
Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Năm đã gia tăng sức ép trong tranh chấp thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng cách đề xuất áp thuế quan tiềm năng đối với gần €100 tỷ hàng nhập khẩu — bao gồm các mặt hàng có giá trị lớn.
Danh sách hàng hóa bị nhắm đến bao gồm máy bay, ô tô chở khách, thiết bị y tế, hóa chất và nhựa, cùng một loạt sản phẩm nông nghiệp. Rượu bourbon và các loại rượu mạnh khác cũng quay trở lại danh sách, sau khi các nước sản xuất rượu vang như Pháp và Ý gây áp lực buộc Ủy ban châu Âu loại chúng ra do lo sợ bị Trump trả đũa.
Đây là một phần trong tài liệu dài 200 trang liệt kê hơn 4.800 loại hàng hóa do các quan chức thương mại EU biên soạn nhằm đáp lại việc Trump áp thuế đối ứng vào tháng trước, cũng như các loại thuế nhắm vào ô tô EU. Tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng này từ Mỹ vào EU vượt quá 109 tỷ euro trong năm 2024, theo số liệu từ Eurostat — trong đó, máy bay chiếm phần lớn với hơn 13 tỷ euro, tiếp theo là ô tô với 7 tỷ euro.
EU cũng đang xem xét hạn chế xuất khẩu thép phế liệu và các sản phẩm hóa chất trị giá 4,4 tỷ euro.
Song song đó, Brussels cũng sẽ khởi kiện Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Trump áp dụng thuế quan đối ứng, cũng như các loại thuế lên ô tô và linh kiện. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ khi nào Brussels sẽ chính thức khởi động vụ kiện.
Mục tiêu thực sự vẫn là “đạt được một kết quả đàm phán với Hoa Kỳ,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố. “Đồng thời, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị cho mọi khả năng, và cuộc tham vấn bắt đầu hôm nay sẽ giúp định hướng cho công việc cần thiết này.”
Không còn đường lui
Ủy ban châu Âu quyết tiến hành với danh sách thuế quan mới vì đã nhận thấy không thể quay lại hiện trạng trong quan hệ với Washington.
Trump đã đánh thuế 20% lên hầu hết hàng hóa châu Âu vào ngày 2 tháng 4, rồi giảm xuống 10% một tuần sau đó sau khi thị trường chứng khoán và trái phiếu hoảng loạn vì lo ngại tác động tiêu cực đến tăng trưởng và giá cả ở Mỹ.
Tuy vậy, EU kỳ vọng chính quyền Trump sẽ linh hoạt hơn trong việc hạ mức thuế cơ bản 10% của Mỹ, trong khi thuế đánh lên ô tô, thép và nhôm có thể sẽ vẫn giữ nguyên, vì phù hợp với chiến lược “tái công nghiệp hóa” mà Washington theo đuổi, một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu cho biết.
“Nếu chúng ta không hạ được mức thuế 10%, sẽ không có đàm phán, không có thỏa thuận,” quan chức này nói thêm.
Danh sách hàng hóa có thể được điều chỉnh, vì các doanh nghiệp và quốc gia thành viên EU sẽ có thời hạn đến ngày 10 tháng 6 để phản hồi và đề xuất loại bỏ những mặt hàng nhạy cảm nhằm tránh bị trả đũa từ Trump.
Đã từng xảy ra trường hợp này vào tháng 4 khi Ủy ban châu Âu tham vấn các thủ đô EU để trả đũa thuế thép và nhôm của Trump, và rượu bourbon được rút khỏi danh sách theo yêu cầu của Pháp, Ý và Ireland. Cuối cùng, các biện pháp này được công bố nhưng không thực thi, do Trump tạm dừng áp thuế đối ứng.
Việc EU đe dọa đánh thuế máy bay sẽ giáng đòn mạnh vào Boeing — nhà sản xuất máy bay đang gặp khó khăn của Mỹ — và có thể làm bùng lại tranh chấp về vấn đề trợ cấp xuyên Đại Tây Dương kéo dài nhiều năm, vốn đã được giải quyết sau nhiệm kỳ đầu của Trump.
