
Ngày 28 tháng 5, Trung Quốc đã phóng Tianwen-2 (Thiên Vấn-2, nghĩa là Hỏi Trời) – một sứ mệnh robot nhằm hạ cánh xuống một tiểu hành tinh gần Trái Đất có kích thước chỉ bằng một phòng họp, lấy mẫu và đưa chúng trở về Trái Đất.
Tuy nhiên, tàu vũ trụ thực sự của sứ mệnh này vẫn là một ẩn số trước công chúng, và sự hợp tác quốc tế với sứ mệnh cũng rất hạn chế. Đối với hầu hết các cơ quan vũ trụ, đây sẽ là một thách thức chỉ một lần trong cả thế hệ. Nhưng với Trung Quốc, đây chỉ là một bước đi tiếp theo – mới nhất trong một chiến dịch quy mô lớn, do nhà nước dẫn dắt, với mục tiêu trở thành cường quốc không gian hàng đầu thế giới.
Trong suốt thập kỷ qua, nhờ hoạch định chiến lược âm thầm và dài hạn, Trung Quốc đã vươn lên thành cường quốc không gian số hai thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
“Là một cường quốc không gian thực thụ, Trung Quốc mặc định tiếp cận lĩnh vực không gian một cách toàn diện – kết hợp đồng thời và sâu sắc nhiều động lực khác nhau, từ việc phô diễn sức mạnh quốc gia (cả cứng và mềm), chính sách đối ngoại, quốc phòng, tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới, cho đến các lợi ích xã hội như lòng tự hào và sự gắn kết dân tộc,” ông Tomas Hrozensky, nhà nghiên cứu cấp cao và phụ trách hợp tác châu Âu tại Viện Chính sách Không gian châu Âu (Vienna, Áo), nhận định.
Những chính sách này có thể làm thay đổi cục diện ngành không gian toàn cầu, nơi mà Hoa Kỳ và các công ty Mỹ từ nhiều năm nay đã giữ vai trò dẫn dắt gần như không bị thách thức. Giờ đây, với làn sóng hoạt động dồn dập từ Trung Quốc sau nhiều năm chuẩn bị, cán cân quyền lực không gian giữa các quốc gia đang dần thay đổi, kéo theo sự phân hóa quốc tế ngày càng sâu sắc về định hướng, chuẩn mực và vai trò lãnh đạo trong không gian. Trong vài năm tới, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được những cột mốc không gian đầu tiên (space firsts), xây dựng thêm các mối quan hệ đối tác mới, và nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, thậm chí có thể định hình chương trình khám phá không gian toàn cầu.
Hạ cánh Mặt trăng trong tầm ngắm
Cách đây một thập kỷ, một sứ mệnh như Thiên Vấn-2 dường như còn rất xa vời, khi Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các tên lửa đẩy cũ sử dụng nhiên liệu độc hại và các tập đoàn nhà nước, với cơ sở hạ tầng không gian còn hạn chế. Nhưng trong những năm gần đây, tham vọng và thành tựu không gian của Trung Quốc đã tăng vọt, thường theo một lộ trình bài bản, từng bước rõ ràng.
Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến hạ cánh đầu tiên xuống mặt khuất của Mặt trăng, thu thập mẫu vật bằng robot từ cả hai phía gần và xa của Mặt trăng, hoàn thiện hệ thống định vị Bắc Đẩu – câu trả lời của nước này cho GPS, hạ cánh một xe tự hành lên sao Hỏa, xây dựng một trạm vũ trụ dạng mô-đun thường xuyên tiếp nhận các phi hành đoàn và thí nghiệm khoa học, đồng thời nuôi dưỡng một lĩnh vực không gian thương mại đầy mạnh mẽ dù còn sơ khai. Những thành tựu này nối tiếp một thập kỷ trước đó từng chứng kiến sự chậm trễ trong việc phát triển tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu siêu lạnh và dự án trạm vũ trụ, khi nhiều quan sát viên bên ngoài còn cho rằng Trung Quốc chú trọng vào uy tín quốc gia hơn là trở thành một đối thủ thực sự trong lĩnh vực không gian.
