Trong hơn một tháng qua, Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông đã quảng bá ngày 2 tháng 4 như một kiểu “Ngày Giải phóng” nước Mỹ khỏi tình trạng bị thế giới khai thác một cách vô lý bằng cách áp thuế đối ứng lên mọi quốc gia. Nhưng như nhiều lần trước đó, Trump dường như lại một lần nữa tạo ra nhiều sự phô trương mà ít hành động thực tế.
Theo Bloomberg và Wall Street Journal đưa tin cuối tuần qua, các quan chức trong chính quyền Trump đang cố gắng giảm bớt kỳ vọng rằng tất cả các mức thuế đã cam kết sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 2 tháng 4. Thay vào đó, chỉ một ít các mức thuế mới sẽ được công bố vào tuần tới, và có thể sẽ có thêm các đợt tiếp theo sau đó, mặc dù cả hai báo cáo đều cho biết tình hình vẫn còn thay đổi và quyết định cuối cùng có thể bị điều chỉnh.
Cổ phiếu Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai sau những bản tin này, khi các nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm vì các mức thuế khắc nghiệt nhất có thể sẽ không đến sớm như Phố Wall đã lo ngại. Chỉ số Dow Jones tăng 530 điểm, tương đương 1,27%. S&P 500 tăng 1,6% và Nasdaq Composite tăng 2%.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,32% khi các nhà đầu tư bán trái phiếu để chuyển sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, phản ánh tâm lý bớt lo lắng về tác động của các mức thuế mà Trump dự kiến áp dụng. Lợi suất và giá trái phiếu di chuyển theo hướng ngược nhau.
Chỉ số đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall mang tên Chỉ số Biến động Cboe (VIX) đã giảm 4,4% xuống mức thấp nhất trong tháng này.
Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng thứ Tư tới sẽ là “Ngày Giải phóng,” mang đến các mức thuế trả đũa lớn, tương ứng từng đô la với các loại thuế nhập khẩu từ các quốc gia khác. Ông cũng dự kiến sẽ áp dụng mức thuế 25% bị trì hoãn hai lần đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada. Trump còn hứa sẽ áp thuế lên nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ khắp nơi, bao gồm ô tô, dược phẩm, vi mạch, đồng, gỗ và nhiều sản phẩm khác.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal và Bloomberg, có vẻ như những mức thuế nhắm vào các sản phẩm cụ thể này sẽ không được ban hành vào ngày 2 tháng 4. Còn đối với mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, hiện vẫn chưa rõ liệu chúng sẽ được thực thi hay tiếp tục bị hoãn lại.
Một quan chức Nhà Trắng nói với CNN rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, và các mức thuế đối với các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau có thể sẽ hoặc sẽ không được công bố vào ngày 2 tháng 4.
Theo Bloomberg và Wall Street Journal, các mức thuế đối ứng sẽ được thực thi – có thể sớm nhất là vào tháng 4 – nhưng sẽ chỉ giới hạn ở khoảng một chục quốc gia. Những quốc gia đầu tiên đối mặt với các mức thuế đối ứng có thể là con số 15% các quốc gia mà Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nêu ra khi phát biểu trên Fox Business tuần trước – những quốc gia mà ông cho rằng liên tục đối xử không công bằng với Mỹ trong các hoạt động thương mại.
Theo Wall Street Journal, những đối tác thương mại này có thể bao gồm Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga và Việt Nam.
Mặc dù các mức thuế đối với những đối tác này có thể bao phủ phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, nhưng cách tiếp cận có chọn lọc này vẫn thể hiện một sự rút lui đáng kể so với những mức thuế khắc nghiệt nhất mà Trump đã hứa hẹn.
Chính quyền Trump đã chuẩn bị cho việc rút lui này trong nhiều ngày qua. Tại Phòng Bầu dục vào thứ Sáu, Trump đã gợi ý rằng chính quyền của ông sẽ cho phép có “sự linh hoạt” đối với thuế quan – dấu hiệu đầu tiên cho thấy khả năng có các trường hợp ngoại lệ sau khi ông từng cam kết rằng sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào.
Trump vẫn nói rằng ông lưỡng lự khi đưa ra các miễn trừ cho thuế quan, nhưng ông cũng thừa nhận trong quá khứ rằng các mức thuế áp dụng một cách quá mạnh tay đôi khi có thể gây tổn hại không cần thiết cho người Mỹ và lợi ích của Mỹ.
“Tôi không thay đổi. Nhưng từ ‘linh hoạt’ là một từ quan trọng,” Trump nói hôm thứ Sáu. “Sẽ có sự linh hoạt, nhưng về cơ bản đó là thuế trả đũa,” ông nói thêm, lưu ý rằng hầu hết các mức thuế sẽ chỉ đơn giản là đối ứng lại mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng, mà không có các trường hợp ngoại lệ.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Liên minh châu Âu hôm thứ Năm tuần trước đã hoãn các mức thuế trả đũa mà lẽ ra sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 khi các cuộc đàm phán tiếp tục. Mexico và Canada cũng đã trì hoãn kế hoạch trả đũa các mức thuế của Mỹ trong lúc các quan chức đang thương lượng.
Tuy nhiên, các mức thuế khi thì được áp dụng, khi thì bị hoãn của Trump đang khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác thương mại và người tiêu dùng cảm thấy “choáng váng”.
