Ủy ban châu Âu (EC) hôm thứ Tư cho biết đã đệ đơn kiện năm nước thành viên gồm Séc, Síp, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lên Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu – cơ quan tư pháp cao nhất của EU – vì không áp dụng đúng các quy định của Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA).
DSA – đạo luật nhằm bảo vệ người dùng trước các nội dung và sản phẩm bất hợp pháp trên mạng – đã chính thức có hiệu lực vào tháng 2 năm ngoái. Đến thời điểm đó, các quốc gia thành viên phải chỉ định một cơ quan chức năng quốc gia chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các quy định này tại nước mình.
Các cơ quan giám sát này cũng phải phối hợp với Ủy ban châu Âu, cơ quan trực tiếp giám sát một nhóm các nền tảng lớn nhất có hơn 45 triệu người dùng mỗi tháng.
Ngoài ra, các nước còn có nghĩa vụ trao đủ thẩm quyền cho các cơ quan giám sát để thực thi nhiệm vụ, cũng như ban hành các quy định xử phạt vi phạm DSA.
Ba Lan không chỉ định hay trao đủ quyền cho cơ quan chịu trách nhiệm thực thi DSA, theo tuyên bố của Ủy ban. Trong khi đó, Séc, Síp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – tuy đã chỉ định cơ quan giám sát – lại không trao đủ thẩm quyền cần thiết để họ thực hiện nhiệm vụ.
Ủy ban châu Âu đã bắt đầu tiến hành thủ tục xem xét vi phạm bằng cách gửi thư cảnh báo chính thức cho năm quốc gia này vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, cho đến nay, không nước nào thực hiện các biện pháp cần thiết.
Trong một vụ việc riêng biệt, Ủy ban cho biết đã tăng cường xem xét thủ tục vi phạm đối với Bulgaria, do nước này cũng không trao quyền cho một cơ quan giám sát quốc gia theo DSA, và không ban hành các quy định xử phạt. Nếu Bulgaria không khắc phục trong vòng hai tháng tới, Ủy ban có thể đưa quốc gia này ra tòa.
Từ cuối năm 2023, khi DSA bắt đầu áp dụng đối với nhóm nền tảng trực tuyến lớn nhất, Ủy ban đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật này. Hiện chưa có cuộc điều tra nào – kể cả với X, TikTok hay Meta – được xem là đã hoàn tất.
Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, có trụ sở tại Luxembourg. Ảnh: EC