
Jared Isaacman, doanh nhân và phi hành gia tư nhân từng được Nhà Trắng đề cử làm Giám đốc NASA, cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi một số mục tiêu từng đặt ra cho cơ quan này — dù hiện không còn giữ vai trò chính thức trong nội bộ NASA.
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển Không gian Quốc tế ngày 21/6, nơi ông đại diện cho sứ mệnh Polaris Dawn để nhận giải thưởng Wernher von Braun của Hội Không gian Quốc gia, Isaacman cho biết ông quan tâm đến việc hỗ trợ các sứ mệnh khoa học do tư nhân tài trợ. Đây cũng là một trong những lần xuất hiện đầu tiên của ông trước công chúng kể từ khi Nhà Trắng rút đề cử chức Giám đốc NASA cách đây ba tuần.
Isaacman cũng muốn NASA hợp tác sâu rộng hơn với các tổ chức học thuật trong các sứ mệnh khoa học, đặc biệt là những dự án có thể huy động được nguồn lực tài chính từ chính các đơn vị học thuật. “Tôi mong NASA sẽ giữ vai trò dẫn dắt trong không gian và nền kinh tế quỹ đạo, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức khác cùng thực hiện những sứ mệnh khoa học đầy hứa hẹn,” ông nói.
Ông cho biết, dù không còn giữ vai trò lãnh đạo trong NASA, bản thân vẫn quan tâm đến việc biến ý tưởng này thành hiện thực. “Tôi hoàn toàn sẵn lòng thử nghiệm một sứ mệnh robot do tư nhân tài trợ, để chứng minh rằng mô hình đó có thể vận hành hiệu quả và thu hút các trường đại học hàng đầu cùng tham gia. Đây là điều mà tôi đang suy nghĩ nghiêm túc.”
Trong bài phát biểu và phần trò chuyện ngắn tại sự kiện, Isaacman không đề cập nhiều đến việc đề cử bị rút lại, mà tập trung chia sẻ về trải nghiệm bay vào không gian và những kỳ vọng mà ông từng có với NASA. Trước đó, trong một podcast phát hành đầu tháng này, ông từng bày tỏ mong muốn cơ quan này nên cắt giảm quan liêu và ưu tiên các chương trình mang tính “đột phá thực sự.”
“Tôi chỉ muốn đưa NASA quay lại với tinh thần chinh phục những điều gần như bất khả thi. Hiện có rất nhiều dự án nhỏ, cũng thú vị, nhưng nhiều trong số đó hoàn toàn có thể do các tổ chức khác đảm nhận.”
Nếu được điều hành NASA, ông cho biết mình sẽ ưu tiên đưa con người trở lại Mặt Trăng, cũng như đặt nền móng vững chắc để tiến tới sao Hỏa. Một mục tiêu quan trọng khác là đầu tư vào công nghệ đẩy điện hạt nhân, mà theo ông là then chốt cho các sứ mệnh khám phá không gian sâu.
Đề cử Isaacman bị rút lại chỉ một ngày sau khi NASA công bố đề xuất ngân sách năm tài khóa 2026 với mức cắt giảm gần 25% tổng chi tiêu, bao gồm việc loại bỏ toàn bộ kinh phí cho chương trình phát triển động cơ đẩy hạt nhân. Báo cáo của NASA cho rằng công nghệ này là khoản đầu tư tốn kém, cần nhiều năm phát triển, và hiện chưa được xác định là lựa chọn phù hợp cho các sứ mệnh không gian sâu.
Phát biểu tại hội nghị, Isaacman cho rằng sự thất vọng của dư luận là hoàn toàn có cơ sở, nhưng ông vẫn lạc quan về tương lai của ngành. “Nếu nhìn rộng ra khỏi giai đoạn khó khăn này, có thể thấy đây là thời kỳ hứa hẹn nhất của ngành hàng không vũ trụ kể từ những năm 1960,” ông nói.
Ông cũng lập luận rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho lĩnh vực này: “Tôi không tin rằng ngân sách dành cho khoa học và khám phá không gian sẽ giảm xuống dưới 20 tỷ USD mỗi năm.” (Đề xuất ngân sách cho NASA năm 2026 hiện chỉ ở mức 18,8 tỷ USD, thấp hơn 6 tỷ USD so với năm trước.)
Isaacman cho biết, ngoài ngân sách công, hiện có những cá nhân cực kỳ giàu có như Elon Musk và Jeff Bezos — hai người giàu nhất thế giới — sẵn sàng đầu tư khối tài sản khổng lồ để đưa con người vượt qua ranh giới của Trái đất và tiến ra không gian.
Polaris Dawn, sứ mệnh do chính Isaacman tài trợ và làm chỉ huy, vốn là chuyến bay đầu tiên trong loạt ba sứ mệnh mà ông từng lên kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, ông đã tạm gác các kế hoạch tiếp theo sau khi được đề cử làm Giám đốc NASA. Giờ đây, ông cho biết đang tranh thủ quãng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để ở bên gia đình — kỳ nghỉ dài đầu tiên của ông kể từ khi bắt đầu làm việc ở tuổi 16.
Dù vậy, Isaacman vẫn để ngỏ khả năng quay lại vũ trụ: “Tôi không nghĩ rằng Polaris Dawn là chuyến bay cuối cùng của mình. Nhưng hiện tôi cũng chưa rõ nó sẽ tiếp diễn dưới hình thức nào. Cứ chờ xem.”
Jared Isaacman nhận giải thưởng Wernher von Braun của Hội Không gian Quốc gia vào ngày 21/6. Ảnh: SpaceNews