
Donald Trump chắc chắn sẽ tuyên bố rằng lệnh đình chiến tạm thời hôm thứ Hai trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là một chiến thắng, nhưng các thị trường tài chính dường như đã hiểu đúng bản chất của nó – một sự đầu hàng.
Thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu tăng sau cuộc họp báo từ sáng sớm tại Geneva của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent – người dẫn dắt các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Giống như “thỏa thuận thương mại” giữa Mỹ và Anh tuần trước, Washington không trở lại với hiện trạng như trước khi Trump bước vào Nhà Trắng.
Thay vào đó, thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được cắt giảm từ 145% xuống còn 30% – tạm thời trong vòng 90 ngày. Đáp lại, Trung Quốc cũng giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ xuống còn 10%, từ mức 125% trước đó nhằm trả đũa Nhà Trắng.
Hai bên cam kết sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng tuyên bố của Nhà Trắng không hề nhắc đến những phàn nàn trước đây đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc định giá yếu đồng nhân dân tệ.
Thay vào đó, tuyên bố của Nhà Trắng ca ngợi “tầm quan trọng của một mối quan hệ kinh tế và thương mại bền vững, lâu dài và đôi bên cùng có lợi”. Ngôn ngữ này khác hẳn với bài phát biểu Ngày Giải Phóng của Trump, trong đó ông tuyên bố nước Mỹ bị “cướp bóc, càn quét, hãm hiếp và cướp phá bởi các quốc gia gần xa”.
Nói cách khác, tổng thống đã lùi bước. Có thể ông bị dao động bởi sự bất ổn của thị trường, nhưng có vẻ hợp lý hơn khi cho rằng những cảnh báo nghiêm trọng từ các nhà bán lẻ về tình trạng thiếu hàng – được củng cố bằng dữ liệu cho thấy khối lượng hàng nhập vào các cảng Mỹ đang sụt giảm – đã giúp củng cố lập trường của các nhân vật ôn hòa trong chính quyền.
Trước cảnh báo về khả năng thiếu đồ chơi, Trump từng nói với báo giới cách đây ít ngày rằng trẻ em nên hài lòng với “hai con búp bê thay vì 30 con”, và có thể “chúng sẽ đắt hơn vài đô” so với thường lệ. Nhưng khó có thể tưởng tượng ngay cả một tổng thống lạc quan như ông lại có thể chống chọi được với làn sóng chỉ trích nếu ông bị coi là người gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu kiểu như thời Covid trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thay vào đó, Nhà Trắng dường như đã lựa chọn rút lui chiến thuật. Cuộc đối đầu Mỹ – Trung từ lâu vốn là mặt trận nóng nhất trong cuộc chiến thương mại của Trump, với lịch sử kéo dài và nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng hơn so với các cuộc tấn công bất ngờ vào Mexico và Canada.
Top of Form
Bottom of Form
Nếu Trump thực sự sẵn sàng nhượng bộ ngay cả với Bắc Kinh, điều đó phát đi tín hiệu rằng một số khía cạnh gây tranh cãi trong chính sách thương mại của ông có thể sẽ còn được thương lượng lại.
Tuy nhiên, những gì ông Bessent và các đối tác Trung Quốc chưa xóa bỏ được là sự bất ổn ăn mòn niềm tin đã ám ảnh các nhà đầu tư trên khắp nền kinh tế toàn cầu kể từ khi Trump công bố thuế quan vào “Ngày Giải Phóng”.
Thuế quan với Trung Quốc mới chỉ được tạm cắt giảm, và nhiều quốc gia khác vẫn đang chờ đợi xem mức thuế của họ sẽ được điều chỉnh về đâu sau thời hạn 90 ngày tạm dừng áp thuế đối ứng mà Trump đưa ra, dự kiến kết thúc vào tháng Bảy.
Trong khi đó, các công ty trong chuỗi thương mại toàn cầu vẫn đang hoang mang không biết phiên bản chính sách nào sẽ được duy trì, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục cố gắng né tránh thị trường Mỹ nếu có thể.
Và khi mức thuế 30% vẫn còn áp dụng với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, bức tranh lớn hơn vẫn là hai siêu cường kinh tế đang ngày càng tách rời nhau.
Nhà Trắng dường như đã lựa chọn rút lui chiến thuật trong thương chiến Mỹ-Trung. Ảnh: EPA