
Tổng thống Donald Trump đêm thứ Ba đã công bố một thỏa thuận thương mại được chờ đợi từ lâu với Nhật Bản, giữa hai đồng minh và đối tác thương mại lớn – một thỏa thuận tưởng chừng vẫn còn xa vời chỉ vài tuần trước.
“Chúng tôi vừa hoàn tất một Thỏa thuận khổng lồ với Nhật Bản, có thể là Thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết,” ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Theo thỏa thuận, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải trả mức thuế 15% mang tính “đối ứng” đối với hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ. Ông Trump cũng cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Hoa Kỳ, và Mỹ sẽ “nhận được 90% lợi nhuận.” Tuy nhiên, ông không nêu rõ cơ chế đầu tư hay cách tính lợi nhuận. Hiện chưa có văn bản điều khoản chính thức nào được công bố.
“Thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm – chưa từng có điều gì tương tự. Quan trọng hơn cả, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường cho thương mại, bao gồm ô tô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp khác,” ông viết.
Đáp lại tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết chính phủ sẽ “xem xét kỹ” các chi tiết của thỏa thuận và sẵn sàng tổ chức cuộc họp trực tiếp hoặc qua điện thoại với Tổng thống Mỹ khi cần. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra thông tin cụ thể.
“Chúng tôi đã đàm phán đến phút cuối cùng, nỗ lực hết sức vì lợi ích quốc gia, đặc biệt là với ô tô và các sản phẩm khác,” ông nói. “Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp tạo việc làm, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và thúc đẩy vai trò của cả hai quốc gia trên trường quốc tế.”
Ngay sau khi đăng bài, ông Trump phát biểu trong một buổi tiếp đón các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Phòng Đông của Nhà Trắng, nhấn mạnh về thỏa thuận với Nhật.
“Tôi vừa ký thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử – có thể là lớn nhất từ trước đến nay với Nhật Bản,” ông nói. “Họ đã cử những người giỏi nhất sang đây, và chúng tôi đã làm việc rất lâu và rất nghiêm túc. Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả mọi người.”
Thỏa thuận với Nhật là thông báo thương mại thứ ba trong ngày thứ Ba của ông Trump, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với các đối tác như EU, Hàn Quốc, Ấn Độ… đang bế tắc trước thời hạn tăng thuế 1/8 mà ông đưa ra.
Đàm phán căng thẳng
Trước đây, hai bên đều mô tả quá trình đàm phán là căng thẳng. Hồi tháng 6, khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật, ông Trump nói với báo chí trên chiếc Air Force One: “Họ rất cứng rắn. Người Nhật rất cứng rắn.”
Tuy nhiên, hôm thứ Ba, ông cho rằng thỏa thuận đánh dấu một “giai đoạn đầy hứng khởi cho nước Mỹ”, và khẳng định mối quan hệ bền vững với Nhật Bản.
Cuối tháng trước, ông Trump đã phàn nàn rằng Nhật không nhập khẩu gạo Mỹ dù đang thiếu hụt gạo trong nước. Trong năm ngoái, Nhật Bản đã mua 298 triệu USD gạo từ Mỹ, và từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, con số là 114 triệu USD.
Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2021 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Biden, hệ thống nhập khẩu và phân phối gạo của Nhật bị đánh giá là “quá quy củ và thiếu minh bạch,” khiến nhà xuất khẩu Mỹ khó tiếp cận người tiêu dùng.
Ô tô – ngành chủ lực của Nhật – cũng là điểm mấu chốt. Ông Trump từng than phiền rằng Nhật không mua ô tô Mỹ. “Chúng ta không bán nổi một chiếc xe nào trong suốt 10 năm,” ông nói đầu tháng này. Tuy nhiên, năm ngoái, Nhật đã nhập 16.707 xe Mỹ, theo Hiệp hội Nhập khẩu ô tô Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuần trước cũng đã gặp Thủ tướng Ishiba tại Tokyo và thể hiện sự lạc quan về thỏa thuận. “Một thỏa thuận tốt quan trọng hơn là một thỏa thuận gấp rút,” ông viết trên X, “và một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi giữa Mỹ và Nhật vẫn hoàn toàn khả thi.”
