
Mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ đã nhận được nhiều cuộc gọi lo lắng từ các công ty ngay sau khi Trung Quốc đáp trả thuế quan của Tổng thống Donald Trump trong tháng này bằng cách hạn chế xuất khẩu các khoáng sản được sử dụng trong quân sự và nhiều thiết bị công nghệ cao.
“Dựa trên số lượng cuộc gọi mà chúng tôi nhận được, ảnh hưởng là ngay lập tức,” Matt Sloustcher, người phát ngôn của MP Materials – công ty điều hành mỏ Mountain Pass ở sa mạc Mojave, California – cho biết.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguyên tố đất hiếm nếu Trung Quốc duy trì hoặc mở rộng kiểm soát xuất khẩu để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại. Mỏ ở California không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu đất hiếm của Mỹ, đó là lý do vì sao ông Trump đang cố gắng mở đường cho các mỏ mới.
Các nguyên tố đất hiếm là thành phần quan trọng trong xe điện, nam châm công suất lớn, máy bay chiến đấu tiên tiến, tàu ngầm, điện thoại thông minh, màn hình TV và nhiều sản phẩm khác. Mặc dù tên gọi là “hiếm”, nhưng 17 nguyên tố này không thực sự hiếm, vấn đề nằm ở việc khó tìm thấy chúng với nồng độ đủ cao để việc khai thác có lãi.
Thuế quan ảnh hưởng đến nguồn cung và chi phí
MP Materials – công ty đã mua lại địa điểm Mountain Pass không còn hoạt động vào năm 2017 – cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ ngừng gửi quặng sang Trung Quốc để xử lý vì các hạn chế xuất khẩu và mức thuế 125% mà Trung Quốc áp lên hàng nhập khẩu từ Mỹ. Công ty cho biết họ sẽ tiếp tục xử lý gần một nửa lượng quặng khai thác tại chỗ và lưu trữ phần còn lại trong khi tìm cách mở rộng khả năng xử lý.
“Việc bán các khoáng sản chiến lược quý giá của chúng tôi với mức thuế 125% là điều không hợp lý về mặt thương mại cũng như không phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ,” MP Materials tuyên bố.
Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất phụ thuộc vào đất hiếm và khoáng sản quan trọng khác sẽ chứng kiến giá cả tăng lên, và nguồn cung toàn cầu hiện tại có lẽ chỉ đủ để duy trì hoạt động sản xuất trong ngắn hạn.
Mỏ ở California sản xuất neodymium và praseodymium – hai loại đất hiếm nhẹ chính tạo nên các nam châm vĩnh cửu trong xe điện và tuabin gió. Tuy nhiên, khối lượng nhỏ các nguyên tố đất hiếm nặng như terbium và dysprosium mà Trung Quốc đang hạn chế lại rất quan trọng để giúp các nam châm chịu được nhiệt độ cao.
Hiện giá terbium đã tăng 24% kể từ cuối tháng 3, đạt mức 933 USD/kg.
“Ước tính của chúng tôi cho thấy thị trường hiện vẫn có đủ lượng dự trữ để đáp ứng nhu cầu,” Neha Mukherjee – chuyên gia phân tích đất hiếm của Benchmark Mineral Intelligence – nói, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra vào cuối năm nay.
Trung Quốc chi phối thị trường đất hiếm
Trung Quốc có quyền lực rất lớn trên thị trường đất hiếm. Nước này có các mỏ lớn nhất, sản xuất 270.000 tấn khoáng sản trong năm ngoái, so với 45.000 tấn tại Mỹ. Trung Quốc cung cấp gần 90% đất hiếm toàn cầu vì cũng nắm phần lớn năng lực xử lý.
Các hạn chế mà Bắc Kinh áp dụng từ ngày 4-4 yêu cầu các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải có giấy phép đặc biệt đối với bảy loại đất hiếm nặng và một số loại nam châm. Các biện pháp trả đũa này càng củng cố nhận định của chính quyền Trump và các nhà sản xuất rằng Mỹ cần gấp rút tìm kiếm thêm mỏ mới và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Trump đã cố gắng, dù chưa thành công, gây áp lực với Greenland và Ukraine để cung cấp thêm đất hiếm và khoáng sản quan trọng cho Mỹ. Tháng trước, ông ký sắc lệnh hành pháp kêu gọi chính phủ liên bang đơn giản hóa quy trình cấp phép và khuyến khích đầu tư vào các dự án khai thác.
Hai công ty đang cố phát triển các mỏ ở Nebraska và Montana. Các lãnh đạo của NioCorp và U.S. Critical Materials hy vọng sự hỗ trợ từ Nhà Trắng sẽ giúp họ huy động vốn và được phê duyệt để bắt đầu khai thác. NioCorp đã nỗ lực trong nhiều năm để huy động 1,1 tỷ USD nhằm xây dựng một mỏ ở đông nam Nebraska.