Thế nhưng, kế hoạch của Trung Quốc trong những năm tới thậm chí còn tham vọng hơn — trong khi NASA lại đang đối mặt với cắt giảm ngân sách, hủy bỏ các sứ mệnh, và nguy cơ mất đà, mất định hướng.
Nổi bật nhất có lẽ là mục tiêu đưa hai phi hành gia Trung Quốc lên Mặt trăng vào năm 2030 — một thành tựu sẽ sánh ngang với kỳ tích từng chỉ thuộc về Hoa Kỳ trong lịch sử bay vào không gian có người lái.
Gần đây, Trung Quốc đã thực hiện thử nghiệm thoát hiểm trên bệ phóng cho tàu vũ trụ chở người mới dùng cho thám hiểm không gian sâu, đồng thời đạt tiến bộ tốt với tên lửa mới Trường Chinh 10, kế thừa Trường Chinh 5, cùng với cơ sở hạ tầng phóng liên quan.
Dù lộ trình đưa người lên Mặt trăng vẫn còn khá bí ẩn với thế giới, nhưng các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đi đúng hướng.
Trong khi đó, Artemis 3 – sứ mệnh của NASA đưa con người trở lại Mặt trăng – vẫn chưa có lịch trình rõ ràng, do hệ thống tàu đổ bộ Starship của SpaceX liên tục gặp trục trặc, với 4 vụ nổ liên tiếp trong năm 2025.
Một chiến lược không gian có tính toán
Sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng nay đã nằm trong tầm với, nhờ một chiến lược lâu dài, được hoạch định từ nhiều thập kỷ trước.
Chuỗi sứ mệnh Chang’e (Hằng Nga) từ cuối những năm 2000 – từ tàu quỹ đạo đến tàu đổ bộ rồi đến sứ mệnh mang mẫu vật về Trái Đất – đều được xem như các bước thử nghiệm tinh gọn cho việc đưa con người lên Mặt trăng và trở về an toàn.
Các sứ mệnh thường mang tính rủi ro kỹ thuật cao, có ít sự tham gia của giới khoa học giai đoạn đầu, và gần như không minh bạch với công chúng quốc tế, ông Patrick Michel, nhà khoa học hành tinh tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), nhận định.
“Họ rất chủ động trong việc đưa ra các quyết định mạo hiểm — vượt xa những gì chúng tôi làm ở Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hay NASA. Nó thiên về kỹ thuật hơn là khoa học. Giới khoa học chỉ tham gia ở giai đoạn cuối… Họ (các khoa học gia) là người sử dụng dữ liệu, chứ không phải là kiến trúc sư của sứ mệnh,” Michel nói.
Mô hình này đã giúp Trung Quốc bắt kịp hoặc vượt qua các cơ quan thận trọng hơn bằng cách nhanh chóng chứng minh trình độ công nghệ, dù phải đánh đổi bằng tính minh bạch hoặc bỏ qua cách tiếp cận đặt khoa học lên hàng đầu như truyền thống.
Trong khi đó, chương trình bay vào không gian có người lái của Trung Quốc – được phê duyệt từ năm 1992 – cuối cùng đã dẫn đến việc hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung vào năm 2022. Cùng với chương trình Mặt trăng bằng robot, cả hai hiện đang hội tụ để mở đường cho tham vọng Mặt trăng của riêng Trung Quốc.
Sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng sắp tới sẽ là một nhiệm vụ ngắn hạn, tương tự như chương trình Apollo của Mỹ, nhưng lại là một phần trong tầm nhìn lâu dài về thăm dò Mặt trăng bền vững. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) vào đầu những năm 2030. Hai sứ mệnh Hằng Nga tiếp theo, dự kiến thực hiện vào năm 2026 và 2028, sẽ khảo sát tài nguyên – đặc biệt là nước – tại cực nam của Mặt trăng, đồng thời thử nghiệm công nghệ in 3D gạch từ đất Mặt trăng (regolith).
Trung Quốc cũng có kế hoạch phóng một chùm vệ tinh liên lạc, định vị và quan sát từ xa quanh Mặt trăng – được gọi là chòm sao Cầu Ô Thước (Queqiao) – nhằm hỗ trợ cho ILRS. Điều này không chỉ phục vụ mục tiêu riêng của Trung Quốc mà còn định vị họ là nhà cung cấp hạ tầng không gian cho các nước khác, người dẫn đầu trong lĩnh vực không gian và người đặt ra chuẩn mực toàn cầu.
