
Một thẩm phán liên bang hôm thứ Sáu đã chặn nỗ lực của chính quyền Trump trong việc ngăn Đại học Harvard tiếp nhận sinh viên quốc tế.
Phán quyết từ Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ Allison Burroughs duy trì quyền của Harvard được tiếp nhận sinh viên nước ngoài trong khi vụ kiện đang được giải quyết. Đây là một chiến thắng nữa dành cho trường này khi họ đang đấu tranh chống lại nhiều lệnh trừng phạt từ chính phủ trong cuộc đối đầu với Nhà Trắng.
Harvard đã kiện Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ vào tháng Năm sau khi cơ quan này thu hồi giấy chứng nhận cho phép trường tiếp nhận sinh viên quốc tế và cấp giấy tờ cho thị thực của họ. Hành động này của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ sẽ buộc khoảng 7.000 sinh viên quốc tế của Harvard phải chuyển trường hoặc đối mặt với nguy cơ cư trú bất hợp pháp tại Mỹ. Sinh viên nước ngoài mới cũng sẽ bị cấm đến học tại Harvard.
Nhà trường gọi đây là hành động trả đũa bất hợp pháp vì Harvard đã từ chối các yêu cầu từ Nhà Trắng liên quan đến việc cải tổ các chính sách về biểu tình trong khuôn viên trường, tuyển sinh, tuyển dụng và các vấn đề khác. Burroughs đã tạm thời đình chỉ quyết định của chính phủ chỉ vài giờ sau khi Harvard nộp đơn kiện.
Chưa đầy hai tuần sau, vào đầu tháng Sáu, ông Trump tiếp tục tìm cách cấm sinh viên quốc tế nhập cảnh vào Mỹ để theo học tại Harvard, lần này viện dẫn một cơ sở pháp lý khác. Harvard lại tiếp tục phản đối và thẩm phán Burroughs cũng đã tạm thời chặn nỗ lực này của Trump.
Ông Trump đã có nhiều tháng đối đầu với Harvard sau khi nhà trường từ chối một loạt yêu cầu từ chính phủ nhằm giải quyết các khiếu nại từ phe bảo thủ rằng trường đã trở nên quá thiên tả và dung túng cho hành vi quấy rối người Do Thái. Các quan chức dưới quyền Trump đã cắt hơn 2,6 tỷ USD tiền tài trợ nghiên cứu, chấm dứt các hợp đồng liên bang và đe dọa thu hồi quy chế miễn thuế của trường.
Vào tháng Tư, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem yêu cầu Harvard cung cấp một số lượng lớn hồ sơ liên quan đến bất kỳ hành vi nguy hiểm hoặc bất hợp pháp nào của sinh viên nước ngoài. Harvard cho biết họ đã hợp tác, nhưng bà Noem nói phản hồi của trường là không đầy đủ và vào ngày 22/5 đã thu hồi giấy chứng nhận của Harvard trong Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (Student and Exchange Visitor Program – SEVP).
Theo đơn kiện của trường, lệnh trừng phạt này ngay lập tức đặt Harvard vào thế bất lợi khi cạnh tranh để thu hút các sinh viên xuất sắc nhất thế giới, đồng thời làm tổn hại đến danh tiếng của Harvard với tư cách là trung tâm nghiên cứu toàn cầu. “Không có sinh viên quốc tế, Harvard không còn là Harvard,” đơn kiện viết.
Quyết định của chính phủ cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số trường cao học vốn phụ thuộc lớn vào tuyển sinh quốc tế. Một số trường đại học ở nước ngoài, bao gồm hai trường ở Hồng Kông, đã nhanh chóng mời gọi các sinh viên của Harvard chuyển sang học.
Chủ tịch Harvard, ông Alan Garber, trước đó cho biết nhà trường đã thực hiện các thay đổi để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Tuy nhiên, ông khẳng định Harvard sẽ không từ bỏ “những nguyên tắc cốt lõi được pháp luật bảo vệ” của mình, ngay cả khi đối mặt với những tối hậu thư từ liên bang.
Khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts. Ảnh: AP