Chuyên gia Mary Lovely thuộc Viện Peterson nhận định thỏa thuận đã giảm nhẹ nguy cơ Nhật bị áp thuế 25%. “Thỏa thuận giúp Nhật tránh được mối đe dọa đó và đưa họ vào vị thế cạnh tranh,” bà viết trong email gửi CNN.
Đối tác thương mại lớn
Không giống như một số thỏa thuận gần đây của ông Trump với Indonesia hay Philippines, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn với Mỹ.
Nhật là nguồn cung hàng hóa lớn thứ năm của Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái đạt 148 tỷ USD, trong đó có ô tô, phụ tùng xe và máy móc nông nghiệp/xây dựng.
Tháng 4, các hàng hóa Nhật từng chịu thuế 24% trước khi ông Trump tạm hoãn 90 ngày. Kể từ đó, mức thuế sàn là 10%. Đầu tháng 7, ông Trump gửi thư đe dọa sẽ áp mức 25% vào ngày 1/8.
Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu 80 tỷ USD hàng hóa sang Nhật năm ngoái, chủ yếu là dầu khí, dược phẩm và sản phẩm hàng không vũ trụ.
Nhật Bản đang ở thế khó xử, vì Trung Quốc mới là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, trong khi chính quyền Trump lại gây áp lực để các đồng minh giảm giao thương với Trung Quốc nhằm ký được thỏa thuận với Mỹ.
Thỏa thuận mới nhất này nối tiếp thỏa thuận mở rộng được hai nước ký kết năm 2019, có hiệu lực từ năm sau đó và cho phép nhiều loại hàng hóa được miễn thuế.
Ngoài ra, Nhật còn nắm giữ lợi thế đáng kể trong đàm phán: nước này là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, sở hữu 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.
Thỏa thuận với Indonesia
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng công bố Mỹ và Indonesia đã đồng ý về khuôn khổ của một thỏa thuận thương mại, theo đó Jakarta sẽ dỡ bỏ hầu hết các mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo thỏa thuận được mô tả là “Thỏa thuận Thương mại Đối ứng”, mức thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Indonesia sẽ được ấn định ở mức 19%.
Mặc dù cao hơn mức thuế cơ bản 10% mà Mỹ đã áp dụng cho hầu hết các quốc gia khác, nhưng mức 19% này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức thuế chung 32% mà Indonesia ban đầu phải đối mặt theo kế hoạch thuế “Ngày giải phóng” của Tổng thống Donald Trump hồi tháng Tư.
Thông cáo chung cho biết Mỹ và Indonesia sẽ tiếp tục “đàm phán và hoàn thiện Thỏa thuận Thương mại” trong những tuần tới.
Các điều khoản mới được công bố của khuôn khổ thỏa thuận này phản ánh những nội dung mà ông Trump từng công bố trên mạng xã hội vào tuần trước, khi ông tuyên bố đã “hoàn tất” một thỏa thuận với Indonesia sau cuộc điện đàm với Tổng thống nước này, ông Prabowo Subianto.
Tuyên bố chính thức hôm thứ Ba cũng cho biết khuôn khổ thỏa thuận bao gồm một loạt hợp đồng thương mại sắp tới giữa hai nước, trong đó có thương vụ mua máy bay trị giá 3,2 tỷ USD và ước tính khoảng 15 tỷ USD giá trị hàng hóa năng lượng mà Indonesia sẽ mua từ Mỹ.
Những chiếc xe Subaru mới nằm trong bãi lưu kho ngày tại Richmond, California. Mỹ và Nhật đã đạt được một thỏa thuận thương mại ngày 22/7/2025. Ảnh: Getty Images