
Một trong những vệ tinh tiên tiến nhất trong việc theo dõi khí thải nhà kính đã ngừng hoạt động trong không gian chỉ sau hơn một năm kể từ khi phóng.
MethaneSAT, do tổ chức phi lợi nhuận Environmental Defense Fund (EDF) xây dựng và vận hành, được phóng lên quỹ đạo vào tháng 3 năm 2024 trong khuôn khổ sứ mệnh Transporter-10 của SpaceX. Vệ tinh này được thiết kế để phát hiện các điểm nóng phát thải khí methane trên toàn cầu – đặc biệt là từ hoạt động khai thác dầu khí – và cung cấp dữ liệu phân tích nguồn phát thải miễn phí cho công chúng.
Tuy nhiên, sau một năm thu thập dữ liệu, vệ tinh này đã ngừng hoạt động hoàn toàn. “Vào thứ Sáu, ngày 20 tháng 6, nhóm điều hành MethaneSAT đã mất liên lạc với vệ tinh. Sau khi thử mọi phương án khôi phục liên lạc, sáng nay chúng tôi xác nhận rằng vệ tinh đã mất nguồn điện và nhiều khả năng là không thể phục hồi,” EDF thông báo vào hôm thứ Ba (1/7).
MethaneSAT được thiết kế như một công cụ độc lập nhằm đối chiếu các báo cáo khí hậu của các doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách xác minh dữ liệu phát thải từ ngành công nghiệp. “MethaneSAT được tạo ra để thúc đẩy giảm phát thải methane thông qua mức độ minh bạch chưa từng có,” theo trang web của dự án.
EDF liệt kê 10 đối tác đã góp phần hiện thực hóa vệ tinh trị giá 88 triệu USD, bao gồm BAE Systems, Đại học Harvard, Cơ quan Vũ trụ New Zealand, Quỹ Bezos Earth Fund, Google và nhiều đơn vị khác. Mặc dù MethaneSAT hiện không còn hoạt động, nhóm vận hành cho biết họ vẫn cam kết khai thác dữ liệu đã thu thập được để mang lại tác động thực tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý dữ liệu thu được từ vệ tinh và sẽ công bố thêm các cảnh đo lường phát thải quy mô khu vực tại các vùng khai thác dầu khí toàn cầu trong vài tháng tới,” EDF tuyên bố. “Giải quyết thách thức khí hậu đòi hỏi hành động táo bạo và chấp nhận rủi ro, và vệ tinh này nằm ở tuyến đầu của khoa học, công nghệ và vận động chính sách.”
Hình minh họa vệ tinh MethaneSAT trên quỹ đạo. Ảnh: EDF