
Tổng thống Donald Trump không ngừng mâu thuẫn với chính sách thuế quan của chính mình, khiến cho chính phủ và doanh nghiệp các nước khác không thể nắm bắt và đưa ra lộ trình kinh doanh thích hợp.
Ông tuyên bố đang chuẩn bị ký kết một loạt thỏa thuận thương mại mới trong vài tuần tới — nhưng lại nói rằng thực tế là không thể tổ chức tất cả các cuộc họp cần thiết.
Trump cho biết ông sẽ tự quyết định mức thuế quan mới được đàm phán nội bộ trong chính phủ Mỹ trong vài tuần tới — dù ông đã làm điều này vào “Ngày Giải phóng” 2-4, khiến kinh tế toàn cầu chao đảo.
Tổng thống Trump cũng nói rằng ông đang tích cực đàm phán với chính phủ Trung Quốc về thuế quan — trong khi phía Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đều nói rằng các cuộc đàm phán vẫn chưa bắt đầu.
Vậy nên tin vào điều gì? Điều chắc chắn là sự bất định sẽ tiếp diễn — theo cách mà cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều dự đoán sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế — và khiến các lãnh đạo nước ngoài không khỏi bối rối. Và hệ lụy từ cuộc hỗn loạn thuế quan này là vô cùng lớn.
Trump đã áp thuế lên tới 145% đối với Trung Quốc, khiến Trung Quốc đáp trả với mức thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ — về cơ bản là châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với nguy cơ kéo theo suy thoái.
Trump đang tự đàm phán thương mại với chính mình
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time công bố tuần trước, tổng thống cho biết mức thuế 20%, 30% hoặc 50% trong vòng một năm tới sẽ là một “chiến thắng toàn diện” — mặc dù trước đó ông đã tạm thời giảm thuế nhập khẩu cơ bản xuống còn 10% trong 90 ngày để có thời gian đàm phán, sau khi thị trường tài chính hoảng loạn.
“Thỏa thuận phải là thỏa thuận mà tôi chọn,” Trump nói trong cuộc phỏng vấn. “Điều tôi làm là, tại một thời điểm nào đó trong tương lai không xa, tôi sẽ thiết lập một mức thuế công bằng cho từng quốc gia.”
Nếu điều đó gây bối rối cho các đối tác thương mại quốc tế, thì ngay trong nước cũng đang lan tỏa sự lo ngại.
Báo cáo Beige Book của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư — bản tổng hợp các ý kiến từ doanh nghiệp Mỹ công bố tám lần mỗi năm — cho thấy sự bất định ngày càng gia tăng mạnh, khiến các công ty phải cắt giảm tuyển dụng và đầu tư vào các dự án mới. Từ “bất định” xuất hiện 80 lần, so với 45 lần trong báo cáo hồi đầu tháng Ba và chỉ 14 lần hồi tháng Một.
Ngoài việc Trump có thể giữ lại một số mức thuế nhất định, các bộ trưởng tài chính và giám đốc doanh nghiệp tham dự hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington tuần qua đều cho biết trong các cuộc thảo luận riêng rằng chính quyền Trump không đưa ra định hướng rõ ràng nào cho các cuộc đàm phán thực chất.
“Hiện tại không có một chiến lược mạch lạc nào về việc các mức thuế này nhằm đạt được điều gì,” ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Kinh tế Địa chính trị thuộc Hội đồng Atlantic, nhận định. “Các cuộc trò chuyện của tôi với các bộ trưởng và thống đốc tuần này tại IMF đều cho thấy họ không hiểu rõ Nhà Trắng muốn gì, cũng như không biết phải đàm phán với ai.”
Các quốc gia khác cố gắng thúc đẩy đàm phán
Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter, trong một cuộc phỏng vấn với đài SRF công bố hôm thứ Sáu tuần trước, cho biết sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Bessent, Thụy Sĩ sẽ là một trong 15 quốc gia được Mỹ ưu tiên đàm phán “đặc biệt”. Tuy nhiên, bà nói rằng cần phải đạt được một bản ghi nhớ hợp tác để các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu.