Giai đoạn Mặt trăng sẽ là bàn đạp để tiến tới chòm sao ở cấp hệ Mặt trời, dự kiến bắt đầu từ năm 2040 trở đi.
Các quan chức ngành không gian Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi giới lãnh đạo chính trị tận dụng cơ hội hiếm có này để giành vai trò dẫn dắt hạ tầng Mặt trăng. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào xây dựng được kế hoạch Mặt trăng toàn diện như vậy.
Sao Hỏa và hơn thế nữa
Trung Quốc cũng nuôi dưỡng một tầm nhìn dài hạn cho sao Hỏa.
Sứ mệnh mang mẫu vật từ sao Hỏa về Trái đất – Thiên Vấn-3 – dự kiến sẽ được phóng vào cuối năm 2028, bằng hai tên lửa Trường Chinh 5, với mục tiêu đưa mẫu vật đầu tiên từ sao Hỏa về Trái Đất vào năm 2031.
Trong khi đó, sứ mệnh tương tự của NASA, hợp tác cùng châu Âu, hiện đang bị trì hoãn nghiêm trọng, vượt ngân sách lớn và đối mặt nguy cơ bị chính quyền Trump hủy bỏ.
Sứ mệnh của Trung Quốc trên lý thuyết hứa hẹn mang lại giá trị khoa học cao hơn, trong khi kế hoạch của NASA vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn. Xa hơn nữa, Trung Quốc hình dung sẽ xây dựng một phiên bản ILRS trên sao Hỏa vào khoảng năm 2050, với chòm sao Cầu Ô Thước mở rộng bao phủ cả hệ Mặt trời.
Dù những dự án này còn ở thì tương lai và thiếu thông tin chi tiết, nhưng cách tiếp cận xây dựng năng lực theo từng bước rõ ràng, ví dụ như cam kết xây trạm vũ trụ từ năm 1992 với nguồn lực hạn chế, và hoàn thành sau 30 năm, cho thấy chúng cần được nhìn nhận nghiêm túc.
Trung Quốc cũng có kế hoạch dẫn đầu trong việc khám phá phía trong hệ Mặt trời, với các sứ mệnh bao gồm: kính viễn vọng không gian ngang tầm Hubble, thu mẫu khí quyển sao Kim, tàu thăm dò cực Mặt trời, và sau đó là mở rộng ra ngoài khu vực lân cận Trái Đất với các kính viễn vọng săn tìm ngoại hành tinh và mặt trăng ngoài hệ (exoplanet and exomoon-hunting space telescopes). Nước này cũng đang phát triển giải pháp năng lượng hạt nhân cho các sứ mệnh không gian sâu, điều này có thể cho phép thực hiện sứ mệnh thăm dò Hải Vương tinh vào những năm 2040, đồng thời bắt đầu chú trọng nghiêm túc đến phòng thủ hành tinh (ngăn chặn thiên thể va chạm với Trái Đất).
Giai đoạn cuối của kế hoạch khoa học không gian trung và dài hạn, công bố vào mùa thu năm 2024, đặt mục tiêu giúp Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu không gian vào năm 2050, thu hút các nhà khoa học quốc tế hàng đầu, xây dựng đất nước trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu không gian toàn cầu, và là biểu tượng cho một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, hùng mạnh.
Trung Quốc cũng có lộ trình phát triển vận tải không gian tương ứng, nhấn mạnh vào chuyển đổi sang tên lửa tái sử dụng hoàn toàn và kế hoạch dài hạn với động cơ hạt nhân, nhằm giúp Trung Quốc trở thành cường quốc không gian hàng đầu vào giữa thế kỷ.
Khu vực thương mại vũ trụ do nhà nước thúc đẩy
Một con đường để hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng này là ngành công nghiệp không gian thương mại.
