại có tính toán (carefully employed trade measures), như các mức thuế quan có mục tiêu, và cách chúng đã giúp cứu một số nhà máy và việc làm, đặc biệt trong ngành thép.
Những mức thuế quan có mục tiêu được tính toán kỹ lưỡng có thể là một chiến lược thành công, nhưng nỗi ám ảnh của Donald Trump với thuế quan – đặc biệt là các mức thuế đồng loạt, thiếu thận trọng và thiếu chọn lọc – đã cho thấy rõ đây là một chiến lược “từ thua đến thua (a lose-lose strategy)”. Có lẽ gọi đây là “chiến lược” còn là quá hào phóng, vì những gì tổng thống đang làm dường như dựa trên sự tuỳ tiện và cảm hứng nhất thời, chứ không phải là một kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng.
Trump giống như thợ săn nghiệp dư với khẩu súng săn của mình, bắn lung tung: hôm nay là Canada, ngày mai là Trung Quốc và có thể là đất nước sản xuất Champagne vào ngày kia, với các mức thuế được áp đặt một ngày, tạm hoãn ngày hôm sau rồi lại tái áp đặt vài ngày sau đó – nhưng chờ đã, những mức thuế tái áp đặt đó có thể lại bị huỷ bỏ vào tuần tới. Đó là một “chiến lược” của sự hỗn loạn và thất thường, thậm chí có phần cay nghiệt.
Vì quá ám ảnh với thuế quan, Trump gọi thuế quan là “thứ tuyệt vời nhất từng được phát minh” và là “từ đẹp nhất trong từ điển.” Ông ta nói như thể thuế quan sẽ tạo ra một thiên đường kinh tế, nhưng điều ngược lại đang xảy ra. Thị trường chứng khoán lao dốc, niềm tin của doanh nghiệp sụt giảm, người tiêu dùng lo sợ giá cả tăng cao và các nhà kinh tế cảnh báo những biện pháp này có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.
Hãy cùng điểm qua những lý do vì sao thuế quan của Trump là một canh bạc “từ thua đến thua.”
Thứ nhất, vào thời điểm người dân Mỹ vẫn còn bị tổn thương bởi lạm phát thời kỳ đại dịch, các mức thuế – vốn thực chất là một loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu – chắc chắn sẽ đẩy giá cả tăng cao. Thuế quan của Trump sẽ tác động nặng nề nhất đến những người Mỹ có thu nhập thấp vì họ dành tỷ lệ lớn thu nhập của mình cho quần áo và các mặt hàng nhập khẩu khác. Nhiều người trong số họ từng bỏ phiếu cho Trump, tin vào lời hứa rằng ông sẽ giảm giá cả.
Thứ hai, dù Trump khoe khoang rằng thuế quan sẽ làm cho ngành công nghiệp Mỹ “vĩ đại trở lại”, nhưng thật khó để tin rằng thuế quan của ông sẽ tạo ra nhiều động lực cho sản xuất. Trump dường như quên mất rằng nếu muốn thuyết phục các tập đoàn xây dựng nhà máy mới – trong trường hợp này là đưa các hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở lại Mỹ – thì cần phải đảm bảo cho các giám đốc điều hành doanh nghiệp về sự ổn định kinh tế và chính sách. Nhưng điều đó hoàn toàn trái ngược với phong cách của Trump, “hoàng đế của hỗn loạn (emperor of chaos).”
Nếu bạn là một CEO, liệu bạn có dám chi 200 triệu USD để xây một nhà máy mới tại Mỹ chỉ vì thuế quan của Trump, khi biết rằng Trump có thể dỡ bỏ thuế vào ngày mai, hai tuần nữa, hoặc bất kỳ khi nào có một lãnh đạo nước ngoài tâng bốc ông hoặc hứa để Eric và Don Jr (hai con trai của Trump) xây khách sạn Trump tại một khu nghỉ dưỡng ven biển đẹp đẽ ở quốc gia họ?
Trump muốn hàng trăm công ty xây dựng nhà máy mới tại Mỹ, nhưng với chính sách thuế “sáng nắng chiều mưa (on-again-off again)”, ông đã khiến nhiều CEO – những người luôn khao khát sự ổn định – cảm thấy quá sợ hãi để đầu tư xây dựng. Hơn nữa, nếu Trump muốn thu hút các ngành công nghiệp và việc làm của tương lai, thì ông đang tự bắn vào chân mình – và vào nước Mỹ – với cuộc chiến mang tính ý thức hệ chống lại các ngành công nghiệp tương lai, bao gồm xe điện, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn. Trump thậm chí còn đe doạ xoá bỏ chương trình trợ cấp cực kỳ thành công của Biden được thiết kế nhằm xây dựng các nhà máy bán dẫn tiên tiến tại Mỹ.
