
Tại một địa điểm ven biển ở mũi đông nam Newfoundland, một tên lửa hoàn toàn mới gần như đã sẵn sàng để phóng. Nó được chế tạo hoàn toàn tại Canada, sử dụng nhiên liệu kerosene và do một công ty khởi nghiệp dẫn đầu với tham vọng vươn tới quỹ đạo. NordSpace đang trên đà thực hiện vụ phóng tên lửa nhiên liệu lỏng thương mại đầu tiên trong lịch sử Canada — một chuyến bay cận quỹ đạo dự kiến diễn ra vào giữa tháng 8.
Đứng sau hỗ trợ cho công ty này là ProtoSpace, bộ phận sản xuất hàng không vũ trụ thuộc công ty Canada Protocase, nổi bật với khả năng sản xuất và giao các linh kiện đạt chuẩn không gian trong vòng 2–3 ngày — nhanh hơn nhiều so với tiêu chuẩn ngành vốn cần hàng tuần hoặc hàng tháng.
Cùng nhau, NordSpace và ProtoSpace đại diện cho nỗ lực ngày càng lớn nhằm xây dựng ngành công nghiệp không gian nội địa của Canada, hỗ trợ cả hạ tầng phóng, chuỗi cung ứng sản xuất và khả năng đưa hàng hóa lên quỹ đạo.
“Canada đã đóng vai trò lâu dài và quan trọng trong không gian,” ông Rahul Goel, CEO kiêm đồng sáng lập NordSpace chia sẻ với Space.com. “Tuy nhiên, chúng ta chủ yếu chỉ tham gia hơn là dẫn dắt, và một trong những mắt xích còn thiếu lớn nhất trong chuỗi giá trị của chúng ta chính là khả năng phóng.”
Mặc dù từng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực như robot và công nghệ không gian — với Canadarm, Dextre, RADARSAT, v.v. — Canada chưa bao giờ tự phóng bất cứ vật thể nào lên quỹ đạo từ lãnh thổ của mình. NordSpace đặt mục tiêu thay đổi điều đó.
Tên lửa Taiga của NordSpace sẽ không đạt quỹ đạo trong lần phóng tháng 8 này, nhưng đây là bước tiến lớn đầu tiên hướng tới mục tiêu dài hạn. Taiga là một phương tiện phóng nhỏ chạy bằng nhiên liệu lỏng, bay ở tốc độ siêu vượt âm, có thể mang hơn 50 kg vượt qua Đường Karman (ranh giới không gian). Chuyến bay thử nghiệm mùa hè này sẽ là màn trình diễn ở độ cao thấp để kiểm chứng khả năng của Taiga.
“Chúng tôi chỉ cần giành được chiến thắng đầu tiên này, rồi sẽ thực hiện chuyến bay thứ hai vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau để chứng minh toàn bộ năng lực của Taiga,” Goel nói.
Chậm mà chắc
NordSpace đang nhắm đến một tiến độ chậm nhưng thực tế trong hành trình hướng đến quỹ đạo. Sau vụ phóng mùa hè này, công ty dự kiến sẽ phóng chuyến Taiga thứ hai vào năm 2026 — một nhiệm vụ không gian ở tốc độ siêu vượt âm. Sau đó sẽ đến lượt tên lửa Tundra, một phương tiện phóng lên quỹ đạo của công ty có quy mô tương đương Electron của Rocket Lab, có khả năng mang 500 kg lên quỹ đạo tầm thấp (LEO) hoặc 250 kg lên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời. NordSpace hy vọng sẽ ra mắt Tundra vào cuối năm 2027.
Khu phóng Atlantic Spaceport Complex (ASX) của NordSpace tại Newfoundland nằm ở vĩ độ 46 độ, cho phép hỗ trợ nhiều quỹ đạo phóng khác nhau. Goel cho biết họ sẽ dùng Tundra làm phương tiện tiên phong trong thị trường hàng hóa nhỏ trong vài năm, đồng thời phát triển một tên lửa lớn hơn.
“Đến cuối thập kỷ này, chúng tôi sẽ thực hiện ít nhất một lần phóng mỗi tháng,” Goel nói. “Chúng tôi nghĩ điều đó hợp lý hơn nhiều so với các công ty mới ra đời đã tuyên bố sẽ phóng 50 lần mỗi năm.”
Sang thập niên 2030, NordSpace dự định phát triển Titan — một tên lửa có khả năng tái sử dụng, đưa 5 tấn hàng lên LEO, sánh ngang với Falcon 9 của SpaceX.