Trong khi Hoa Kỳ từ lâu đã dẫn đầu nhờ các mối quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp, thì Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái thương mại để phục vụ các mục tiêu quốc gia, bên ngoài các tập đoàn nhà nước truyền thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, ba công ty Trung Quốc đã hoặc đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm đốt tĩnh tầng 1 của tên lửa, nhằm cung cấp năng lực phóng tương đương Falcon 9. Nhiều công ty khác cũng đang tự phát triển các kế hoạch riêng, bao gồm cả các công ty vệ tinh với mục tiêu triển khai các chòm sao vệ tinh quy mô lớn.
Động lực này được củng cố bởi sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ đối với các kế hoạch quốc gia của Trung Quốc và lực lượng nhân tài trẻ tuổi, đồng thời được cụ thể hóa thông qua một loạt chính sách, tầm nhìn và lộ trình dài hạn. Phần lớn những nỗ lực này không chỉ nhằm thể hiện năng lực chinh phục không gian, mà còn hướng tới việc thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.
“Trung Quốc hiện đang cung cấp cả chính sách lẫn vốn đầu tư, cũng như quyền tiếp cận hạ tầng cho các công ty không gian tư nhân,” ông Ian Christensen, giám đốc chương trình khu vực tư tại Quỹ Thế giới An toàn (Secure World Foundation), cho biết. Ông lưu ý rằng sự hỗ trợ đến từ cả chính quyền trung ương lẫn địa phương.
“Trung Quốc xem không gian thương mại là nguồn đổi mới và tăng trưởng, đặc biệt trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và công nghệ sáng tạo hỗ trợ các dự án cấp quốc gia. Rộng hơn, chính phủ trung ương Trung Quốc coi việc sở hữu một ngành công nghiệp vũ trụ mạnh mẽ là một phần của vị thế cường quốc toàn cầu trong thời đại hiện đại,” ông Ian Christensen cho biết.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng tồn tại nhiều thách thức và mâu thuẫn. Christensen nói rằng vẫn là dấu hỏi liệu cơ sở hạ tầng và nguồn vốn ban đầu có thể dẫn đến thành công kinh doanh bền vững cho các công ty vũ trụ thương mại Trung Quốc hay không.
“Chưa rõ liệu chính phủ có sẵn sàng mua dịch vụ từ các công ty không gian thương mại Trung Quốc hay không, vì các doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái trong các hợp đồng. Các công ty tư nhân thường phàn nàn về việc khó tiếp cận hợp đồng từ nhà nước,” ông nói.
Christensen cho biết thêm rằng các doanh nghiệp vũ trụ tư nhân tại Trung Quốc còn phải đối mặt với khung pháp lý thiếu rõ ràng và thủ tục hành chính phức tạp.
Dù có nhiều hoạt động đang diễn ra, nhưng về mô hình kinh doanh, khó đánh giá bao nhiêu trong số đó có thể được duy trì bằng các hợp đồng từ chính phủ hoặc các tổ chức nội địa.
“Các công ty vũ trụ thương mại Trung Quốc, dù đang xây dựng năng lực, vẫn tụt hậu so với Mỹ, châu Âu và có lẽ cả Ấn Độ về kinh doanh quốc tế. Điều này càng bị cản trở bởi các yếu tố như hạn chế tiếp cận thị trường và kiểm soát chuyển giao công nghệ,” Christensen nhận định.
Do đó, dù tham vọng đang lên cao, nhưng những mâu thuẫn nội tại, sự phản kháng địa chính trị và các thách thức quốc tế có thể là yếu tố cản trở – không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà trên toàn bộ phạm vi hoạt động của Trung Quốc trong không gian.
Hợp tác toàn cầu hay tiếp tục tách rời?
Vậy thế giới – đặc biệt là chính phủ và các cơ quan vũ trụ quốc tế – nên nhìn nhận những kế hoạch này của Trung Quốc ra sao?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thay đổi bối cảnh không gian quốc tế, tạo ra một hệ sinh thái chia đôi rõ rệt (bifurcated ecosystem). Điều này dẫn đến sự hình thành hai trục cạnh tranh – Artemis của Mỹ và ILRS của Trung Quốc – cùng với những tầm nhìn và liên minh tách biệt.
