
Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với giá cả cao hơn và thời gian giao hàng chậm trễ khi chính quyền Trump kết thúc quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá trị thấp từ Trung Quốc vào ngày thứ Sáu, 2-5.
Việc chấm dứt quy định được gọi là “de minimis” — vốn lâu nay cho phép tới 4 triệu bưu kiện giá trị thấp, chủ yếu từ Trung Quốc, được nhập vào Mỹ mỗi ngày mà không phải đóng thuế — cũng buộc các doanh nghiệp từng dựa vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc phải suy nghĩ lại chiến lược để duy trì chi phí thấp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại có thể hưởng lợi từ việc bãi bỏ quy định miễn thuế này. Ví dụ, các công ty sản xuất hàng hóatại Mỹ có thể được “giải phóng” khỏi áp lực cạnh tranh từ hàngnhập khẩu giá rẻ Trung Quốc và có triển vọng bán hàng tươisáng hơn.
Động thái này — áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông — còn đi kèm với việc Tổng thống Donald Trump áp mức thuế quan mới tổng cộng 145% lên Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đã áp thuế 125% lên hàng hoá Mỹ, làm bùng phát cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm thứ Tư, ông Trump gọi quy định de minimis là “một trò giang lận lớn đối với đất nước chúng ta, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ”. Ông nói: “Chúng tôi đã chấm dứt nó.”
De minimis là gì?
Quy định de minimis được đưa ra từ năm 1938 nhằm tạo điều kiện cho các gói hàng nhỏ có giá trị không quá 5 USD (tương đương khoảng 109 USD ngày nay) được thông quan nhanh chóng . Ngưỡng giá trị này được nâng lên 800 USD vào năm 2016. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt từ Trung Quốc, đã làm chệch hướng mục tiêu ban đầu của quy định này.
Giá trị hàng xuất khẩu từ Trung Quốc dưới dạng bưu kiện giá trị thấp đã tăng vọt lên 66 tỷ USD trong năm 2023, so với 5,3 tỷ USD vào năm 2018, theo báo cáo tháng 2 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS). Thị trường Mỹ là điểm đến chính.
Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden từng đề xuất quy định buộc các công ty nước ngoài không được lách thuế bằng cách khai báo hàng hóa trị giá dưới 800 USD. Ông Trump đã cố gắng chấm dứt quy định de minimis vào tháng 2, nhưng lệnh này bị hoãn lại trong vài ngày do lo ngại Mỹ chưa sẵn sàng xử lý và thu thuế lượng lớn bưu kiện.
Người mua, người bán và đơn vị vận chuyển chịu ảnh hưởng thế nào?
Người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn và chờ hàng lâu hơn do bưu kiện giờ đây phải trải qua quy trình khai báo hải quan phức tạp hơn, bao gồm nộp thuế.
Doanh nghiệp có thể gộp thuế vào giá bán cuối cùng, hoặc liệt kê riêng như thuế bán hàng. Ví dụ, Temu (thuộc sở hữu củaPDD Holdings, Trung Quốc) hiện niêm yết “phí nhập khẩu” khiến giá của nhiều mặt hàng tăng gấp đôi. Temu cũng cung cấp tùy chọn “kho hàng địa phương” với một số sản phẩm gửi từ nội bộ nước Mỹ để tránh phí nhập khẩu.
Trong khi đó, Shein (trụ sở đặt tại Singapore) có dòng thông báo ở bước thanh toán: “Thuế nhập khẩu đã bao gồm trong giá. Bạn sẽ không phải trả thêm gì khi nhận hàng.”
Amazon cho biết họ không có kế hoạch hiển thị chi phí thuế bổ sung bên cạnh giá sản phẩm, dù có tin đồn trước đó cho rằng họ sẽ làm vậy. Nhà Trắng đã chỉ trích dữ dội tin đồn này.
Các hãng vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm thu thuế, và các thủ tục giấy tờ tuân thủ quy định mới có thể dẫn đến giá cao hơn, giao hàng chậm trễ, thậm chí gián đoạn, theo ông Ram Ben Tzion từ nền tảng đánh giá Publican.
Các đơn vị lớn như UPS và FedEx cho biết họ đã sẵn sàng thu thuế theo quy định mới. Các hãng thương mại sẽ thu thuế 145% trên giá trị khai báo. Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) có thể lựa chọn áp thuế 120% với hàng giá trị thấp hoặc thu phí cố định 100 USD mỗi gói hàng — sẽ tăng lên 200 USD kể từ ngày 1 tháng 6.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết họ “sẵn sàng thực hiện đầy đủ các hạn chế đối với hàng hóa de minimis và thu tất cả khoảng thuế vào ngày 2 tháng 5 năm 2025.”
Tuy vậy, các chuyên gia lo ngại rằng khối lượng công việc tăng đột biến có thể là thách thức nghiêm trọng. Trong tháng 1 và 2, hơn 70% trong tổng số 216 triệu gói hàng vào Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng ra sao?
Những doanh nghiệp từng dựa vào quy định de minimis đang phải điều chỉnh.
John Curry, Giám đốc điều hành HAPARI International (Arizona) — một công ty bán đồ bơi, từng thay đổi từ vận chuyển số lượng lớn sang gửi từng gói nhỏ theo de minimis cách đây sáu tháng để cải thiện dòng tiền và loại bỏ kho hàng tại Mỹ. Hàng được sản xuất tại Trung Quốc và bán trực tiếp cho khách Mỹ qua website công ty.
Curry cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục hướng đi này và chấp nhận mức thuế 145% — từng gói một — trong khi chờ Mỹ và Trung Quốc tìm ra giải pháp bền vững hơn. “Phải có một giải pháp, vì cả hai nước không thể sống kiểu này mãi,” ông nói.
Izzy Rosenzweig, CEO của công ty logistics Portless, chuyên hỗ trợ doanh nghiệp như HAPARI vận chuyển hàng từ kho tại Trung Quốc, cho biết các doanh nghiệp Mỹ có khả năng vẫn sẻ kinh doanh tại Trung Quốc vì lợi thế chuỗi cung ứng và giá thành. Tuy nhiên, họ sẽ phải tăng giá.
Các doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao có thể vẫn tiếp tục nhập hàng từ Trung Quốc, nhưng những đơn vị lợi nhuận thấp buộc phải “nội địa hóa” bằng cách xây dựng thêm kho hàng tại Mỹ để giảm chi phí thuế.
Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại như đại diện ngành sản xuất cờ và xe đạp cho biết họ kỳ vọng hưởng lợi từ việc kết thúc miễn thuế.
Ví dụ, Hiệp hội Nhà sản xuất Cờ Hoa Kỳ cho biết các thành viên của họ phải đối mặt với hàng loạt hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, thường bị quảng cáo sai và giảm giá mạnh. Nhóm này ghi nhận doanh số cờ Mỹ sản xuất nội địa giảm 25–35% trong năm qua.
Bà Heather Mason từ Hiệp hội Đại lý Xe đạp Quốc gia cho biết người tiêu dùng thường xem xe đạp Trek giá 2.000 USD rồi lại tìm thấy mẫu trông tương tự giá 1.200 USD trên mạng — nhưng chất lượng thấp, không bảo hành, không dịch vụ và tiềm ẩn nguy cơ an toàn.
“Các thương hiệu uy tín phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn, lao động và bảo hành,” bà nói. “De minimis đã tạo điều kiện cho những đơn vị làm ăn gian lận né luật.”
Các container hàng hóa chờ vận chuyển tại cảng Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, ngày 17/4/2025. Ảnh: AP