Thứ ba, thuế quan của Trump đang làm suy yếu tăng trưởng kinh tế; ngay cả nhóm của Trump cũng thừa nhận nguy cơ suy thoái. Các mức thuế của ông đang phá hoại chuỗi cung ứng, làm gián đoạn sản xuất tại nhiều nhà máy. Các mức thuế vô tội vạ (scattershot tariffs) của ông khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại đến mức không dám đầu tư vào nhà máy và thiết bị mới, điều này cũng làm giảm tăng trưởng. Ngoài ra, nỗi lo lắng lan rộng rằng thuế quan sẽ đẩy lạm phát lên cao đã khiến niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mạnh. Điều đó có thể khiến chi tiêu tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế Mỹ – giảm theo.
Thứ tư, thuế quan của Trump đang gây tổn thương nặng nề cho nhiều ngành công nghiệp Mỹ. Các mức thuế 25% mà Trump áp lên thép và nhôm nhập khẩu sẽ làm tổn hại đến các nhà sản xuất ô tô Mỹ bằng cách tăng chi phí nguyên liệu đầu vào và khiến xe sản xuất tại Mỹ kém cạnh tranh hơn so với ô tô nước ngoài. Không chỉ vậy, các biện pháp trả đũa thương mại từ Canada, châu Âu và Trung Quốc đã và đang gây thiệt hại cho nhiều ngành công nghiệp Mỹ – bao gồm nông nghiệp, xe mô tô và rượu bourbon Kentucky – và điều này cũng sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Và đừng quên rằng thuế quan của Trump cũng đang gây thiệt hại cho các quốc gia bị nhắm đến, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của họ – và cả của nền kinh tế toàn cầu.
Thứ năm, một thiệt hại lớn khác là Trump, khi áp thuế lên Canada, Mexico và Liên minh châu Âu, đã khiến nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ phẫn nộ và xa lánh, chưa kể đến việc ông coi thường NATO và ngày càng gắn kết Mỹ với Nga. Bằng cách này, Trump có thể phá vỡ Liên minh Đại Tây Dương, tổ chức đã đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng – dù không hoàn hảo – kể từ sau Thế chiến II.
Thứ sáu, bất kỳ phân tích chi phí – lợi ích nào trung thực và công bằng cũng sẽ cho thấy thuế quan của Trump sẽ gây thiệt hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Mặc dù Trump nói rằng thuế quan của ông sẽ “tạo ra việc làm mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”, nhưng các nghiên cứu kinh tế cho thấy các mức thuế mà Trump áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên đã không làm tăng số lượng việc làm. Những mức thuế đó chỉ tạo ra một số ít việc làm trong một số ngành, nhưng các biện pháp trả đũa và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến nhiều ngành khác mất việc làm. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế tại MIT, Ngân hàng Thế giới, Harvard và Đại học Zurich kết luận rằng các mức thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump “không làm tăng hay giảm việc làm tại Mỹ” và “không mang lại lợi ích kinh tế cho các vùng Trung Tây nước Mỹ.”
Với việc các mức thuế của Trump thay đổi từng ngày, không thể dự đoán được chúng sẽ tạo ra hay phá huỷ bao nhiêu việc làm. Cho đến nay, thuế quan của ông đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất 4.000 tỷ USD giá trị, và con số đó có thể còn tăng. Nếu thuế quan của Trump tạo ra 100.000 việc làm – điều mà một số nhà kinh tế cho rằng là quá lạc quan – thì chi phí cho mỗi việc làm đó sẽ là 40 triệu USD (4.000 tỷ USD chia cho 100.000). Nếu chỉ tạo ra 10.000 việc làm, thì chi phí sẽ là 400 triệu USD cho mỗi việc làm.
Với việc các mức thuế của Trump làm chậm tăng trưởng kinh tế, nếu chúng khiến GDP hàng năm giảm 1 điểm phần trăm, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ mất đi 300 tỷ USD mỗi năm (1% của GDP trị giá 30 nghìn tỷ USD của quốc gia). Nếu các mức thuế của Trump tạo ra 100.000 việc làm, thì chi phí sẽ là 3 triệu USD cho mỗi việc làm. Hoặc nếu thuế quan của Trump đẩy lạm phát tăng thêm 1%, điều đó sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm khoảng 200 tỷ USD mỗi năm – đồng nghĩa với việc mỗi việc làm tạo ra sẽ tiêu tốn 2 triệu USD.
Với các mức thuế của mình, “Elmer Trump” dường như cũng đang trên đường vô tình bắn thẳng vào nền kinh tế Mỹ.
(*) Steven Greenhouse là nhà báo và tác giả chuyên viết về lao động, môi trường làm việc, cũng như các vấn đề kinh tế và pháp lý tại Hoa Kỳ.