
Startup băng thông rộng vệ tinh Constellation Technologies & Operations (CTO) của Pháp đã hợp tác với hãng TDF, đơn vị vận hành mạng lưới các địa điểm trung lập nhà mạng (carrier-neutral) lớn nhất dành cho các nhà mạng tại Pháp, nhằm tích hợp các dịch vụ 5G quỹ đạo rất thấp (VLEO) mà công ty này đang phát triển vào mạng lưới viễn thông mặt đất.
Hai công ty đã công bố thỏa thuận vào ngày 20-3 để thử nghiệm khả năng sử dụng tần số di động từ các đối tác viễn thông nhằm cung cấp dịch vụ VLEO tới các thiết bị đầu cuối của người dùng, mà CTO đang tự phát triển.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CTO, ông Charles Delfieux, cho biết thỏa thuận này cũng mở đường cho việc triển khai các trạm cổng mặt đất tại các địa điểm của TDF, hỗ trợ dịch vụ truyền dẫn và liên lạc khẩn cấp giữa mạng lưới vệ tinh và mặt đất.
“Vượt ra ngoài yếu tố hạ tầng, CTO và TDF cùng chia sẻ một tầm nhìn chung: trở thành những đơn vị trung lập (neutral hosts) cung cấp dịch vụ cho các nhà mạng — TDF từ mặt đất, CTO từ không gian,” ông Delfieux chia sẻ qua email.
Mở rộng dịch vụ VLEO
Năm ngoái, CTO đã huy động được khoảng 10 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Expansion Ventures và một quỹ đầu tư mồi (seed fund) được nhà nước Pháp hậu thuẫn, nhằm thực hiện kế hoạch triển khai 1.500 vệ tinh nhỏ ở độ cao 375 km so với Trái Đất.
Các vệ tinh ở độ cao này có thể mang lại tốc độ truyền tải nhanh hơn và thiết bị đầu cuối nhỏ gọn hơn so với các quỹ đạo cao hơn như LEO – nơi mạng lưới Starlink của SpaceX đang hoạt động, nhưng cũng phải đối mặt với lực cản khí quyển lớn hơn và nhiều thách thức vận hành khác.
Quỹ đạo thấp nhất được phép cho dịch vụ băng rộng Starlink là 525 km, tuy nhiên SpaceX đã xin cấp phép để hoạt động ở độ cao thấp hơn.
Ông Delfieux cho biết CTO vẫn theo đúng tiến độ phóng thử nghiệm thiết bị đầu tiên vào tháng 6 tới thông qua một chuyến bay chia sẻ của SpaceX Falcon 9, với vệ tinh được lắp trên một tàu vũ trụ của D-Orbit (Ý).
Thiết bị này sẽ hỗ trợ các thử nghiệm 5G đầu-cuối ở độ cao từ 550 đến 600 km trước khi CTO chính thức triển khai mạng lưới VLEO.
CTO dự kiến sẽ phóng hai vệ tinh VLEO nặng 350 kg đầu tiên vào năm sau, với toàn bộ chòm vệ tinh được lên kế hoạch triển khai hoàn tất vào năm 2029 để phủ sóng toàn cầu.
Theo ông Delfieux, chỉ cần 36 vệ tinh trên mặt phẳng xích đạo (equatorial plane) cũng đủ cung cấp dịch vụ kết nối khẩn cấp ban đầu, đảm bảo duy trì liên lạc ngay cả khi thiên tai làm gián đoạn các trạm phát sóng mặt đất.
“Trong các kịch bản thảm họa, các liên kết liên vệ tinh của chúng tôi sẽ cho phép tín hiệu kết nối ‘nhảy’ giữa các đảo, hoặc tới các khu vực đất liền nơi cơ sở hạ tầng mặt đất vẫn hoạt động, đảm bảo duy trì truy cập qua các trạm cổng,” ông cho biết.
Ngoài việc tích hợp mạng lưới, ông cũng cho hay TDF sẽ cung cấp chuyên môn và nguồn nhân lực tại địa phương để hỗ trợ triển khai kết nối nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp.
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh của Constellation Technologies & Operations, được thiết kế để hoạt động ở quỹ đạo rất thấp (VLEO). Ảnh: CTO