
Đông Nam Á – đặc biệt là Singapore, Malaysia và Thái Lan – đang rơi vào tâm điểm của chiến dịch siết chặt xuất khẩu công nghệ cao từ Hoa Kỳ, trong đó nổi bật là các dòng chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến của Nvidia. Động thái nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ phục vụ phát triển AI đang đẩy các quốc gia này vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: vừa muốn thu hút đầu tư công nghệ, vừa phải tránh trở thành điểm trung chuyển nhằm né lệnh trừng phạt.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang hoàn tất một dự thảo quy định mới, yêu cầu mọi doanh nghiệp muốn xuất khẩu chip AI sang Malaysia và Thái Lan phải xin giấy phép. Đây là hai quốc gia đang nổi lên như trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương. Theo Bloomberg, mục tiêu của quy định là ngăn chặn việc Trung Quốc mua chip thông qua các đối tác trung gian trong khu vực.
Động thái này xuất phát từ những nghi ngờ rằng một lô chip AI bị cấm xuất khẩu của Nvidia đã được chuyển trái phép sang Malaysia và cuối cùng đến tay startup Trung Quốc DeepSeek. Số chip này nằm trong diện hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc do lo ngại về an ninh công nghệ.
Singapore cảnh báo mạnh tay: Không dung túng hành vi lách luật
Ngày 4/4, chính phủ Singapore phát đi một thông điệp cứng rắn hiếm thấy: các doanh nghiệp không được lợi dụng hệ thống thương mại và vị trí địa lý của quốc đảo này để lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nước khác. Cảnh báo được đưa ra bởi Hải quan Singapore và Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất hiện nghi ngờ rằng chip AI và linh kiện bán dẫn đang bị chuyển hướng sang Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á.
“Chính phủ Singapore không dung túng cho việc sử dụng liên kết với Singapore nhằm vi phạm hoặc né tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của quốc gia khác. Quy định này áp dụng cho mọi đối tác thương mại,” tuyên bố nêu rõ.
Đây là lời cảnh báo ở mức chưa từng có, phản ánh sự nhạy cảm của Singapore trước những cáo buộc gần đây. Vào cuối tháng 2, ba người đàn ông đã bị truy tố vì liên quan đến việc vận chuyển trái phép chip AI của Nvidia ra khỏi Singapore.
Bộ trưởng Pháp luật kiêm Nội vụ Singapore, ông K. Shanmugam, cho biết các máy chủ liên quan do Dell Technologies và Super Micro Computer cung cấp cho một công ty tại Singapore, sau đó đã được chuyển sang Malaysia. Ông nghi ngờ đây là hành vi có chủ đích nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, báo Wall Street Journal đưa tin rằng các khách hàng Trung Quốc đã có thể mua chip AI Blackwell mới nhất của Nvidia thông qua trung gian ở Malaysia, Việt Nam và Đài Loan – những pháp nhân đăng ký bên ngoài Trung Quốc.
Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz cũng nêu câu hỏi vì sao những con chip này lại được phép rời khỏi Singapore, bởi theo ông, “chúng không được phép xuất hiện tại Malaysia”. Ông cho biết nước này sẵn sàng hành động nếu phát hiện doanh nghiệp nội địa vi phạm.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, DeepSeek đã sử dụng các công ty vỏ bọc ở Đông Nam Á để mua chip Nvidia, bất chấp lệnh cấm. Số chip vận chuyển trái phép được cho là trị giá tới 390 triệu USD – một cảnh báo nghiêm trọng về lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Malaysia và Thái Lan: Mất quyền tiếp cận công nghệ Mỹ là rủi ro đầu tư
Wall Street Journal tiết lộ, một nhóm bốn kỹ sư Trung Quốc đã mang theo 60 ổ cứng chứa 4,8 petabyte dữ liệu – đủ để huấn luyện nhiều mô hình AI lớn – đến một trung tâm dữ liệu ở Malaysia. Tại đây, họ thuê 300 máy chủ sử dụng chip Nvidia để huấn luyện AI. Do quy định hiện tại của Mỹ chủ yếu kiểm soát phần cứng vật lý, các giải pháp đám mây vẫn là “kẽ hở” mà Trung Quốc có thể tận dụng.
Malaysia hiện đang thu hút nhiều ông lớn công nghệ như Oracle, Google, Microsoft và Amazon – với tổng cam kết đầu tư 16,9 tỷ USD cho đến năm 2038 vào hạ tầng kỹ thuật số.
Một báo cáo từ Cushman & Wakefield cho thấy, tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu tại Malaysia sẽ giúp nước này đạt mật độ dân số trên mỗi megawatt nhanh hơn bất kỳ thị trường nào ở châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2030. Thái Lan đứng thứ hai và Nhật Bản đứng thứ ba.