“Chúng tôi xem Canada như một thị trường tiên phong,” Goel nói. Ông ước tính ASX có thể hỗ trợ nhiều lần phóng mỗi năm chỉ với các loại hàng hóa trong nước. Trên thực tế, các nhiệm vụ an ninh quốc gia chính là động lực lớn nhất để Canada phát triển năng lực phóng độc lập.
“Chính họ mới là bên đang gửi đi tín hiệu nhu cầu mạnh mẽ nhất,” ông nói, ám chỉ cơ quan quốc phòng của Canada. Ông bổ sung rằng thông điệp ông nghe được là: “Chúng tôi không muốn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, dù có thân cận đến đâu, để đưa thiết bị của mình lên không gian… Chúng tôi có quá nhiều thiết bị chỉ nằm trên kệ. Vậy sao không gắn chúng vào tên lửa của các anh và phóng lên?”
Goel cho biết NordSpace có thể vươn ra thị trường quốc tế vào khoảng cuối những năm 2030 đầu 2040.
Sản xuất và đổi mới
NordSpace tự phát triển toàn bộ các dòng tên lửa, bao gồm cả động cơ. Động cơ Hadfield (giai đoạn 1) và Garneau (giai đoạn 2) của Taiga đều được in 3D, làm mát tái sinh, và được thử nghiệm tại cơ sở của chính NordSpace, cách trụ sở chính khoảng hai giờ.
Trong khi NordSpace chế tạo tên lửa, ProtoSpace đang hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới và sản xuất tại Canada, phục vụ cho ngành công nghiệp tên lửa và hàng không vũ trụ đang vươn chồi.
Ban đầu, Goel nghĩ rằng họ sẽ phải nhập khẩu rất nhiều linh kiện. Nhưng sau đó, nhóm của ông phát hiện chỉ trong vòng bán kính 10 phút có đến 5 công ty cung cấp linh kiện quan trọng cho động cơ Raptor và Merlin. Động cơ Merlin vận hành Falcon 9 và Falcon Heavy của SpaceX, còn Raptor là động cơ của tên lửa Starship.
Ông Doug Milburn, chủ tịch của ProtoSpace, cho biết công ty này nổi tiếng với mô hình “sản xuất tùy chỉnh khối lượng lớn tốc độ cao”, có thể giao hàng đạt tiêu chuẩn ITAR và Chương trình Hàng hóa Canada chỉ trong vài ngày. “Những ai chiến thắng trong đổi mới là những người có tốc độ,“ Milburn nói với Space.com.
ProtoSpace phục vụ toàn bộ hệ sinh thái không gian tư nhân. Triết lý của công ty là: “Thời gian chờ đợi kéo dài dự án, gây phức tạp cho việc lên lịch và làm tiêu hao sự tập trung cũng như động lực của bạn. Các dự án chậm sẽ tốn kém hơn, và điều này cản trở thành công tổng thể của tổ chức”.
Suy nghĩ lại về quy định
Milburn cho biết ngành hàng không vũ trụ Canada lớn hơn nhiều so với những gì người ta thường công nhận. “Phần lớn những gì cần làm đều có thể thực hiện ở Canada,” ông nói. Nhưng để phóng một tên lửa từ lãnh thổ Canada thì không chỉ là vấn đề sản xuất và lắp ráp linh kiện. NordSpace và các công ty như ProtoSpace phải vượt qua một hệ thống pháp lý vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
“Nếu họ định điều chỉnh không gian tư nhân theo cách mà họ đang quản lý hàng không dân dụng tại Canada, thì mọi thứ sẽ chết từ trong trứng nước,” Milburn nói. Ông cho rằng cảm giác “chúng ta không thể làm điều này ở Canada” từ phía các nhà quản lý là “phản ứng tự nhiên ở một quốc gia vốn dĩ có xu hướng né tránh rủi ro.”
Canada hiện vẫn chưa có hệ thống cấp phép phóng hoàn chỉnh. Vì thế, NordSpace đã cố tình vượt rào — nộp đơn xin giấy phép thương mại cấp phóng quỹ đạo dù chỉ thực hiện một chuyến phóng thử cận quỹ đạo.
Ông Rahul Goel nói rằng công ty muốn buộc vụ phóng của Taiga phải tuân theo các yêu cầu khắt khe dành cho phóng thương mại. Dù điều này đồng nghĩa với rất nhiều thủ tục phải hoàn thành, nhiều hơn mức cần thiết cho một chuyến bay cận quỹ đạo, NordSpace muốn mọi bên liên quan đều hiểu rõ quy trình pháp lý từ đầu.
