
NASA đang cân nhắc khả năng phóng tên lửa lên sao Hỏa vào năm tới – một sự thay đổi lớn trong định hướng ưu tiên. Động thái này có thể giúp ích cho công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk và đẩy nhanh tiến trình đưa phi hành gia lên hành tinh đỏ.
Sự thay đổi đột ngột này diễn ra sau khi Nhà Trắng công bố đề xuất ngân sách năm 2026, trong đó tăng thêm 1 tỷ USD cho các dự án liên quan đến sao Hỏa và chi trả cho các đợt phóng tên lửa. Động thái này cũng thể hiện rõ ý định của chính quyền Trump trong việc ưu tiên sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa.
“Chúng tôi đang đánh giá mọi cơ hội, bao gồm các khung thời gian phóng vào năm 2026 và 2028, để thử nghiệm các công nghệ phục vụ việc đưa con người lên sao Hỏa,” người phát ngôn NASA, bà Bethany Stevens, cho biết.
Nhà Trắng đã lần đầu tiên gợi ý khả năng này hồi tháng trước trong một thông cáo báo chí sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Tổng thống Donald Trump. Thông cáo nêu rằng Mỹ và Ý sẽ hợp tác thực hiện một sứ mệnh sao Hỏa sớm nhất là vào năm tới.
Theo một quan chức cấp cao yêu cầu giấu tên, các nhân viên NASA – những người thường nắm rõ các kế hoạch như vậy – không được thông báo trước về dự án sao Hỏa này trước cuộc họp của Nhà Trắng.
Các sứ mệnh mới này có thể mang lại lợi ích lớn cho SpaceX của Elon Musk, nhiều khả năng sẽ là ứng viên hàng đầu cung cấp tên lửa. Dù một số công ty khác cũng có tên lửa đủ khả năng bay đến sao Hỏa, mới chỉ có SpaceX công bố kế hoạch đưa một tên lửa hạ cánh xuống hành tinh này vào năm 2026.
Trọng tâm mới của NASA phù hợp với sự quan tâm ngày càng tăng của chính quyền Trump đối với sao Hỏa. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump từng cam kết sẽ đưa phi hành gia đầu tiên lên hành tinh này. Ông Jared Isaacman – người được đề cử làm Giám đốc NASA – cũng tuyên bố sẽ “ưu tiên” sứ mệnh này trong phiên điều trần trước khi được Thượng viện phê chuẩn. Về phần mình, Musk – cố vấn cho ông Trump – từ lâu đã vận động cho việc ưu tiên sao Hỏa hơn là quay lại Mặt trăng.
Tuy nhiên, việc tập trung vào sao Hỏa có thể dẫn đến xung đột với các nhà lập pháp, những người đã ban hành luật yêu cầu NASA duy trì sự hiện diện lâu dài của con người trên hoặc gần Mặt trăng.
Quốc hội có thể phản đối Tổng thống Trump và không thông qua yêu cầu ngân sách nếu lo ngại rằng kế hoạch này sẽ làm chậm tiến độ các chương trình liên quan đến Mặt trăng. Đề xuất ngân sách của Nhà Trắng cũng bao gồm việc hủy bỏ chương trình trạm không gian Gateway quanh Mặt trăng, vốn nhận được sự ủng hộ của nhiều thượng nghị sĩ.
Ông Isaacman cho rằng NASA có thể theo đuổi đồng thời các kế hoạch với cả Mặt trăng và sao Hỏa. Nhưng cả Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa – Texas) và Maria Cantwell (Dân chủ – Washington) – chủ tịch và thành viên cao cấp của ủy ban Thượng viện giám sát NASA – đều đặt câu hỏi cho Isaacman về tuyên bố đó trong phần chất vấn bằng văn bản sau phiên điều trần.
Nhà Trắng, SpaceX, các Thượng nghị sĩ Cruz và Cantwell đều không phản hồi yêu cầu bình luận.
Năm tới và năm 2028 là hai khoảng thời gian gần nhất khi sao Hỏa và Trái Đất ở vị trí gần nhau nhất, rất lý tưởng cho các sứ mệnh phóng tàu lên hành tinh đỏ.
Tên lửa Starship của SpaceX không phải là ứng viên duy nhất cho hành trình này. Tên lửa New Glenn của Blue Origin – đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1 – có khả năng mang một tải trọng nhỏ lên sao Hỏa. Công ty này hiện đã được ký hợp đồng để đưa hai vệ tinh nhỏ lên hành tinh đỏ trong năm nay hoặc năm tới nhằm nghiên cứu hành tinh này. Nhà sản xuất tên lửa ULA cũng đã chế tạo nhiều tên lửa cho các sứ mệnh sao Hỏa trước đây.
Trong khi đó, Starship vẫn cần vượt qua nhiều bài kiểm tra kỹ thuật quan trọng trước khi có thể thực hiện chuyến bay lên sao Hỏa. Hai lần phóng gần nhất của tên lửa này đều kết thúc bằng các vụ nổ.
Tên lửa Starship của SpaceX cất cánh trong một chuyến bay thử nghiệm từ Starbase ở Boca Chica, Texas, ngày 6-3-2025. Ảnh: AP