
Các nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở nước ngoài khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cắt giảm ngân sách và lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học, theo một phân tích từ dữ liệu trên bảng việc làm của tạp chí Nature.
Dữ liệu từ nền tảng việc làm khoa học toàn cầu Nature Careers cho thấy các nhà khoa học Mỹ đã nộp đơn ứng tuyển vào các công việc ở nước ngoài nhiều hơn 32% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, số người dùng tại Mỹ tìm kiếm công việc ở nước ngoài cũng tăng 35%.
Riêng trong tháng 3, khi chính quyền tăng cường cắt giảm đầu tư cho khoa học, số lượt xem các công việc ở nước ngoài tăng đến 68% so với cùng tháng năm ngoái.
Hơn 200 khoản tài trợ liên bang cho nghiên cứu về HIV và AIDS đã bị chấm dứt đột ngột trong tháng trước. Việc cắt giảm tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho nghiên cứu COVID-19 cũng đã được tiết lộ, và chính phủ bắt đầu cắt giảm 400 triệu USD tài trợ nghiên cứu tại Đại học Columbia ở New York, do các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trong xung đột với Israel.
“Việc chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượt xem và đơn ứng tuyển ở Mỹ — và sự gia tăng tương tự ở những người muốn rời đi — là điều chưa từng có tiền lệ,” ông James Richards, trưởng nhóm Giải pháp Nhân tài Toàn cầu tại Springer Nature (đơn vị điều hành bảng việc làm Nature Careers), cho biết. Khi bài báo này được xuất bản, bảng việc làm đang có 983 vị trí tuyển dụng còn trống.
Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ dữ liệu với các nhà báo của Nature với điều kiện phân tích chỉ dựa trên phần trăm thay đổi thay vì số liệu tuyệt đối, do thông tin này được xem là bí mật thương mại. Việc công bố dữ liệu từ Nature Careers diễn ra sau một cuộc khảo sát riêng của nhóm tin tức Nature, cho thấy 75% nhà nghiên cứu tại Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ muốn rời đi.
Số đơn từ các nhà khoa học Mỹ nộp ứng tuyển vào các vị trí ở Canada tăng 41% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số đơn từ các nhà nghiên cứu Canada nộp vào Mỹ lại giảm 13%.
Kỹ sư hóa học Valerie Niemann là một trong số nhiều người đang tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp bên ngoài nước Mỹ. Tháng này, cô đã rời Đại học Stanford (California) để nhận vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Bern (Thụy Sĩ).
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 25-3, chuyên gia thống kê sinh học Xiao Wu tại Đại học Columbia than thở: “Khoản tài trợ NIH đầu tiên của tôi đã bị hủy đột ngột chỉ ba tháng sau khi nhận được.” Công việc của anh tập trung vào sử dụng dữ liệu dựa trện bằng chứng để giảm tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe.
Wu hiện không tìm việc ở nơi khác, nhưng lo sợ rằng anh có thể không còn lựa chọn nào khác. “Không có những khoản tài trợ này, sự ổn định nghề nghiệp và tương lai chuyên môn của tôi đang bị đe dọa trực tiếp,” anh nói. “Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề ‘tìm kiếm cơ hội khác’ mà là tình cảnh mà chúng tôi đang bị buộc phải rời khỏi các cơ sở học thuật tại Mỹ.”
Hãy mang những tài năng bị đe dọa tới đây
Một số tổ chức châu Âu đang nỗ lực thu hút làn sóng chất xám có thể rời khỏi Mỹ.
Đầu tháng 3, Đại học Aix-Marseille (Pháp) đã ra mắt sáng kiến “Nơi an toàn cho khoa học” với ngân sách 15 triệu euro (khoảng 17 triệu USD) để tài trợ cho 15 nhà nghiên cứu về khí hậu, y tế, môi trường và khoa học xã hội.
Người phát ngôn Clara Bufi cho biết đại học này đã đóng cổng đăng ký sau khi nhận được 298 hồ sơ và gần 400 yêu cầu thông tin. Tuy nhiên, bà cho biết có thể sẽ mở lại sau khi xử lý hết hồ sơ hiện tại. Chương trình nhắm đến các nhà nghiên cứu Mỹ bị sa thải, kiểm duyệt hoặc ngăn cản làm việc bởi các hành động của chính quyền Trump. Bà cho biết 70% ứng viên là nhà nghiên cứu Mỹ, và họ là các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. 20 người sẽ được chọn năm nay.
“Điều đang xảy ra là một thảm họa đối với nghiên cứu khoa học Mỹ,” Chủ tịch Đại học Aix-Marseille, Éric Berton nói. “Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm làm những gì có thể để cho các nhà khoa học thấy rằng vẫn còn một ánh sáng nhỏ ở miền nam nước Pháp – nơi họ có thể tự do nghiên cứu và được chào đón.”
Các viện Max Planck ở Đức cũng ghi nhận nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đang muốn ở lại lâu hơn kế hoạch ban đầu. Người phát ngôn Christina Beck cho biết lượng đơn từ châu Á cũng đang tăng, và cho rằng điều này phản ánh việc các nhà khoa học đang “tái định hướng” và bắt đầu ưu tiên châu Âu hơn là Mỹ. “Chúng tôi đang theo dõi tình hình ở Mỹ rất sát sao và rất lo ngại trước những xâm phạm vào quyền tự do học thuật và tính tự chủ của các tổ chức.”
