
Đài Loan đã tham gia vào chiến dịch kéo dài nhiều năm của Mỹ nhằm kìm hãm sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc khi hòn đảo này đưa các tập đoàn hàng đầu về AI và sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách đen — một bước đi chưa từng có tiền lệ có thể báo hiệu một nỗ lực mới nhằm cô lập ngành bán dẫn quyền lực của đại lục.
Đài Bắc mới đây đã bổ sung Huawei Technologies và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (SMIC) vào danh sách thực thể bị hạn chế, cấm các công ty tại Đài Loan làm ăn với hai tập đoàn này nếu không có giấy phép. Đây là lần đầu tiên giới chức Đài Loan sử dụng danh sách đen này để trừng phạt các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, lấy cảm hứng từ cách tiếp cận lâu nay của Mỹ trong việc chặn quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Động thái này cũng đánh dấu hành động công khai đầu tiên của Đài Loan liên quan đến hạn chế xuất khẩu chip kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Lai Thanh Đức cam kết vào tháng 4 sẽ giải quyết những lo ngại chưa được nêu rõ từ phía Washington. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thúc giục Đài Bắc phải đóng vai trò lớn hơn trong việc hạn chế công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là trong việc thực thi các lệnh cấm hiện tại, theo các nguồn tin ẩn danh.
Một ủy ban của Quốc hội Mỹ chuyên về Trung Quốc sau đó cho biết Mỹ “phải tiếp tục hợp tác với các đối tác để đảm bảo các nỗ lực chuyển giao công nghệ bất hợp pháp của Trung Quốc bị chặn đứng.”
Quyết định của Đài Bắc có thể là bước đầu tiên trong chuỗi các biện pháp siết chặt luồng công nghệ chuyển sang Trung Quốc, đánh dấu sự chuyển hướng khỏi chính sách ưu ái quan hệ làm ăn hai bờ eo biển. Mục tiêu dài hạn có thể là làm chậm nguồn cung các thành phần cốt lõi, vật liệu silicon và chuyên môn xây dựng nhà máy — những yếu tố đã góp phần đưa TSMC trở thành nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới.
“Chuyển biến gần đây là một bước đi có thực chất trong cạnh tranh công nghệ chiến lược với Trung Quốc,” theo ông Chiang Min-yen, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Dân chủ, Xã hội và Công nghệ Mới nổi do chính quyền Đài Loan tài trợ. “So với các nền dân chủ công nghệ có cấu trúc công nghiệp tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan hiện đang có lập trường quyết đoán hơn.”
Ông Lai Thanh Đức không nêu cụ thể những bước đi Đài Loan sẽ thực hiện để đáp lại những mối quan ngại của Mỹ, mà chỉ đề cập đến chiến lược rộng hơn nhằm tăng cường quan hệ thương mại với Washington. Hiện vẫn chưa rõ lệnh trừng phạt Huawei và SMIC có liên quan đến đàm phán thuế quan với Mỹ hay không, hoặc liệu đây có phải là yêu cầu cụ thể từ Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ, Nhà Trắng, Văn phòng Đàm phán Thương mại Đài Loan và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Mỹ đã gây áp lực lên Đài Loan kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump, khi các quan chức yêu cầu Đài Bắc ngăn TSMC bán chip cho Trung Quốc — trước cả khi Mỹ áp lệnh hạn chế một số lô hàng của TSMC đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Washington tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với Trung Quốc, bao gồm cả chip lẫn thiết bị sản xuất chip. Nhiều lệnh cấm này sử dụng cơ chế “quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” nhằm giới hạn hoạt động của các công ty nước ngoài — bao gồm cả công ty Đài Loan — nếu sản phẩm của họ có chứa dù chỉ một phần nhỏ công nghệ Mỹ.
Một mối quan tâm lớn của giới chức Mỹ — dưới thời Trump và cả người tiền nhiệm — là đảm bảo Đài Bắc siết chặt việc TSMC tuân thủ các hạn chế theo quy định của Mỹ. Năm ngoái, TSMC — nhà cung cấp chip cho Apple và Nvidia — đã vô tình sản xuất 2,9 triệu khuôn chip AI cho Huawei, theo ước tính từ các nhà nghiên cứu. Số chip này được chuyển qua một trung gian sau đó bị Mỹ trừng phạt và đã bị TSMC cắt quan hệ. TSMC hiện đang phối hợp với Mỹ trong cuộc điều tra liên quan.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động kinh doanh khác chưa nằm trong phạm vi cấm của Mỹ — như hợp đồng xây dựng hoặc bán một số linh kiện. Năm 2023, có thông tin cho biết một số công ty Đài Loan đang giúp Huawei xây dựng hạ tầng cho mạng lưới nhà máy sản xuất chip bí mật tại miền nam Trung Quốc. Giới chức Đài Loan khi đó nói sẽ điều tra các công ty này, nhưng chưa hành động đáng kể — cho đến bây giờ.
Việc các nước láng giềng của Bắc Kinh công khai nhắm vào các doanh nghiệp chiến lược lớn của Trung Quốc là điều bất thường. Dù Nhật Bản đã tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế thiết bị sản xuất chip tiên tiến đến Trung Quốc, nhưng cả Tokyo lẫn Seoul đều chưa đưa Huawei hay SMIC vào danh sách đen.
Về mặt kỹ thuật, danh sách thực thể của Đài Loan hiện tại chưa làm gián đoạn ngay các hoạt động kinh doanh thông thường, một phần vì không áp dụng với các công ty đăng ký ở đại lục. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã lập chi nhánh tại Trung Quốc đại lục từ lâu, và Đài Bắc không có thẩm quyền với các pháp nhân này.
“Tôi không nghĩ tuyên bố này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến cả Đài Loan lẫn Huawei và SMIC,” theo nhà phân tích Steven Tseng của Bloomberg Intelligence. “Huawei và SMIC không còn phụ thuộc vào Đài Loan nhiều như trước, vì họ đã thiết lập được chuỗi cung ứng nội địa khá tốt tại Trung Quốc.”
Điều quan trọng là thông điệp mà ông Lai đang gửi đi.
Vị tân lãnh đạo đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đảng Dân Tiến của ông vừa tung ra một video tuần qua kêu gọi doanh nghiệp Đài Loan đa dạng hóa thay vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc — trái ngược với chiến lược đầu tư mạnh vào đại lục suốt hàng thập kỷ qua. Foxconn từng xây dựng khu tổ hợp lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, còn TSMC có nhà máy chip tại Thượng Hải và Nam Kinh.
Đầu tư hàng năm của Đài Loan vào Trung Quốc đạt đỉnh 14,6 tỷ USD vào năm 2010, nhưng đã giảm còn 3,6 tỷ USD vào năm ngoái.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt của Đài Loan đối với Huawei và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) có liên quan đến các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra với Washington hay không, hoặc liệu Mỹ có yêu cầu cụ thể bước đi đó hay không. Ảnh: Bloomberg