“Để đến năm 2027, khi chúng tôi sẵn sàng phóng lên quỹ đạo, chúng tôi không bị mắc kẹt ở bệ phóng chỉ vì cơ quan quản lý chưa thể điều chỉnh được hoạt động này, dù họ có muốn đi chăng nữa,” Goel nói.
Ông đồng tình với nhận định của Milburn về việc Canada thận trọng quá mức, nhưng hy vọng NordSpace có thể góp phần thay đổi điều đó.
“Có thể theo thời gian chúng tôi sẽ điều chỉnh được điều này, đặc biệt nếu việc phóng thành công,” Goel nói. “Tôi nghĩ đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ.”
Ông hy vọng tín hiệu đó sẽ lan tỏa khắp cả nước, nhưng không kỳ vọng sự thay đổi sẽ đến ngay lập tức.
“Ở Canada, nếu bạn nói với ai đó rằng bạn đang chế tạo động cơ tên lửa và muốn thử nghiệm trên đất nông trại hoặc khu công nghiệp của họ, họ sẽ phản ứng dị ứng ngay lập tức,” Goel chia sẻ. “Chúng tôi bị đuổi khỏi mọi địa điểm bạn có thể tưởng tượng.”
Cuối cùng, Goel đã mua lại một mỏ cũ để làm nơi thử nghiệm động cơ đẩy của NordSpace, và hy vọng nơi này sẽ được chia sẻ với các công ty khác trong tương lai.
NordSpace không xây dựng ngành không gian chỉ cho riêng mình. Khu phóng rộng 60 hecta tại Newfoundland sẽ có hai bệ phóng, trong đó một bệ dành riêng cho đối tác bên ngoài.
“Chúng tôi đang xây hai bệ… một trong số đó sẽ dành cho đơn vị khác,” Goel nói. “Lý tưởng nhất,” ông nói thêm, “là một đối tác trong nước, nhưng cũng có thể là nước ngoài.”
“Việc này rất thử thách,” ông chia sẻ về hành trình xây dựng NordSpace. “Bạn có một doanh nhân là fan cuồng không gian từ nhỏ, dành cả thập kỷ qua để tự tích góp tài sản… và bây giờ đầu tư tất cả vào Canada — đó là lựa chọn duy nhất.”
“Tôi coi đó là trách nhiệm to lớn khi xây dựng hạ tầng mà người Canada khác có thể tận dụng,” ông nói. “Đồng thời, đây cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho chúng tôi.”
Gói khởi động cho cơ quan không gian
Không giống ở Mỹ, các công ty Canada không bị ràng buộc bởi ITAR (Quy định về Giao thương Vũ khí Quốc tế). Theo Goel, điều này khiến mô hình kinh doanh và công nghệ của NordSpace hấp dẫn hơn với thị trường toàn cầu.
“Theo nhiều cách, chúng tôi có thể sao chép mô hình này sang các quốc gia đang muốn xây dựng năng lực phóng và chương trình không gian chủ quyền, nhưng lại thiếu cơ sở kỹ thuật, sản xuất và công nghiệp,” ông nói.
CEO NordSpace cho biết công ty đã bắt đầu đàm phán với các quốc gia như Kenya, Philippines, Peru và những nước khác.
“Tôi không muốn đây là câu chuyện về những người làm được điều tưởng như không thể,” Goel chia sẻ. “Điều này hoàn toàn khả thi.”
“Đây không phải là một dự án trị giá hàng tỷ USD,” ông nói thêm. “Chúng tôi hoàn toàn có thể làm việc này với dưới 100 triệu USD.”
Goel xem NordSpace không chỉ là một doanh nghiệp — mà là tuyên ngôn quốc gia.
“Tôi thật sự mong rằng câu chuyện này không chỉ mang lại tác động kinh tế, an ninh và môi trường như chúng tôi kỳ vọng, mà còn trở thành biểu tượng cho Canada, cho khả năng của chúng ta trong nhiều lĩnh vực khác — không chỉ là không gian,” Goel nói. “Tôi tin rằng không gian có sức truyền cảm hứng vượt trội so với bất kỳ lĩnh vực nào khác.”
NordSpace hy vọng cơ sở ở Canada sẽ trở thành nơi phục vụ nhiều nhà cung cấp dịch vụ phóng trong tương lai. Ảnh: NordSpace
NordSpace thử nghiệm đốt tĩnh động cơ đẩy. Ảnh: NordSpace
Động cơ Hadfield (giai đoạn 1) và Garneau (giai đoạn 2) của tên lửa Taiga được in 3D, làm mát tái sinh, và thử nghiệm tại cơ sở sản xuất riêng của NordSpace. Ảnh: NordSpace