Mỹ đã tìm cách ngăn công nghệ của mình bị Trung Quốc sử dụng, còn Trung Quốc thì đáp lại bằng cách tự xây dựng hệ sinh thái công nghệ, ví dụ như hợp tác với Ai Cập để mở rộng năng lực và tạo dựng đối tác trong tương lai.
Trong khi Trung Quốc liên tục tiến lên với tham vọng lớn, Mỹ dường như đang thu hẹp lại. Ngoài việc cắt giảm sứ mệnh lấy mẫu sao Hỏa, đề xuất ngân sách năm 2026 của chính quyền Trump còn bao gồm việc hủy hoặc thu hẹp một loạt dự án NASA và ESA – từ cổng không gian Mặt trăng (lunar Gateway) đến đài quan sát sóng hấp dẫn và nhiệm vụ sao Kim. ESA hiện đang cân nhắc các lựa chọn đối phó.
“Một tác động rõ rệt là ảnh hưởng của sự tăng trưởng liên tục của Trung Quốc đối với hợp tác quốc tế. Từ góc nhìn châu Âu, một câu hỏi lớn là chiến lược tiếp cận của họ với Trung Quốc sẽ ra sao,” Tomas Hrozensky, chuyên gia tại Viện Chính sách Không gian châu Âu, cho biết.
Hợp tác với Trung Quốc vẫn là vấn đề nhạy cảm về chính trị, nhưng không loại trừ khả năng bối cảnh quốc tế sẽ thay đổi.
Dù tỏ ra cởi mở với hợp tác quốc tế, nhà khoa học hành tinh Patrick Michel nhận xét rằng Trung Quốc thường không cam kết ở những giai đoạn then chốt của sứ mệnh hay chương trình. Cho đến nay, hầu hết hợp tác chỉ dừng lại ở việc các thiết bị quốc tế được mang theo trên các sứ mệnh đã được Trung Quốc phê duyệt và triển khai từ trước. Chẳng hạn, một phi hành gia Pakistan sẽ là người nước ngoài đầu tiên đến thăm trạm vũ trụ Thiên Cung, sau khi được huấn luyện bởi Cơ quan Vũ trụ Có người lái Trung Quốc và bay bằng tàu vũ trụ của Trung Quốc.
Trung Quốc và Nga được cho là đang hợp tác phát triển nguồn điện hạt nhân cho ILRS, để đối phó với đêm Mặt trăng kéo dài 14 ngày cực kỳ lạnh giá, cho thấy vai trò của đối tác trong việc bù đắp lỗ hổng công nghệ.
Tuy nhiên, ít quốc gia nào sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc ở cấp độ ngang hàng.
“Một vấn đề nổi bật là Trung Quốc vẫn khó thu hút khách hàng ngoài khối G7, cũng như thiết lập các mối quan hệ đối tác quốc tế cho ILRS và thăm dò không gian nói chung,” Hrozensky nhận định.
“Những câu chuyện mà Trung Quốc kể ít tạo được ảnh hưởng ở tầm quốc tế, và nước này đang đối mặt với sự nghi ngờ ngày càng tăng từ các đối tác từng quan trọng, như châu Âu,” ông nói.
Ngoài Nga, Trung Quốc chỉ thu hút được các quốc gia có ngành không gian khiêm tốn vào liên minh ILRS, chẳng hạn như Venezuela, Belarus, Pakistan và Nam Phi, cho thấy ảnh hưởng còn hạn chế với các cường quốc không gian truyền thống. Sự hiện diện của Nga gần như loại bỏ khả năng châu Âu tham gia ILRS một cách nghiêm túc, trong khi hiện đã có 55 quốc gia ký kết Thỏa thuận Artemis của Hoa Kỳ (tính đến tháng 5).
“Một câu hỏi then chốt là, vào thời điểm nào trong tương lai, không gian sẽ trở thành ‘Đài Loan tiếp theo’ đối với Trung Quốc – tức là một lĩnh vực mà họ sẽ không bao giờ nhượng bộ trong việc theo đuổi mục tiêu đã công bố?”
Tàu Thiên Vấn-1 trên quỹ đạo sao Hỏa, chụp bởi vệ tinh phụ nhỏ. Ảnh: CNSA
Tàu đổ bộ Hằng Nga-6 ở phía xa của Mặt trăng. Ảnh: CNSA