
Trung Quốc từ lâu đã thành thạo trong việc kiểm soát không gian mạng, vận hành một trong những hệ thống kiểm duyệt và giám sát trực tuyến rộng lớn nhất thế giới. Với yêu cầu xác minh danh tính bắt buộc trên mọi nền tảng trực tuyến, việc người dùng ẩn danh gần như đã trở nên bất khả thi.
Tuy nhiên, môi trường mạng vốn đã được kiểm soát chặt chẽ này sắp bước vào một giai đoạn kiểm soát còn nghiêm ngặt hơn, với việc triển khai thẻ định danh Internet quốc gia (national internet ID) do Nhà nước cấp.
Thay vì yêu cầu người dùng nộp thông tin cá nhân riêng biệt cho từng nền tảng, chính phủ Trung Quốc muốn tập trung hóa quy trình xác minh danh tính, thông qua một ID ảo duy nhất, cho phép người dùng đăng nhập trên nhiều mạng xã hội và trang web khác nhau.
Các quy định cho hệ thống mới – hiện vẫn mang tính tự nguyện – được công bố vào cuối tháng 5 và sẽ chính thức có hiệu lực vào giữa tháng 7. Theo quy định, mục tiêu của hệ thống là “bảo vệ thông tin định danh công dân và hỗ trợ phát triển nền kinh tế số một cách lành mạnh, trật tự.”
Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng chính sách mới sẽ tiếp tục xói mòn quyền tự do ngôn luận vốn đã rất hạn chế, khi người dùng Internet phải trao quyền kiểm soát lớn hơn cho Nhà nước.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát không gian số, với đội ngũ kiểm duyệt hoạt động 24/7 để xóa bài viết, đình chỉ tài khoản và truy tìm những người chỉ trích chính quyền – dập tắt mọi manh nha bất đồng trước khi lan rộng.
Quy định cuối cùng được công bố sau một năm lấy ý kiến công chúng – bước đi thường thấy trong quá trình làm luật ở Trung Quốc. Trong thời gian tham vấn, đề xuất đã vấp phải phản ứng từ giới học giả luật, chuyên gia và một số người dùng Internet. Tuy nhiên, nội dung ban hành gần như không thay đổi so với bản dự thảo ban đầu.
“Đây là một hệ thống định danh thống nhất do Nhà nước lãnh đạo, có khả năng giám sát theo thời gian thực và chặn người dùng chỉ bằng một nút bấm,” ông Xiao Qiang, nhà nghiên cứu về tự do Internet tại Đại học California, Berkeley, nhận xét. “Nó không chỉ là công cụ giám sát – mà còn là hạ tầng của chế độ toàn trị kỹ thuật số.”
Trước đây, việc kiểm soát mảng Internet khổng lồ của Trung Quốc được phân cấp cho nhiều nhóm khác nhau, trong đó các nền tảng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xử lý nội dung “nhạy cảm”. Theo ông Xiao, một hệ thống tập trung như ID Internet sẽ giúp chính phủ dễ dàng xóa sổ hoàn toàn sự hiện diện của một người dùng trên nhiều nền tảng cùng lúc.
Shane Yi, nhà nghiên cứu tại tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, cũng đồng tình. Cô cho rằng hệ thống này cho phép chính phủ Trung Quốc làm bất kỳ điều gì họ muốn trên mạng Internet, khi họ có thể truy dấu toàn bộ hoạt động số của người dùng “từ điểm khởi đầu”.
Trong nước, truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi thẻ ID Internet là “áo giáp chống đạn cho thông tin cá nhân”, giúp giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Theo Tân Hoa Xã, đến tháng 5/2025 đã có hơn 6 triệu người đăng ký sử dụng thẻ ID này, trên tổng số hơn một tỷ người dùng Internet tại Trung Quốc.
Một quan chức an ninh mạng từ Bộ Công an nói với Tân Hoa Xã rằng dịch vụ ID Internet là hoàn toàn “tự nguyện”, nhưng chính phủ khuyến khích các ngành nghề và lĩnh vực tích hợp hệ thống này.
“Mục tiêu của nó là cung cấp cho cá nhân một phương thức xác minh danh tính an toàn, tiện lợi, có thẩm quyền và hiệu quả, hỗ trợ cho phát triển kinh tế số,” người này cho biết.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu hệ thống này có thực sự “tự nguyện” hay không, đồng thời cảnh báo về nguy cơ rò rỉ dữ liệu, khi thông tin cá nhân được thu thập tập trung ở quy mô toàn quốc.
Haochen Sun, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nhận định dù pháp lý trình bày hệ thống là tùy chọn, nó có thể dần trở thành một cơ chế mà người dùng khó có thể từ chối.
“Nếu chính phủ muốn thúc đẩy hệ thống định danh này, họ có thể làm bằng nhiều cách – chẳng hạn như khuyến khích người dân sử dụng bằng cách đổi lại các tiện ích, quyền truy cập rộng hơn,” ông nói.
Ông Sun cũng lo ngại về rủi ro bảo mật:
“Một nền tảng tập trung toàn quốc về bản chất là điểm yếu duy nhất, là mục tiêu hấp dẫn cho tin tặc hoặc các thế lực thù địch nước ngoài.”
Trên thực tế, rò rỉ dữ liệu của chính phủ đã xảy ra ở nhiều nơi. Tại Trung Quốc, một vụ việc nổi bật năm 2022 là cơ sở dữ liệu cảnh sát bị lộ, làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn một tỷ công dân lên mạng.
Dù các quy định mới đến giữa tháng 7 mới có hiệu lực, hàng trăm ứng dụng đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống ID Internet từ năm ngoái.
Ngay sau khi chính phủ mở đợt lấy ý kiến vào tháng 7 năm ngoái, nhiều chuyên gia và học giả luật đã lên tiếng phản đối.
Giáo sư Lao Dongyan của Đại học Thanh Hoa so sánh hệ thống với việc “lắp thiết bị giám sát lên mọi hoạt động trực tuyến của từng cá nhân”, trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo.
Tuy nhiên, bài đăng bị xóa nhanh chóng, và tài khoản của bà bị cấm đăng bài trong ba tháng vì “vi phạm quy định liên quan”.
Đến cuối tháng 5, khi quy định chính thức được công bố, gần như không còn bất kỳ lời chỉ trích nào có thể tìm thấy trên mạng.
Một người đàn ông sử dụng laptop bên ngoài quán cà phê ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images