Lúc áp dụng, lúc hoãn bỏ
Trump từng vận động tranh cử với lời hứa áp mức thuế cao ngay từ ngày đầu tiên, nhưng ông đã không thực hiện lời hứa đó. Thay vào đó, vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông ký một loạt sắc lệnh hành pháp yêu cầu chính quyền của mình điều tra việc có nên áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa hay không. Tuy nhiên, Trump đã tuyên bố rằng mức thuế 25% đối với Canada và Mexico sẽ được áp dụng vào ngày 1 tháng 2.
Ngày 1 tháng 2 đến, nhưng thay vì các mức thuế đã hứa, Trump lại cho biết mức thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 4 tháng 2. Sau đó, ngay trước thềm ngày thực thi, Trump thông báo trì hoãn một tháng đối với các mức thuế áp lên Canada và Mexico, sau khi cả hai quốc gia này cử phái đoàn sang đàm phán, đưa ra những cam kết nhỏ về việc tăng cường an ninh biên giới và hứa sẽ hành động mạnh hơn nhằm hạn chế fentanyl vượt biên vào Mỹ.
Thuế đối với Trung Quốc đã có hiệu lực vào ngày 4 tháng 2 – nhưng không phải ở mức 60% như Trump đã hứa hồi tháng 12. Mức thuế 10% này đi kèm với một điều bất ngờ: việc loại bỏ quy định miễn trừ hàng giá trị nhỏ de minimis, một kẽ hở cho phép các hàng hóa có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế khi nhập cảnh. Những kiện hàng này rất nhiều và gây khó khăn cho các nhân viên hải quan trong việc kiểm tra và thu thuế.
Ngày hôm sau, Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) ngừng tiếp nhận tất cả các kiện hàng từ Trung Quốc vào Mỹ vì không thể tuân thủ chính sách thương mại mới. Nhưng chỉ vài giờ sau, quy định miễn trừ de minimis đã được khôi phục – tạm thời – cho đến khi Bộ Thương mại xác định cách thức quản lý quy định này.
Thế rồi, Trump lại hứa về một “động thái lớn”, như cách ông gọi: các mức thuế trả đũa hay đối ứng
Tuy nhiên, kế hoạch mà Trump công bố tại Phòng Bầu dục vào ngày 13 tháng 2 trong bối cảnh được truyền thông rầm rộ lại chỉ là một bản ghi nhớ mơ hồ, thiếu các chi tiết cụ thể. Cổ phiếu đã tăng mạnh trong ngày hôm đó khi các nhà đầu tư hoan nghênh chính sách thuế dường như theo kiểu “chó sủa ít cắn (a lot of bark with no bite)”.
Ngày 3 tháng 3, mức thuế 25% đối với Canada và Mexico chính thức có hiệu lực – nhưng chỉ kéo dài ba ngày. Ngày 6 tháng 3, Trump hoãn tất cả các mức thuế đối với các quốc gia láng giềng tuân thủ thỏa thuận thương mại USMCA.
Ngày 11 tháng 3, Trump đe dọa áp thuế 50% lên nhôm và thép của Canada nhưng đã rút lại ngay trong ngày sau khi tỉnh Ontario đồng ý tạm ngừng phụ phí 25% đối với điện xuất khẩu sang Michigan, Minnesota và New York. Tổng thống cũng từng đe dọa áp thuế lên đến 250% đối với sữa Canada, thuế trả đũa đối với gỗ xẻ của Canada và mức thuế 200% đối với rượu của châu Âu. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng của những lời đe dọa này ra sao.
Trump đã thực hiện việc áp thuế lên tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào ngày 12 tháng 3, mặc dù mức thuế này không tăng nhiều so với những gì đã áp dụng trước đó.
Việc lật tới lật lui như vậy đã gây ra tình trạng biến động trên Phố Wall, khiến người tiêu dùng hoang mang và tạo ra sự bất định lớn cho các doanh nghiệp, những đơn vị đang bị “tê liệt” vì không thể lên kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Trump tuyên bố áp thuế 25% với quốc gia nào mua dầu Venezuela
Cũng liên quan đến chính sách thuế, Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai cho biết ông sẽ áp mức thuế 25% đối với bất kỳ quốc gia nào mua dầu từ Venezuela.
“Venezuela đã thể hiện thái độ rất thù địch với Hoa Kỳ và các giá trị Tự do mà chúng ta theo đuổi. Do đó, bất kỳ quốc gia nào mua Dầu và/hoặc Khí đốt từ Venezuela sẽ buộc phải trả Thuế 25% cho Hoa Kỳ trên mọi hoạt động thương mại mà họ thực hiện với đất nước chúng ta,” Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Trump cáo buộc, dù không đưa ra bằng chứng, rằng Venezuela đã “cố tình và gian dối” gửi các tội phạm, bao gồm những đối tượng bạo lực và các thành viên của những băng đảng như Tren de Aragua, vào Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu thương mại của Bộ Thương mại Mỹ, Venezuela là một trong những nhà cung cấp dầu nước ngoài hàng đầu cho Mỹ vào năm ngoái. Tổng cộng, Mỹ đã mua 5,6 tỷ USD dầu và khí đốt từ Venezuela trong năm 2024. Con số này tăng sau khi chính quyền Biden tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu của Venezuela vào năm 2023. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã được tái áp đặt vào tháng 4 năm 2024 sau khi chính quyền Biden cáo buộc lãnh đạo Venezuela, ông Nicolás Maduro, không tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Các nhà đầu tư tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. Ảnh: Getty Images