Ngày 7-4, ông Patrick Cramer – Chủ tịch Hiệp hội Max Planck (lấy theo tên của một nhà vật lý lý thuyết người Đức, nổi tiếng là cha đẻ của thuyết lượng tử) tại Munich – thông báo thành lập “Chương trình xuyên Đại Tây Dương Max Planck”. Sáng kiến này sẽ thiết lập các trung tâm nghiên cứu hợp tác với các tổ chức ở Mỹ, cung cấp thêm vị trí sau tiến sĩ, thêm suất cho các nhà nghiên cứu trẻ tại 84 viện của hiệp hội, và bổ nhiệm một số nhà nghiên cứu xuất sắc từng bị mất cơ hội tại Mỹ làm giám đốc.
Thị trường việc làm khoa học quốc tế nói chung cũng đang chứng kiến sự gia tăng hoạt động. Lượt xem và đơn ứng tuyển cho các công việc ngoài nước Mỹ trên Nature Careers từ các nhà nghiên cứu nước ngoài tăng 13% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ muốn chuyển sang châu Âu không nên kỳ vọng sẽ có sẵn vị trí chờ đón.
Trong một báo cáo phân tích xu hướng tài trợ công bố tháng 4, Hiệp hội Đại học châu Âu cảnh báo rằng “việc cắt giảm tài trợ công tại một số quốc gia và căng thẳng chính trị toàn cầu tiếp diễn tạo ra sự bất ổn, đe dọa mô hình ‘tăng trưởng’ từng là nền tảng của khu vực đại học.” Điều này phản ánh tình trạng tăng trưởng trì trệ trong khối: GDP của EU năm ngoái chỉ tăng 1%, so với mức trung bình toàn cầu là 3,2%.
Tình hình khiến những người hy vọng châu Âu sẽ hưởng lợi từ làn sóng di cư của các nhà khoa học Mỹ cảm thấy thất vọng. Trong một tuyên bố trên trang của Hiệp hội Kinh tế học Địa Trung Hải – châu Âu, Chủ tịch Rym Ayadi cảnh báo: “Nếu không có dòng tài trợ ổn định, mức lương cạnh tranh và hỗ trợ từ tổ chức, châu Âu có nguy cơ biến lợi thế tiềm năng thành thất vọng và lãng phí chất xám.”
Một số quốc gia khác cũng đang tìm cách thu hút các nhà khoa học Mỹ. Theo một bài viết trên trang Politico, các nhà tuyển dụng Trung Quốc đã đăng quảng cáo trên mạng xã hội nhắm vào các nhà khoa học Mỹ bị sa thải, kêu gọi họ “phát triển sự nghiệp và khởi nghiệp tại Thâm Quyến, Trung Quốc”.
Trong quý I năm nay, số lượt xem và đơn ứng tuyển của người Mỹ cho các vị trí tại Trung Quốc đăng trên Nature Careers đã tăng lần lượt 30% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự quan tâm của các nhà khoa học Mỹ đến cơ hội nghề nghiệp tại các nước châu Á khác cũng tăng – lượt xem tăng 34% và đơn ứng tuyển tăng 39%.
Thu dọn hành trang
Tại Mỹ, nhà thần kinh học Michael Friedlander – Giám đốc Viện Nghiên cứu Y sinh Fralin tại Đại học Virginia Tech – cho biết những thay đổi chính sách gần đây và việc cắt giảm tài trợ đang khiến các nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ lo lắng. “Họ không chỉ hỏi tôi về hướng đi cho sự nghiệp khoa học, mà còn hỏi: liệu tôi có nên tiếp tục đi con đường này không? Liệu tôi còn tương lai với tư cách là nhà nghiên cứu y sinh không?”
Trong một khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu sinh Quốc gia vào tháng 2, có tới 43% trong số 293 người được hỏi cho biết vị trí của họ đang bị đe dọa; 35% nói rằng nghiên cứu của họ bị trì hoãn hoặc gặp rủi ro; 9% nói rằng họ không thể tự do phát biểu tại nơi làm việc.
Giám đốc điều hành của hiệp hội, ông Tom Kimbis, nói rằng việc cắt giảm tài trợ, các mối đe dọa đối với các sáng kiến đa dạng và hòa nhập, và lo ngại về nhập cư đang gây tổn hại cho công việc và đời sống của các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ.
Trong khi đó, Kỹ sư hóa học Valerie Niemann đang thu dọn hành lý rời Mỹ, chuẩn bị cho một chương mới tại Thụy Sĩ. “Bây giờ là thời điểm tốt để rời đi, xét về bối cảnh chính trị,” cô nói, và cho biết nhiều bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của cô cũng cảm thấy như vậy.
Tháng 3, các nhà khoa học và những người ủng hộ đã biểu tình phản đối cắt giảm tài trợ tại Washington DC. Ảnh: Sipa USA
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên kế hoạch cắt giảm sâu rộng đối với các tổ chức nghiên cứu trong nhiệm kỳ của ông. Ảnh: AP