Tuy nhiên, thành công đó cũng đặt Malaysia vào tầm ngắm giám sát chặt của Mỹ. Bộ trưởng Công nghiệp Tengku Zafrul Aziz xác nhận đã thành lập tổ công tác với Bộ trưởng Kỹ thuật số Gobind Singh Deo để siết quy định với ngành trung tâm dữ liệu đang bùng nổ.
Tại Thái Lan, CEO Tập đoàn CNTT SVOA – ông Pathom Indarodom – cảnh báo rằng nếu mất quyền tiếp cận các dòng chip GPU tiên tiến như Nvidia A100, H100 hay Blackwell B200, hệ sinh thái AI và khởi nghiệp công nghệ trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số doanh nghiệp điện toán đám mây của Thái Lan đang cân nhắc mở rộng sang quốc gia khác để giảm rủi ro. Ông Supparat Singhara na Ayutthaya, Giám đốc Damac Digital khu vực Đông Nam Á, kêu gọi chính phủ đối thoại với Mỹ nhằm duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.
Theo Hội đồng Đầu tư Thái Lan (BOI), từ 2022 đến 2024 đã có 27 dự án xin cấp phép vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây, với tổng vốn đầu tư 290 tỷ baht (hơn 8 tỷ USD). Tuy nhiên, nếu Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI sang Thái Lan, dòng vốn này có thể bị gián đoạn.
Ông Pathom lo ngại rằng việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài sẽ làm tăng rủi ro mất chủ quyền dữ liệu và làm suy yếu tham vọng biến Thái Lan thành trung tâm AI khu vực. Ông kêu gọi nước này xây dựng liên minh công nghệ với các quốc gia châu Á khác và cân nhắc sử dụng công nghệ thay thế từ Trung Quốc nếu không còn tiếp cận được công nghệ phương Tây, theo Bangkok Post.
Cùng quan điểm, ông Supparat cũng kêu gọi Bộ Thương mại và Bộ Kinh tế – Xã hội Số tăng cường kiểm soát xuất khẩu và đẩy mạnh đối thoại với Mỹ để tránh bị loại khỏi chuỗi công nghệ cao toàn cầu. Ông cảnh báo, nếu không hành động, Thái Lan sẽ bị tụt lại trong cuộc đua AI.
Trong khi đó, ông Somchai Sittichaisrichart – Giám đốc SIS Distribution – cho rằng Thái Lan vẫn có thể nhập chip AI, nhưng quy định mới sẽ yêu cầu xác minh nghiêm ngặt hơn về mục đích sử dụng cuối cùng, nhằm đảm bảo chip không bị tuồn sang Trung Quốc.
Tương lai AI Đông Nam Á: Cơ hội hay rủi ro?
Malaysia, Thái Lan và Singapore đang đứng trước bài toán hóc búa: khẳng định vị thế là trung tâm AI tin cậy, nhưng không trở thành “kênh dẫn” công nghệ cho các bên bị cấm vận.
Singapore hiện là thị trường lớn thứ hai của Nvidia sau Mỹ, chiếm 18% doanh thu toàn cầu trong năm tài chính gần nhất. Tuy nhiên, lượng giao hàng thực tế đến Singapore chỉ chiếm dưới 2% doanh thu – cho thấy phần lớn là giao dịch lập hóa đơn để xuất đi nơi khác, theo Techwire Asia.
Nếu Washington tiếp tục siết xuất khẩu chip AI, chiến lược công nghệ và chính sách đối ngoại của Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng sâu rộng.
Mỹ đang đối mặt với bài toán nan giải: làm sao hạn chế Trung Quốc mà không làm tổn thương các đối tác chiến lược trong khu vực. Siết chặt Malaysia và Thái Lan – hai điểm đến đầu tư công nghệ quan trọng – có thể khiến các quốc gia này tìm đến những lựa chọn thay thế, bao gồm cả Trung Quốc.
Theo Techwire Asia, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết Washington sẽ cho phép các đồng minh mua chip AI nếu được vận hành bởi trung tâm dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ đám mây đã được Mỹ phê duyệt.
Tuy nhiên, các điều kiện bảo mật liên quan đến việc sử dụng chip Mỹ tại trung tâm dữ liệu nước ngoài vẫn còn chưa rõ ràng, đặc biệt ở khu vực Trung Đông.
Để giảm tác động tiêu cực, Mỹ có thể đưa ra một số ngoại lệ, cho phép các doanh nghiệp tại Mỹ và quốc gia thân thiện tiếp tục xuất khẩu chip AI trong thời gian đầu mà không cần giấy phép. Những ngoại lệ này sẽ góp phần bảo vệ chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các nhà máy đóng gói chip tại Đông Nam Á.
Hình minh họa chip Nvidia trên nền cờ Trung Quốc. Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc nhập khẩu chip AI của Nvidia thông qua các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: X Screeng