
Khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai và tái khởi động chính sách thuế quan, giới kinh tế dự báo giá cả sẽ tăng vọt, gây ra làn sóng lạm phát mới. Nhưng đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát tháng 5/2025 chỉ ở mức 2,4% — thấp hơn dự báo và gần mức thấp nhất trong hơn ba năm. Chỉ số lạm phát lõi PCE cũng chỉ ở mức 2,5%. Điều này trái ngược với lo ngại của các nhà kinh tế, những người từng dự báo lạm phát có thể vượt 6% vào cuối năm.
Đây là một kết quả cách biệt đáng kể so với dự báo trước đó của cả giới kinh tế lẫn người tiêu dùng. Hàng tháng trời, lạm phát vẫn thấp hơn dự kiến của Phố Wall, bất chấp việc các doanh nghiệp Mỹ liên tục cảnh báo sẽ phải tăng giá do mức thuế quan cao kỷ lục.
Rất ít mặt hàng thực sự tăng giá
Dù mức thuế quan hiệu dụng đã tăng lên 14,1% — cao gấp sáu lần so với năm trước — giá cả vẫn giữ ổn định. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, chỉ một số mặt hàng như máy tính và thiết bị nghe nhìn tăng giá. Nguyên nhân là các nhà bán lẻ vẫn bán hàng tồn kho nhập trước khi thuế có hiệu lực.
Tuy nhiên, Powell nhấn mạnh rằng sự tăng giá này chưa lan rộng, vì các cửa hàng vẫn đang bán hàng tồn kho được nhập trước khi mức thuế mới có hiệu lực.
“Hàng hóa bán tại các nhà bán lẻ hiện nay có thể đã được nhập về từ vài tháng trước, trước khi thuế được áp,” Powell giải thích.
Công ty nghiên cứu Telsey Advisory Group, theo dõi giá của 80 mặt hàng tiêu dùng thuộc nhiều danh mục khác nhau, báo cáo rằng chỉ có 19 sản phẩm tăng giá kể từ giữa tháng Tư — trong khi 16 mặt hàng giảm giá. Tương tự, chuyên trang Wirecutter của New York Times theo dõi giá 40 sản phẩm hàng đầu trong hai tháng và phát hiện rằng phần lớn không đổi: chỉ có 10 món tăng giá và chỉ một nửa trong số đó tăng hơn 7%.
“Hiện tại vẫn chưa có nhiều đợt tăng giá đáng kể, vì nhiều nhà bán lẻ vẫn đang bán nốt hàng tồn có giá nhập rẻ hơn,” CEO Dana Telsey của Telsey Advisory Group nói với CNN.
Ngay cả ô tô — mặt hàng chịu thuế 25%, cộng thêm thuế lên đến 25% đối với một số phụ tùng nhập khẩu — cũng không tăng giá, mà thậm chí còn giảm. Theo trang Edmunds, giá xe mới giảm 0,2% trong tháng 5, và chỉ tăng 2,5% so với thời điểm trước thuế. Theo Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) của BLS, cả xe mới và xe cũ đều giảm giá trong tháng 5.
Vậy chuyện gì đang xảy ra? Phải chăng các nhà kinh tế đã tính sai?
Không hẳn. Dự báo của họ vẫn có thể trở thành hiện thực — và đa phần các nhà kinh tế vẫn giữ nguyên quan điểm. Nền kinh tế Mỹ cực kỳ lớn và phức tạp, nên việc dự đoán giá cả sẽ tăng hay giảm vào thời điểm nào là điều rất khó — đặc biệt khi chính sách thuế quan của Trump thay đổi thất thường.
Chính quyền Trump đã nhanh chóng tuyên bố chiến thắng. Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định thuế quan không gây lạm phát và lặp lại luận điểm rằng chính sách của Trump giúp giữ giá ổn định và tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lưu ý rằng tác động của thuế có thể đến muộn.
Một số chuyên gia như Joseph Lavorgna (Bộ Tài chính) cho rằng các nhà sản xuất nước ngoài đang hấp thụ chi phí thuế, giúp giữ giá trong nước ổn định. Ông nhấn mạnh “thuế quan không xuất hiện trong bất kỳ dữ liệu nào.”
Các nhà kinh tế cảnh báo: Hãy chờ xem
Nhiều nhà kinh tế chính thống cho rằng lạm phát thấp trong mùa xuân chỉ là sự yên ả trước cơn bão mùa hè, khi giá cả được dự báo sẽ tăng.
“Vấn đề không phải là có xảy ra hay không, mà là khi nào sẽ xảy ra,” bà Stephanie Roth, kinh tế trưởng tại Wolfe Research, nói với CNN.
Các tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart, Target, Lululemon, Home Depot và Costco đã tuyên bố trong những tuần gần đây rằng họ sẽ phải tăng giá một số mặt hàng do áp lực từ thuế. Dù một số chuỗi cam kết giữ giá thấp cho đa số sản phẩm, họ thừa nhận rằng vì mô hình kinh doanh biên lợi nhuận thấp, khi không có hàng thay thế sản xuất tại Mỹ — hoặc nếu hàng Mỹ đắt hơn — họ sẽ buộc phải chuyển phần chi phí này sang người tiêu dùng.
Người tiêu dùng không phải là nhóm duy nhất chịu ảnh hưởng, theo ông Sid Malladi, CEO của Nuvo — công ty chuyên quản lý chuỗi cung ứng và quan hệ thương mại cho doanh nghiệp. Việc tăng giá cũng sẽ đè nặng lên doanh nghiệp, nhiều công ty ban đầu chấp nhận chịu giảm biên lợi nhuận để giữ giá ổn định càng lâu càng tốt. Nhưng điều đó có thể dẫn đến các quyết định đầy khó khăn về khả năng sa thải hoặc cắt giảm chi phí trong những tháng tới.
“Chúng ta mới chỉ đang ở hiệp đầu tiên. Không ai muốn là người đầu tiên ra sân,” Malladi nói. “Nếu bạn tăng giá lúc này, bạn có thể bị người tiêu dùng quay lưng. Nhiều doanh nghiệp sẽ chọn cắn răng chịu lỗ trong vài tháng.”
Powell cũng đồng ý với mốc thời gian mùa hè này, và nói rằng nhiều công ty đã báo với Fed rằng họ sẽ chuyển chi phí thuế quan dọc theo chuỗi cung ứng.
“Nhiều công ty cho biết họ sẽ chuyển toàn bộ hoặc một phần chi phí thuế sang người kế tiếp trong chuỗi cung ứng, và cuối cùng là người tiêu dùng,” Powell nói. “Chúng ta đã bắt đầu thấy một số tác động. Và sẽ còn thấy nhiều hơn.”
Nhân viên kiểm kê hàng hóa tại siêu thị Walmart Supercenter, ngày 15 tháng 5 ở Austin, Texas. Ảnh: Getty Images