
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “kiên quyết bảo vệ lợi ích châu Âu” sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế 30% lên gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ EU.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh EU đang tìm cách giảm căng thẳng sau động thái cứng rắn từ Trump vào thứ Bảy. Khối này tuyên bố tiếp tục hoãn áp mức thuế trả đũa trị giá 21 tỉ euro đến ngày 1-8, trùng với thời hạn chót trong thỏa thuận mới mà Tổng thống Mỹ đưa ra.
Cùng lúc đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto hôm Chủ nhật công bố một “thỏa thuận chính trị” về hiệp định thương mại tự do, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài chín năm.
Một nhà ngoại giao cho biết Indonesia – một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới – gần đây cho rằng EU là đối tác ổn định hơn so với Mỹ.
EU đang đẩy mạnh nỗ lực ký kết các hiệp định thương mại mới với các đối tác Nam Mỹ và châu Á sau khi Trump làm đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu. Khối này hy vọng sẽ đạt được các thỏa thuận với Ấn Độ, Thái Lan và các nước khác trước cuối năm.
Macron cho rằng EU cần sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại và phải cứng rắn với tổng thống Mỹ, người chỉ mới tuần trước được kỳ vọng sẽ thông qua một thỏa thuận thuế quan ở mức 10% với EU.
“Giờ đây, hơn bao giờ hết, trách nhiệm của Ủy ban châu Âu là thể hiện quyết tâm của liên minh trong việc bảo vệ lợi ích châu Âu một cách kiên quyết,” Macron tuyên bố trên mạng xã hội. “Cụ thể, điều này có nghĩa là cần đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp đáp trả đáng tin cậy, huy động mọi công cụ hiện có, bao gồm cả biện pháp chống ép buộc, nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1-8.”
Một số lãnh đạo châu Âu khác kêu gọi giữ bình tĩnh, bao gồm các nhà lãnh đạo tại Ý, Hà Lan, Đức và Ireland. Tuy nhiên, trước cú sốc lan rộng trong khối trước lời đe dọa của Trump, Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho biết tuyên bố của Trump là “hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp hai bên bờ Đại Tây Dương.”
Lời kêu gọi sẵn sàng cho chiến tranh thương mại của Macron trái ngược với phản ứng từ Berlin, nơi kêu gọi một giải pháp “thực dụng.” “EU giờ cần tận dụng thời gian còn lại để đàm phán một giải pháp thực tế với Mỹ,” Bộ trưởng Kinh tế Đức Katherina Reiche phát biểu. “Một kết quả thực dụng cần được đạt được càng sớm càng tốt.”
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni – người có mối quan hệ tốt với Trump – ra tuyên bố bày tỏ tin tưởng “một thỏa thuận công bằng” có thể đạt được. “Không có lý do gì để khơi mào một cuộc chiến thương mại giữa hai bên bờ Đại Tây Dương,” bà nói.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof viết trên mạng xã hội rằng EU “phải duy trì sự đoàn kết và kiên quyết” nhằm đạt được một thỏa thuận “cùng có lợi” với Mỹ.
Phó Thủ tướng Ireland Simon Harris nhận định “không có lý do gì để leo thang tình hình.”
Chiều Chủ nhật, nhóm đại sứ EU đã báo cáo với các quốc gia thành viên về những diễn biến mới nhất.
Bà von der Leyen, Chủ tịch EC, cảnh báo hôm Chủ nhật: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị các biện pháp đáp trả, để luôn trong tư thế sẵn sàng,” đồng thời gọi thỏa thuận với Indonesia là “một cột mốc lớn” giúp đa dạng hóa thị trường. Bà cũng nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục đơn giản hóa thị trường chung nhằm “làm sâu sắc thêm” cơ hội giao thương trong khối, “vì đây là nơi trú ẩn an toàn của chúng ta.”
Các đại sứ nhóm họp tại Brussels vào Chủ nhật để bàn chiến lược trước hội nghị bộ trưởng thương mại vào thứ Hai, nơi những khác biệt trong cách tiếp cận có thể sẽ được thể hiện rõ.
Việc Trump đe dọa mức thuế 30% đang được xem là một chiến thuật đàm phán, nhưng đằng sau hậu trường là sự phẫn nộ, khi nhiều người xem đây là trò chơi nguy hiểm giữa hai bờ Đại Tây Dương trong bối cảnh thế giới đang bất ổn nghiêm trọng.
Động thái mới nhất này của Trump phù hợp với tuyên bố “Ngày giải phóng” vào tháng 4, khi ông nói rằng EU đang áp thuế bất công 39% lên hàng hóa Mỹ – một phân tích đã bị giới chức EU bác bỏ khi cho biết mức trung bình chỉ khoảng 2,5%.
Một số nghị sĩ EU cảnh báo rằng nếu họ bắt đầu chấp nhận các mức thuế “phi pháp” như một điều bình thường mới, Trump sẽ còn lấn tới. “Vấn đề là phải cho thấy EU không phải nạn nhân, không bị tê liệt hay sợ hãi,” nghị sĩ Ý Brando Benifei, thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế, phát biểu tuần trước.
Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức cảnh báo về nguy cơ chi phí tăng cao đối với các nhà sản xuất và nhà cung ứng xe, và nói rằng “thật đáng tiếc khi có nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang thêm.”
Ngành ô tô Đức hiện đang chao đảo vì mức thuế xuất khẩu sang Mỹ bị nâng lên 25% – bên cạnh mức sẵn có 2,5%, trong khi ngành thép phải đối mặt với mức thuế trừng phạt tới 50%.
Được biết thỏa thuận nguyên tắc trên bàn của Trump từng đề xuất khả năng giảm thuế cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu có nhà máy tại Mỹ, bao gồm Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen và thương hiệu Thụy Điển Volvo.
Tuy nhiên, tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển gọi thỏa thuận này là “rất tệ,” đồng thời thừa nhận rằng một số tổn thất kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Thương mại EU–Mỹ trị giá 1.400 tỉ euro mỗi năm, nhưng chỉ có ba quốc gia – Đức, Ý và Ireland (với lĩnh vực dược phẩm đa quốc gia lớn) – là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu từ Mỹ.
Trump và Macron gặp nhau tại Nhà Trắng tháng 2/2025. Ảnh: AP