Tổng giá trị của các sản phẩm trong danh sách thấp hơn nhiều so với €379 tỷ hàng xuất khẩu của EU bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Một quan chức cấp cao khác của Ủy ban cho biết Brussels đã thể hiện sự kiềm chế “để tránh tự bắn vào chân. Chúng tôi muốn thận trọng,” nhằm ngăn tình trạng leo thang trả đũa qua lại có thể “làm tổn hại đến ngành công nghiệp của chúng ta.”
Danh sách này bổ sung vào các biện pháp trả đũa hiện tại của khối, sau nhiều cuộc họp cấp cao giữa Brussels và Washington không thể làm dịu căng thẳng thương mại ngày càng tăng.
Ngoài mức thuế 10% với hầu hết hàng nhập khẩu từ EU, Washington còn áp mức thuế 25% lên ô tô, thép và nhôm. Chính quyền Trump cũng đang điều tra thêm các lĩnh vực như dược phẩm, xe tải, gỗ và chất bán dẫn.
Chủ tịch von der Leyen của EU, người có quan điểm cứng rắn trong chính sách thương mại với Mỹ. Ảnh: https://www.bruegel.org
Trump, Starmer công bố thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh hạn chế Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer vào thứ Năm đã công bố một thỏa thuận thương mại song phương hạn chế, giữ nguyên mức thuế 10% của Trump đối với hàng hóa xuất khẩu từ Anh, mở rộng nhẹ quyền tiếp cận nông sản cho cả hai quốc gia và giảm thuế xuất khẩu ô tô của Anh vào Mỹ, vốn đã trở thành một rào cản lớn. Thỏa thuận sơ bộ này là thỏa thuận đầu tiên trong số hàng chục thỏa thuận giảm thuế mà Trump đang cố gắng đạt được trong những tuần tới sau khi đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, với mục tiêu thay đổi thương mại toàn cầu theo lợi ích của Mỹ và thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ lên tới 1,2 nghìn tỷ USD. Trump đã giảm nhẹ thỏa thuận với Anh, cho rằng đó chỉ là một mô hình cho các cuộc đàm phán khác, nói rằng Anh “đã đạt được một thỏa thuận tốt” và nhiều đối tác thương mại khác có thể sẽ phải chịu mức thuế cuối cùng cao hơn nhiều vì có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Vào tháng 4, Trump đã áp dụng thuế đối ứng rất cao đối với hàng hóa từ một số nước, bao gồm Liên minh Châu Âu, sau đó tạm dừng các biện pháp này để dành thời gian cho các cuộc đàm phán. Cùng lúc đó, ông đã áp đặt thuế mới 25% đối với ô tô nhập khẩu và chấm dứt tất cả miễn trừ thuế đối với thép và nhôm. Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng với Starmer tham gia qua điện thoại, hai nhà lãnh đạo đã ca ngợi kế hoạch này như một “thỏa thuận đột phá”, giúp giảm thuế trung bình của Anh đối với hàng hóa Mỹ từ 5,1% xuống còn 1,8%. “Điều này mở ra một thị trường tuyệt vời cho chúng ta,” Trump nói. “Đây là một ngày thực sự tuyệt vời, mang tính lịch sử,” Starmer nói qua điện thoại. “Điều này sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai nước và trên toàn cầu, không chỉ bảo vệ công việc mà còn tạo ra việc làm, mở rộng quyền tiếp cận thị trường.” Mỹ đang chịu sức ép từ các nhà đầu tư để ký kết các thỏa thuận nhằm giảm bớt chiến tranh thuế quan sau khi chính sách đôi khi hỗn loạn của Trump đã đảo lộn thương mại toàn cầu với cả các bạn hàng và đối thủ, đe dọa làm gia tăng lạm phát và có thể gây ra suy thoái. (Hoàng Khang, nguồn: Reuters) |