
Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cho biết họ đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước tại Thụy Sĩ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent mô tả các cuộc thảo luận là “hiệu quả và mang tính xây dựng”, trong khi Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng nói rằng các cuộc đàm phán là “sâu sắc” và “thẳng thắn”.
Nhà Trắng gọi đây là một “thỏa thuận thương mại”, nhưng không công bố thêm chi tiết. Một tuyên bố chung với nội dung đầy đủ dự kiến sẽ được công bố vào hôm nay, thứ Hai, 12-5.
Cả hai bên đã tham gia vào các cuộc thảo luận kín kéo dài cả cuối tuần – đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao đối với Trung Quốc vào tháng Giêng. Đây cũng là lần đầu tiên hai bên gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Trump áp mức thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đối với một số mặt hàng của Mỹ.
Các mức thuế khổng lồ này đã gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Sáng thứ Hai, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng khoảng 0,4%, còn chỉ số Hang Seng tăng gần 0,7%.
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh. Hợp đồng tương lai là hợp đồng mua bán tài sản ở thời điểm tương lai và thường phản ánh xu hướng thị trường khi mở cửa.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tăng giá so với đô la Mỹ.
Một chuyên gia thương mại nói với chương trình Business Today của BBC rằng thông báo này có thể bao gồm việc cắt giảm thuế quan.
Frank Lavin, cựu Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết ông kỳ vọng hai nước sẽ giảm thuế, dù các mức thuế vẫn sẽ “cao hơn nhiều so với mức bình thường trong lịch sử”.
Tuy nhiên, Deborah Elms, Trưởng bộ phận Chính sách thương mại của Quỹ Hinrich, thì ít lạc quan hơn. Bà nói rằng các loại thuế đối ứng có thể được xem xét, “nhưng có lẽ là không. Tôi nghĩ chủ yếu sẽ chỉ là một thỏa thuận tiếp tục đàm phán,” bà nói trên chương trình Newsday của BBC.
Sau khi kết thúc hai ngày đàm phán tại Geneva, đại diện thương mại Mỹ – đại sứ Jamieson Greer cho biết: “Thỏa thuận mà chúng tôi đạt được với các đối tác Trung Quốc sẽ giúp giảm mức thâm hụt thương mại 1.200 tỷ USD của Mỹ”.
Ông Bessent cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc giảm leo thang chiến tranh thương mại, trong khi Phó Thủ tướng He Lifeng nói rằng các cuộc đàm phán “có ý nghĩa to lớn với cả hai nước và cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu”.
Phó Thủ tướng He Lifeng cho biết hai bên đã đạt được một loạt đồng thuận lớn, và cũng đã thống nhất thiết lập một cơ chế tham vấn kinh tế và thương mại.
Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gọi các cuộc đàm phán là “một bước tiến quan trọng”.
“Tôi kêu gọi cả hai quốc gia tiếp tục phát triển các giải pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng, khôi phục tính dự đoán và củng cố niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương,” bà nói trong một tuyên bố.
Vào thứ Bảy, sau ngày đầu tiên đàm phán, ông Trump ca ngợi việc “thiết lập lại toàn diện” trong quan hệ giữa hai nước.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ nói các cuộc đàm phán diễn ra “rất tốt” và nói rằng những thay đổi đã được “đàm phán một cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng”.
“Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn với các doanh nghiệp Mỹ. TIẾN BỘ LỚN ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC!!!” ông Trump viết thêm.
Trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ đánh thuế 145% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc trả đũa bằng thuế 125% đối với một số mặt hàng Mỹ.
Vào thứ Sáu, trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng Washington sẽ không đơn phương hạ thuế, và Trung Quốc sẽ cần có những nhượng bộ riêng.
Cả hai bên cũng đã phát đi nhiều cảnh báo trước thềm cuộc gặp. Bắc Kinh yêu cầu Mỹ giảm thuế, trong khi ông Bessent nhấn mạnh rằng mục tiêu là “giảm căng thẳng”, chứ không phải một “thỏa thuận thương mại lớn”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã quyết định tham gia đàm phán sau khi cân nhắc kỹ kỳ vọng toàn cầu, lợi ích quốc gia và lời kêu gọi từ các doanh nghiệp Mỹ.
Tháng trước, BBC đã đưa tin các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang chật vật vì các mức thuế từ Mỹ – một công ty là Sorbo Technology cho biết một nửa sản phẩm của họ vốn xuất sang Mỹ, nay phải chất đống trong kho tại Trung Quốc.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ đã suy giảm trong ba tháng đầu năm – GDP giảm 0,3% theo tỷ lệ hàng năm – khi các doanh nghiệp cố gắng nhập hàng vào Mỹ trước khi các mức thuế mới có hiệu lực.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trong tháng trước khi ông Trump công bố một mức thuế cơ bản phổ quát đối với mọi hàng nhập khẩu vào Mỹ, nhân ngày mà ông gọi là “Ngày Giải phóng”.
Khoảng 60 đối tác thương mại, mà Nhà Trắng mô tả là “các bên vi phạm tồi tệ nhất”, đã bị đánh thuế cao hơn các nước khác – trong đó có Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Ông Trump nói đây là cách “trả đũa” cho nhiều năm chính sách thương mại bất công với Mỹ.
Ông cũng công bố riêng mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, cùng với mức thuế 25% đối với ô tô và linh kiện xe hơi.
Tuần trước, có thông báo rằng Mỹ và Anh đã đạt được thỏa thuận – theo đó mức thuế 25% sẽ giảm còn 10% đối với tối đa 100.000 chiếc ô tô từ Anh, tương ứng với lượng xe Anh xuất sang Mỹ năm ngoái. Ô tô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Anh sang Mỹ, trị giá khoảng 9 tỷ bảng năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu trước truyền thông sau cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc về thuế quan tại Geneva. Ảnh: AFP