Bà tỏ ra hài lòng khi ít nhất cũng biết nên nói chuyện với ai, và chia sẻ: “Chúng tôi đã được chỉ định một người liên hệ cụ thể. Điều này không dễ trong chính quyền Mỹ.”
Các quốc gia đang áp dụng nhiều chiến thuật đàm phán khác nhau.
Các quan chức Hàn Quốc đã yêu cầu phía Mỹ gỡ bỏ thuế quan với mục tiêu đạt thỏa thuận trước tháng Bảy. Liên minh châu Âu thì đề xuất cắt giảm thuế về mức 0 cho cả hai bên, dù Trump phản đối việc các nước châu Âu áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) — một loại thuế giống thuế bán hàng — mà ông cho là gây bất lợi cho hàng hóa Mỹ.
Trump vẫn tiếp tục tỏ ra lạc quan rằng các thỏa thuận với các nước khác sẽ đạt được, dù ông nói mình sẽ tự quyết định thỏa thuận và không rõ quy trình sẽ tiến hành ra sao.
“Tôi đang rất thân thiết với Nhật Bản,” Trump nói với báo giới hôm thứ Sáu. “Chúng tôi rất gần đạt được một thỏa thuận.”
Trong khuôn khổ thỏa thuận với Nhật, chính quyền Trump đã công khai kêu gọi chính phủ Nhật thay đổi tiêu chuẩn an toàn ô tô, vốn đặt ưu tiên cao cho an toàn của người đi bộ. Nhưng ô tô ở Nhật có tay lái nghịch, trong khi xe của các hãng Mỹ lại là tay lái thuận.
“Tôi không nghĩ xe tay lái thuận bán được ở Nhật,” Thủ tướng Shigeru Ishiba nói tại một phiên họp quốc hội tuần này.
Giá cao hơn và nguy cơ thiếu hàng
Khi Trump tiếp tục đưa ra những phát ngôn mâu thuẫn về thuế quan, các doanh nghiệp đang chuẩn bị đối mặt với giá cả cao hơn, doanh số thấp hơn và thậm chí là tình trạng thiếu hàng vì lượng hàng nhập từ Trung Quốc giảm.
Ông Ryan Petersen, CEO của Flexport — công ty chuỗi cung ứng — viết trên nền tảng X rằng: “Trong ba tuần kể từ khi thuế quan có hiệu lực, lượng đặt chỗ container đường biển từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm hơn 60% trên toàn ngành.”
Người tiêu dùng đang nhận email và thông báo trên mạng xã hội từ các nhà bán lẻ rằng đèn, đồ nội thất và các mặt hàng gia dụng khác sẽ phải cộng thêm phụ phí do thuế quan.
Công ty vòi sen Afina hôm thứ Tư đã thử nghiệm để xem liệu người tiêu dùng có chấp nhận mua sản phẩm sản xuất tại Mỹ với giá cao hơn hàng nhập khẩu hay không. Mẫu vòi sen lọc nước sản xuất tại Trung Quốc có giá 129 USD, trong khi nếu sản xuất trong nước, giá thành sẽ lên đến 239 USD.
Khi khách hàng được lựa chọn giữa một mẫu vòi sen sản xuất tại Mỹ và một mẫu rẻ hơn sản xuất tại châu Á, có 584 đơn hàng chọn mẫu sản xuất ở nước ngoài — và không một ai mua mẫu sản xuất trong nước.
Ông Ramon van Meer, người sáng lập Afina, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “quy mô và tốc độ” của các mức thuế là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thích ứng, và cho biết một phần vấn đề là Trump áp đặt thuế nhập khẩu “mà không có kế hoạch hay thông báo phù hợp.”
Ông kết luận trong bản phân tích viết tay: “Nếu các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia muốn tái thiết ngành công nghiệp Mỹ, họ cần phải đối mặt với sự thật này: chủ nghĩa lý tưởng không phải lúc nào cũng đứng vững trước cái biểu giá hàng hóa.”
Tổng thống Donald Trump trả lời phóng viên từ trong khuôn viên Nhà Trắng vào thứ Sáu, ngày 25-4-2025. Ảnh: AP