
Tether, công ty tài sản kỹ thuật số lớn nhất thế giới, đang tận dụng thương vụ gần đây mua lại Adecoagro, một công ty nông nghiệp Nam Mỹ, để thực hiện một bước đi chiến lược nhằm thâm nhập vào thị trường thương mại hàng hóa toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.
Công ty này đặt mục tiêu tích hợp stablecoin – đồng tiền số được neo giá theo đô la Mỹ và giao dịch trên các sàn tiền mã hóa – vào hoạt động cốt lõi của các thị trường mua bán nguyên liệu thô, với cam kết sẽ cắt giảm đáng kể chi phí và thời gian thanh toán xuyên biên giới từ vài ngày xuống chỉ còn vài giây.
Adecoagro – một công ty niêm yết tại New York, chuyên sản xuất sữa ở Argentina, gạo tại Uruguay, và đường cùng ethanol tại Brazil – đã đồng ý vào tháng 4/2025 bán 70% cổ phần cho Tether trong một thương vụ trị giá khoảng 600 triệu USD.
Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy ngành công nghiệp tiền mã hóa đang mở rộng nhanh chóng sang các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, đầu tư ngày càng nhiều vào tài sản hữu hình.
“Ngành crypto ngày càng tập trung vào việc kết nối tài chính số với tài sản thực tế,” ông Joe Sticco, CEO của Cryptex Finance – đơn vị tạo ra các chỉ số phản ánh vốn hóa thị trường của tiền mã hóa – cho biết.
Ông nói rằng bằng cách bổ sung các tài sản tạo ra thu nhập như đất nông nghiệp hoặc nhà máy chế biến thực phẩm, Tether có thể củng cố bảng cân đối tài chính của mình và tạo hàng rào phòng ngừa lạm phát.
Hoạt động kinh doanh chính của Tether là USDT – đồng tiền số được đảm bảo chủ yếu bằng trái phiếu chính phủ Mỹ. Ra mắt từ năm 2014, USDT đã tăng trưởng mạnh về khối lượng giao dịch nhờ sự quan tâm ngày càng lớn đến tiền mã hóa.
Đây là một phương thức thanh toán ngoài hệ thống tài chính toàn cầu truyền thống. Điểm khác biệt lớn giữa USDT với Bitcoin hay Ethereum là USDT được thiết kế để bám sát giá trị của đô la Mỹ – đồng tiền thống trị thương mại toàn cầu.
Giao dịch hàng hóa
Tether đã phát hành 143 tỷ USD giá trị USDT tính đến nay, và theo báo cáo quý I, công ty có 149 tỷ USD dự trữ, trong đó 120 tỷ USD là trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Tether muốn thúc đẩy việc sử dụng stablecoin để thanh toán xuyên biên giới – điều mà tôi nghĩ sẽ phát triển mạnh trong thị trường tài chính, đặc biệt là các thị trường hàng hóa,” ông Marcos Viriato, CEO của Parfin – một công ty công nghệ giao dịch tiền mã hóa ở Nam Mỹ – cho biết.
“Nếu một công ty tại Brazil bán hàng hóa cho khách hàng ở Bolivia, thanh toán qua kênh truyền thống có thể mất hơn ba ngày. Với USDT, chỉ mất vài giây,” ông nói thêm, đồng thời nhấn mạnh chi phí vận hành cũng sẽ thấp hơn nhiều.
Parfin hiện đang triển khai một dự án thử nghiệm với ngân hàng lớn thứ ba của Brazil – Banco Bradesco – nơi các nhà xuất khẩu hàng hóa của Brazil bán sản phẩm cho khách hàng nước ngoài và nhận thanh toán bằng stablecoin. Sau đó, Bradesco sử dụng hạ tầng của Parfin để quy đổi USDT sang nội tệ và chuyển vào tài khoản của nhà xuất khẩu.
“Chiến lược đầu tư của Tether ưu tiên các công ty mở rộng mạng lưới phân phối và gia tăng tính ứng dụng thực tiễn của stablecoin, và Adecoagro là ví dụ điển hình,” Tether phản hồi khi Reuters yêu cầu thông tin về thương vụ.
Công ty cho biết họ đang cùng với ban điều hành của Adecoagro và các chuyên gia ngành hàng nghiên cứu cách stablecoin có thể cải thiện hiệu quả và thanh khoản trong thương mại hàng hóa.
Cuối năm ngoái, Tether cũng đã báo cáo rằng họ từng tài trợ cho một giao dịch dầu thô giữa một công ty dầu khí lớn và một nhà giao dịch hàng hóa – được thanh toán bằng USDT – đánh dấu lần đầu tiên có giao dịch kiểu này được thực hiện.
Reuters trước đó đưa tin Nga đã sử dụng tiền mã hóa để giao dịch dầu với Trung Quốc và Ấn Độ nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Venezuela cũng đã tìm cách dùng tiền số để giao thương.
Token hóa hàng hóa?
Một khả năng khác cho Tether khi bước vào thế giới nông nghiệp là token hóa hàng hóa, theo bà Gracy Chen – CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa Bitget.
Tether hiện đã có token vàng – phản ánh giá trị vàng thật và được đảm bảo bằng dự trữ vàng. Bà Chen cho biết họ có thể đang xem xét tạo token đường hoặc bắp, có thể được dùng để phòng ngừa rủi ro giá cả hoặc làm tài sản thế chấp trong tài chính trước mùa thu hoạch.
“Về bản chất, họ đang biến đất nông nghiệp, nhà máy đường và nhà máy năng lượng tái tạo thành các công cụ tài chính có thể lập trình được,” bà nói.
Tether cho biết họ thấy “tiềm năng to lớn trong việc khám phá khả năng token hóa tài sản thực tế, bao gồm cả hàng hóa nông nghiệp,” dù công ty cũng nhấn mạnh hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào cho token đường hoặc bắp.
Tuy nhiên trước mắt, công ty tiền mã hóa này sẽ dùng thương vụ mua lại vào mục đích khác: Tether cho biết sẽ khai thác năng lượng tái tạo từ các nhà máy của Adecoagro tại Nam Mỹ – như điện từ nhà máy mía đường – để vận hành hoạt động đào bitcoin.
Logo của Tether trong ảnh minh họa. Ảnh: Reuters