
Startup Atmos Space Cargo của Đức cho biết họ coi chuyến bay đầu tiên của tàu sau khi tái nhập khí quyển là một thành công, dù chỉ thu được dữ liệu hạn chế về quá trình tái nhập.
Tàu Phoenix đầu tiên của Atmos Space Cargo đã được phóng như một trong các phương tiện không gian trên sứ mệnh chia sẻ chuyến bay Bandwagon-3 của SpaceX vào ngày 21-4. Tàu tách khỏi tầng trên của tên lửa khoảng 90 phút sau khi phóng và khoảng nửa giờ sau bắt đầu tái nhập khí quyển để hạ cánh trên biển ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Brazil khoảng 2.000 km.
Ông Sebastian Klaus, Giám đốc điều hành của Atmos, chia sẻ trong một buổi họp báo ngày 22-4 rằng sứ mệnh này có ba mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là thu thập dữ liệu từ chính phương tiện vũ trụ này trong chuyến bay; mục tiêu thứ hai là vận hành và thu thập dữ liệu từ các tải trọng trên chính phương tiện; mục tiêu thứ ba là thu thập dữ liệu về hiệu suất của tấm chắn nhiệt bơm hơi trong quá trình tái nhập khí quyển.
“Điều đã được xác nhận là chúng tôi đã thu thập được rất nhiều dữ liệu bay,” ông nói. Bốn thiết bị trên tàu này, từ các khách hàng thương mại và cơ quan hàng không vũ trụ Đức (DLR), đều đã hoạt động và truyền dữ liệu về. “Chúng tôi có thể gọi đó là một thành công trọn vẹn.”
Điều vẫn còn chưa rõ là tàu vũ trụ này, bao gồm cả tấm chắn nhiệt, đã hoạt động thế nào khi tái nhập. Ban đầu, Atmos lên kế hoạch cho việc tái nhập khí quyển ở Ấn Độ Dương, phía đông đảo Madagascar, gần đảo Réunion. Klaus cho biết công ty đã dành nửa năm lên kế hoạch cho địa điểm tái nhập này, bao gồm cả việc điều tàu để trục vớt phương tiện sau khi hạ cánh và huy động máy bay để thu thập dữ liệu trong quá trình tái nhập.
Tuy nhiên, năm tuần trước khi phóng, SpaceX thông báo với Atmos rằng cần thay đổi quỹ đạo do “những hạn chế vận hành” liên quan đến tải trọng chính là một vệ tinh do thám của Hàn Quốc. Điều này dẫn đến việc tàu Phoenix hạ cánh xuống một khu vực cách xa bờ biển Brazil, khiến mọi nỗ lực trục vớt sau khi tiếp nước bị loại bỏ. Ngoài ra, tàu còn phải trải qua một quá trình tái nhập dốc hơn so với kế hoạch ban đầu, gây áp lực lớn hơn lên phương tiện vũ trụ này.
Công ty đã triển khai các trạm mặt đất mới ở Nam Mỹ để liên lạc với phương tiện vũ trụ này trong các giai đoạn quan trọng trước khi tái nhập. Ngoài ra, họ còn thuê một máy bay để cố gắng thu thập dữ liệu khi tái nhập, nhưng khu vực hạ cánh nằm ngoài tầm bay của máy bay này. Khoảng cách xa và trời nhiều mây đã khiến công ty không thể thu được hình ảnh nào của quá trình tái nhập.
Klaus cho biết Atmos hiện coi mục tiêu thứ ba này là “một phần thành công” khi họ tiếp tục phân tích dữ liệu từ chuyến bay. Một số dữ liệu cho thấy tấm chắn nhiệt đã được bơm căng như dự kiến, nhưng ông cho biết công ty cần thêm thời gian để phân tích kỹ hơn, đồng thời thừa nhận rằng việc thu dữ liệu trong các giai đoạn cuối của chuyến bay là “rất khó” do tàu ở quá xa các trạm mặt đất.
Dữ liệu thu được sẽ giúp công ty cải tiến cho tàu Phoenix thứ hai, dự kiến sẽ được phóng vào năm sau. “Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng tôi có thêm dữ liệu về giai đoạn quan trọng cuối cùng của chuyến bay,” Klaus nói. “Nhưng ngược lại, chúng tôi cũng đã học được rất nhiều về các hệ thống và khía cạnh vận hành khác.”
“Tổng thể mà nói, tôi cho rằng đây là một sứ mệnh rất thành công,” ông kết luận.
Atmos Space Cargo đang phát triển Phoenix — một tàu vũ trụ tái nhập khí quyển sử dụng tấm chắn nhiệt bơm hơi. Ảnh: Atmos Space Cargo