
Tàu thăm dò Kosmos 482 đã rơi trở lại Trái Đất hôm 10-5, sau hơn nửa thế kỷ bay trên quỹ đạo quanh hành tinh của chúng ta. Theo cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, tàu tái nhập khí quyển lúc 2:24 sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (tức 1:24 chiều giờ Việt Nam), phía trên Ấn Độ Dương, về phía tây Jakarta, Indonesia. Có vẻ như Kosmos 482 đã rơi an toàn xuống biển.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số nhiều ước tính; các cơ quan vũ trụ và tổ chức theo dõi khác đưa ra những dự đoán khác nhau về vị trí tái nhập khí quyển, từ đất liền Nam Á đến phía đông Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ liệu chúng ta có thể xác định chính xác nơi Kosmos 482 rơi xuống hay không.
Nhà thiên văn học Gianluca Masi thuộc Dự án Kính thiên văn Ảo đã chụp được hình ảnh Kosmos 482 trong một trong những vòng bay cuối cùng của nó khi đi qua bầu trời Rome, Ý, ngay trước bình minh ngày 10 tháng 5. Trong bức ảnh, tàu thăm dò “hiện ra như một vệt sáng đi vào từ phía trên và hướng xuống góc dưới bên phải,” Masi viết trên trang web của mình. “Bức ảnh là tổng hợp của bốn hình ảnh, nên vệt của Kosmos 482 trông như các nét đứt.”
Trái Đất không phải là nơi Kosmos 482 được thiết kế để hạ cánh. Tàu vũ trụ này thuộc chương trình Venera của Liên Xô, vốn đã gửi hàng loạt tàu thăm dò đến Sao Kim trong những năm 1960, 1970 và đầu 1980.
Kosmos 482 được phóng vào năm 1972 nhằm bay đến hành tinh “chị em nóng bỏng” của Trái Đất, nhưng một trục trặc với tên lửa đẩy đã khiến nó mắc kẹt trong quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất. Trong suốt 53 năm tiếp theo, sức cản khí quyển đã từ từ kéo nó xuống, dẫn đến kết cục kịch tính ngày hôm nay.
Hầu hết các mảnh rác không gian lớn — như vệ tinh hỏng hoặc tầng tên lửa đã sử dụng — đều vỡ vụn khi quay trở lại Trái Đất, tạo thành những trận “mưa sao băng” nhân tạo. Tuy nhiên, rất có thể Kosmos 482 đã rơi xuống nguyên vẹn, do nó được thiết kế để chịu được quá trình xuyên qua bầu khí quyển dày đặc của Sao Kim ở tốc độ cao.
Kosmos 482 có đường kính khoảng 1 mét và nặng khoảng 495 kg. Nếu không bị vỡ trong lúc tái nhập, nó có thể đã đâm xuống bề mặt Trái Đất với vận tốc khoảng 240 km/h, theo nhà theo dõi vệ tinh người Hà Lan Marco Langbroek.
Trong trường hợp đó, “năng lượng động tại điểm va chạm tương đương với một mảnh thiên thạch có đường kính từ 40 đến 55 cm (sau khi đã bị mài mòn trong khí quyển),” Langbroek viết trong một bài đăng gần đây.
Việc Kosmos 482 rơi trở lại Trái đất một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề rác không gian ngày càng gia tăng quanh Trái Đất. Trung bình mỗi ngày có ba mảnh rác không gian lớn rơi trở lại Trái Đất — và con số này chỉ có xu hướng tăng.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), hiện có khoảng 14.240 vệ tinh quay quanh Trái Đất, trong đó 11.400 chiếc vẫn đang hoạt động. Phần lớn trong số này là vệ tinh thuộc siêu chòm sao Starlink cung cấp internet của SpaceX, hiện đã có khoảng 7.200 vệ tinh và vẫn đang tăng nhanh.
Các siêu chòm sao khác cũng đang được xây dựng. Ví dụ, Amazon vừa phóng lô vệ tinh lớn đầu tiên cho mạng lưới internet Project Kuiper, dự kiến sẽ có tổng cộng 3.200 vệ tinh nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã phóng các vệ tinh cho hai siêu chòm sao riêng biệt, mỗi chòm sao được thiết kế chứa ít nhất 13.000 vệ tinh.
“Với lưu lượng hoạt động không gian ngày càng tăng, chúng tôi tin là tần suất tái nhập khí quyển sẽ tiếp tục tăng trong tương lai,” các quan chức ESA viết trong một bài đăng về Kosmos 482.
Nguy cơ bị thương hoặc thiệt hại tài sản do mỗi lần tái nhập riêng lẻ là rất nhỏ, vì phần lớn các mảnh vụn cháy rụi trong khí quyển, và những mảnh còn lại thường rơi xuống đại dương hoặc vùng đất không có người ở. Tuy nhiên, khi số lần tái nhập tăng lên, nguy cơ xảy ra va chạm gây thiệt hại cũng tăng theo.
Ngoài ra còn có những hậu quả tiềm tàng khác. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đang cảnh báo về ô nhiễm do vệ tinh cháy trong khí quyển, điều có thể gây hại cho tầng ozone của Trái Đất và ảnh hưởng đến khí hậu hành tinh.
Ảnh minh họa tàu thăm dò Kosmos 482 của Liên Xô rơi trở lại Trái Đất. Ảnh: Daily Star