
Một cơ quan quản lý ở Thượng Hải cho biết họ đã tổ chức cuộc họp trong tuần này với các quan chức chính quyền địa phương nhằm xem xét các phản ứng chiến lược đối với stablecoin và tiền kỹ thuật số — một sự thay đổi rõ rệt trong lập trường của Trung Quốc, nơi giao dịch tiền mã hóa hiện vẫn đang bị cấm.
Cuộc họp hôm thứ Năm do Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Thượng Hải tổ chức, diễn ra sau những lời kêu gọi từ các chuyên gia và doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc về việc phát triển một loại tiền mã hóa stablecoin với giá trị neo theo đồng nhân dân tệ.
“Chúng ta cần nhạy cảm cao hơn với công nghệ mới nổi và tăng cường nghiên cứu về tiền kỹ thuật số,” ông He Qing, giám đốc cơ quan quản lý, phát biểu tại cuộc họp, theo bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của cơ quan này. Ảnh chụp cuộc họp cho thấy có khoảng 60–70 người tham dự.
Thượng Hải là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu của Trung Quốc và thường dẫn đầu các chương trình thử nghiệm về thay đổi quy định.
“Với hệ sinh thái fintech mạnh mẽ, Trung Quốc có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng trong việc định hình tương lai của các khoản thanh toán dựa trên blockchain,” ông Nick Ruck, giám đốc công ty nghiên cứu LVRG Research, nhận định.
Stablecoin dựa trên blockchain – thường được neo giá theo một loại tiền pháp định và có khả năng giao dịch nhanh và rẻ hơn – đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Theo ước tính của công ty ARK Investment Management, giá trị giao dịch toàn cầu bằng stablecoin trong năm ngoái đạt 15,6 nghìn tỷ USD, vượt qua cả hệ thống Visa, với giá trị trung bình mỗi giao dịch cao hơn nhiều.
Tại Mỹ, nơi có khung pháp lý phát triển hơn, ngày càng nhiều công ty như Amazon và Walmart đang xem xét phát hành stablecoin.
Tại châu Á, chính phủ Hàn Quốc đã cam kết cho phép các doanh nghiệp phát hành stablecoin neo theo đồng won và xây dựng hạ tầng cần thiết, dù Ngân hàng Trung ương nước này cảnh báo rằng việc áp dụng nên diễn ra từng bước.
Tại Trung Quốc, các tập đoàn như JD.com và Ant Group đang kêu gọi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấp phép cho stablecoin dựa trên đồng nhân dân tệ nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của các stablecoin neo theo đồng USD, theo nguồn tin của Reuters.
Các công ty này có kế hoạch nộp đơn xin giấy phép stablecoin tại Hồng Kông, nơi khung pháp lý cho stablecoin sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8 tới.
Trở ngại
Tại cuộc họp ở Thượng Hải, một chuyên gia chính sách từ công ty chứng khoán Guotai Haitong đã trình bày về lịch sử, các loại hình và đặc điểm của tiền mã hóa và stablecoin, đồng thời phân tích các khung pháp lý và chiến lược toàn cầu, theo bài đăng của cơ quan quản lý.
Chuyên gia này cũng trình bày những cơ hội và thách thức mà stablecoin đang đối mặt và đưa ra đề xuất chính sách cho việc phát triển tiền kỹ thuật số.
Ở một diễn biến khác, Yang Tao, phó giám đốc của cơ quan tư vấn chính sách Viện Quốc gia về Tài chính và Phát triển, tuần này cho biết Trung Quốc nên xem xét phát hành stablecoin neo theo đồng nhân dân tệ song song tại Khu Thí điểm Thương mại Tự do Thượng Hải và tại Hồng Kông.
Tuy nhiên, các thay đổi tại Trung Quốc có thể sẽ không dễ dàng, do các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt được cho là một rào cản chính đối với sự phát triển của stablecoin, theo các chuyên gia thị trường.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Pan Gongsheng, cũng từng cảnh báo vào tháng trước rằng sự bùng nổ của tiền kỹ thuật số và stablecoin đang đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống quản lý tài chính.
Trung Quốc đại lục đã cấm giao dịch và khai thác tiền mã hóa vào năm 2021 do lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính.
Mô phỏng hình ảnh các loại tiền mã hóa. Ảnh: Reuters