
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư (2-7-2025) tuyên bố Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam – thỏa thuận lớn thứ ba của chính quyền ông trước hạn chót ngày 9/7. “Tôi vừa hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Việt Nam,” Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. Ông cho biết thêm, thỏa thuận đạt được sau cuộc trò chuyện với Tổng Bí thư Tô Lâm, người ông gọi là “rất được kính trọng”. Tuy nhiên, phía Việt Nam hiện chưa có phản hồi chính thức về tuyên bố này.
Trump cho biết hai bên đã nhất trí áp mức thuế 20% với tất cả hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ và thuế 40% đối với hàng hóa chuyển tải — tức những hàng hóa có nguồn gốc từ nước khác (như Trung Quốc) nhưng được chuyển qua Việt Nam.
Hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận này đã được chính thức ký kết hay Việt Nam có thực sự đồng ý với tuyên bố của Trump hay không.
“Đổi lại, Việt Nam sẽ làm điều mà họ chưa từng làm trước đây: cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận toàn diện vào thị trường của họ, tức là ‘MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG CHO HOA KỲ’, nghĩa là chúng ta sẽ có thể bán hàng hóa vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%,” ông nói thêm.
Ông cũng nói rằng Việt Nam sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại. Tổng thống Mỹ gợi ý rằng các hãng ô tô Mỹ có thể đưa thêm các mẫu SUV vào thị trường Đông Nam Á này.
Nếu được xác nhận, thỏa thuận với Việt Nam sẽ là thỏa thuận thương mại thứ hai của Mỹ kể từ khi Trump tạm hoãn việc áp thuế cao theo kế hoạch “Ngày Giải phóng.” Trước đó, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Vương quốc Anh và đạt được thỏa thuận khung sơ bộ với Trung Quốc để tiến tới một thỏa thuận lớn hơn.
Hạn chót ngày 9/7 đang thu hút sự chú ý những tuần gần đây khi nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc hoàn tất thỏa thuận. Đầu tuần này, Trump nói rằng đàm phán với Nhật Bản đã đổ vỡ và đe dọa áp thuế cao hơn mức “Ngày Giải phóng” 24%, có thể lên đến 30% hoặc 35%.
“Tôi không chắc chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận,” Trump nói. “Tôi nghi ngờ với Nhật Bản. Họ rất cứng rắn. Bạn phải hiểu rằng họ rất được nuông chiều.”
Nhân dịp đó, Trump cũng cảnh báo rằng ông có thể sẽ giữ nguyên hạn chót ngày 9/7 và ban hành mức thuế mới thay vì gia hạn thêm việc tạm hoãn thuế.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận mức thuế phổ thông 10% cho nhiều loại hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đang tìm kiếm miễn trừ đối với dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại.
Trong nhiều tháng qua, Trump và chính quyền của ông liên tục tuyên bố rằng các quốc gia đang xếp hàng chờ ký kết thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ. Nhưng trước ngày 9 tháng 7—khi thời hạn tạm hoãn 90 ngày đối với chính sách thuế đối ứng kết thúc và các mức thuế có thể tăng tới 50%—hầu như chưa có gì cụ thể xảy ra. Việc khôi phục các mức thuế cao chưa từng có trước đây có nguy cơ gây rung chuyển thị trường tài chính và phá vỡ các kế hoạch kinh doanh.
Nếu theo đúng các mức thuế mà Trump công bố hồi tháng Tư, thuế suất đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ tăng tối thiểu lên 46%—một trong những mức cao nhất mà ông từng công bố.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ, xếp thứ sáu trong số các nước xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ năm ngoái với tổng trị giá 137 tỷ USD, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Con số này cao gấp đôi lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ cách đây năm năm.
Công nhân tại TP.HCM đang may quần áo. Ảnh: AFP