
Xe tự hành Perseverance của NASA đã lọt vào một kho báu khoa học trên sao Hỏa sau khi phát hiện hàng loạt loại đá đa dạng, mang đến cho các nhà khoa học cái nhìn quý giá về lịch sử cổ xưa của hành tinh đỏ.
Hiện tại, Perseverance đang khám phá các ngọn đồi, tảng đá và vách đá quanh miệng hố Jezero — một lòng chảo khô nằm phía bắc xích đạo sao Hỏa, nơi từng chứa một hồ nước hàng tỷ năm trước. Kể từ khi đến được rìa phía tây của miệng hố vào tháng 12 năm ngoái, xe tự hành đã tập trung nghiên cứu địa hình phân tầng của một sườn dốc cao có tên Đồi Witch Hazel, nơi có thể chứa đựng manh mối về thời kỳ sao Hỏa từng có khí hậu hoàn toàn khác biệt.
Chỉ trong vài tháng gần đây, Perseverance — cỗ máy có kích thước bằng một chiếc ô tô — đã thu thập mẫu của 5 tảng đá, phân tích chi tiết 7 tảng khác, và dùng laser nghiên cứu từ xa thêm 83 tảng đá khác — đạt tốc độ thu thập dữ liệu khoa học nhanh nhất kể từ khi đổ bộ xuống hành tinh đỏ cách đây 4 năm, theo NASA.
“Trong các chiến dịch khoa học trước tại Jezero, chúng tôi thường mất vài tháng mới tìm được một tảng đá đủ khác biệt và độc đáo để lấy mẫu,” Katie Morgan, nhà khoa học dự án Perseverance tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở miền Nam California, cho biết. “Nhưng ở rìa miệng hố này, đi đến đâu là có đá mới và thú vị đến đó. Đây đúng là điều chúng tôi mong đợi — và hơn thế nữa.”
Rìa phía tây của miệng hố đang trở thành một “mỏ vàng” khoa học bởi nó chứa rất nhiều đá bị vỡ vụn và từng nóng chảy, được bật lên từ sâu bên dưới bề mặt do các vụ va chạm thiên thạch hàng tỷ năm trước — có thể bao gồm cả vụ va chạm tạo nên chính miệng hố Jezero, theo NASA.
Điểm thu hút chính với các nhà thiên văn là mẫu đá đầu tiên được thu thập tại rìa miệng hố, có tên là Silver Mountain (Núi Bạc), được mô tả là một “kho báu có một không hai”, có niên đại ít nhất 3,9 tỷ năm từ thời kỳ đầu của sao Hỏa khi hành tinh này chịu các trận mưa thiên thạch dữ dội, tạo nên bề mặt đầy hố mà chúng ta thấy hiện nay.
“Mẫu thứ 26 của tôi, có tên ‘Silver Mountain,’ có kết cấu hoàn toàn khác biệt với bất kỳ thứ gì tôi từng thấy trước đây,” tài khoản X chính thức của Perseverance đăng vào tháng Hai.
Không xa đó, xe tự hành cũng phát hiện một tảng đá giàu khoáng chất serpentine — loại khoáng chất thường hình thành khi nước tương tác với đá núi lửa. Các nhà khoa học cho biết quá trình này đôi khi có thể tạo ra hydro — một nguồn năng lượng tiềm năng cho sự sống như trên Trái đất.
“Bốn tháng qua thực sự là một cơn lốc đối với nhóm khoa học, và chúng tôi vẫn cảm thấy rằng Đồi Witch Hazel còn nhiều điều để kể,” Morgan nói. “Chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ dữ liệu từ xe thám hiểm tự hành thu thập gần đây để quyết định xem có nên lấy thêm mẫu nào từ rìa miệng hố hay không.”
“Rìa miệng hố — không thể không yêu,” bà nói thêm.
Các nhà khoa học đang nóng lòng đưa những mẫu vật mà Perseverance đã thu thập về Trái đất để xác định xem liệu sao Hỏa từng tồn tại sự sống hay không. Tuy nhiên, số phận của sứ mệnh đưa mẫu vật từ sao Hỏa về Trái đất (Mars Sample Return) của NASA vẫn chưa rõ ràng, do đây là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp và thách thức về công nghệ, đồng thời vấp phải nhiều trở ngại về ngân sách, tiến độ và kỹ thuật.
Sau khi ước tính chi phí tăng vọt lên 11 tỷ USD và thời gian hoàn thành bị đẩy lùi không sớm hơn năm 2040, NASA đã bắt đầu xem xét lại toàn bộ kế hoạch và mời các doanh nghiệp, trường đại học đề xuất phương án khả thi hơn về chi phí và thời gian. Quyết định của cơ quan này về chiến lược sửa đổi dự kiến sẽ được công bố vào giữa năm 2026.
Niêm phong mẫu vật “Green Gardens” — được thu thập bởi xe tự hành Perseverance của NASA từ một tảng đá có tên “Tablelands” nằm ở rìa miệng hố Jezero — đã trở thành một thử thách kỹ thuật. Mẫu vật này cuối cùng đã được niêm phong vào ngày 2/3. Ảnh: NASA/JPL