“Khi tôi ngồi suy nghĩ về cách đối phó với lợi thế khổng lồ của Trung Quốc về các khoáng sản (với tên lạ) mà phần lớn mọi người thậm chí không phát âm được, thì chúng ta cần phải đối mặt với tình huống này,” CEO Mark Smith của NioCorp nói. “Và cách tốt nhất, theo tôi, là chúng ta cần sản xuất đất hiếm nặng ngay tại Mỹ. Và chúng ta có thể làm điều đó.”
MP Materials đang gấp rút mở rộng khả năng xử lý, một phần nhờ khoản hỗ trợ 45 triệu USD mà công ty nhận được từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Nhưng dù đã đầu tư gần 1 tỷ USD kể từ năm 2020, hiện công ty chưa thể xử lý các nguyên tố đất hiếm nặng mà Trung Quốc đang hạn chế. MP Materials cho biết họ đang tích cực thay đổi điều đó, đồng thời đang xây dựng một nhà máy tại Texas để sản xuất nam châm đất hiếm dùng trong xe điện và các sản phẩm khác nhằm giảm sự thống trị của Trung Quốc trong thị trường này.
Các nhà sản xuất chuẩn bị ứng phó với giá tăng
Các hãng xe lớn của Mỹ từ chối bình luận về mức độ phụ thuộc vào đất hiếm và ảnh hưởng từ lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc. Các tập đoàn quốc phòng lớn như Boeing và Lockheed Martin – nằm trong số hơn chục công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ bị Trung Quốc nhắm đến – cũng giữ im lặng.
Công nghệ quân sự là lĩnh vực sử dụng đất hiếm ít hơn, nhưng vẫn rất quan trọng. Ông Trump hôm thứ Ba đã ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu điều tra những tác động đến an ninh quốc gia khi Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các nguyên tố này.
Người phát ngôn của Lockheed – công ty sản xuất máy bay F-22 – cho biết công ty liên tục đánh giá “chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu để đảm bảo quyền tiếp cận các vật liệu chiến lược phục vụ khách hàng.”
Steve Christensen – Giám đốc điều hành Hiệp hội Pin Có Trách Nhiệm – cho biết một số nhà sản xuất pin có thể sớm thiếu hụt các nguyên tố quan trọng trong vòng vài tuần. Hiện các nhà sản xuất đã thấy giá antimon – nguyên tố giúp kéo dài tuổi thọ pin axit chì truyền thống – tăng hơn gấp đôi kể từ khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu năm ngoái. Mặc dù không nằm trong số 17 nguyên tố đất hiếm, antimon là một trong những khoáng sản quan trọng mà ông Trump muốn sản xuất trong nước.
Ban đầu, các hãng xe có thể cố gắng hấp thụ chi phí pin tăng mà không tăng giá xe, nhưng nếu Trung Quốc giữ nguyên lệnh hạn chế, điều đó sẽ khó duy trì, Christensen nói. Mức thuế 25% mà ông Trump áp lên tất cả ô tô và phụ tùng nhập khẩu cũng đã được dự báo sẽ khiến chi phí tăng, dù Tổng thống có ám chỉ tuần này rằng ông có thể tạm hoãn áp dụng với ngành công nghiệp này.
Mỹ từng tự cung ứng đất hiếm cho đến cuối những năm 1990. Việc sản xuất gần như chấm dứt sau khi quặng giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu. Robot, drone và nhiều công nghệ mới đã nhanh chóng làm tăng nhu cầu nguyên liệu thô.
NioCorp gần đây đã ký hợp đồng khoan thăm dò thêm trong mùa hè này tại địa điểm ở gần Elk Creek, Nebraska để thuyết phục Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ rằng có đủ đất hiếm trong lòng đất để chứng minh tính khả thi cho khoản vay 800 triệu USD nhằm tài trợ dự án.
Tuy nhiên, việc đưa vào hoạt động một mỏ đất hiếm mới tại Mỹ phải mất nhiều năm. NioCorp ước tính nếu mọi việc suôn sẻ, địa điểm dự kiến khai thác và xử lý niobium, scandium, titanium cùng một số loại đất hiếm khác có thể sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump.
U.S. Critical Materials có kế hoạch khai thác vài tấn quặng tại Montana vào mùa hè này để thử nghiệm phương pháp xử lý mà công ty đang phát triển. Dự án Sheep Creek chưa tiến xa như dự án ở Nebraska, nhưng Giám đốc Harvey Kaye cho biết nơi này có trữ lượng quặng hứa hẹn với hàm lượng đất hiếm cao.
Mỏ đất hiếm của MP Materials tại Mountain Pass, California. Ảnh: AP